Tại Yên Bái, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, các khu vực trong tỉnh Yên Bái từ đêm 18/8 đến nay vẫn tiếp tục có mưa mưa vừa có nơi mưa to. Mực nước các sông đang lên nhanh, một số biên độ đạt trên 1m như sông Nậm Kim - Mù Cang Chải, đặc biệt suối Thia – Văn Yên biên độ lũ đạt 6,37m. Từ sáng đến chiều nay, trời tiếp tục mưa to, có nơi mưa rất to, tại TP Yên Bái mực nước đo được lúc sáng 20/8 là 99mm, Khau Phạ - Mù Cang Chải là 98,3mm, Trạm Tấu là 106,5mm…
Sơ tán đồ đạc do ngập úng tại TP Yên Bái. Ảnh: Trần Tùng |
Theo báo cáo nhanh của các huyện đến 18 giờ ngày 20/8, toàn tỉnh Yên Bái có 2 người bị chết do sạt lở đất tại xã Làng Nhì, huyện Trạm Tấu (ông Hờ Sông Dinh sinh năm 1944, 72 tuổi và bà vợ Sùng Thị Mỷ 70 tuổi). Ngoài ra có 1 người bị thương do sạt lở đất ở xã Làng Nhì, huyện Trạm Tấu. Về nhà ở, mưa lũ làm thiệt hại 2.527 nhà, trong đó 14 nhà bị sập đổ hoàn toàn, 971 nhà bị ngập, 41 nhà bị tốc mái và hơn 1.300 nhà phải di dời khỏi khu vực nguy hiểm ngập lụt, chủ yếu tại thị xã Nghĩa Lộ 101, huyện Văn Chấn, Văn Yên, Trấn Yên và TP Yên Bái. Tại TP Yên Bái đã ngập úng một số tuyến đường giao thông trọng yếu làm chia cắt địa bàn phường Hồng Hà, Nguyễn Thái Học, Yên Ninh khoảng 5km. Về sản xuất nông nghiệp, mưa lũ đã làm thiệt hại hơn 1.200ha lúa và hơn 200ha ngô và hoa màu. Ước tính thiệt hại khoảng 101,5 tỷ đồng. Ngay trong sáng 20/8, UBND tỉnh Yên Bái đã tổ chức cuộc họp về việc đối phó với tình hình mưa, lũ. Trong đó thành lập các đoàn đi kiểm tra tai các địa phương bị thiệt hại, phân công giao nhiệm vụ cho các ngành, thành viên phụ trách các huyện, thị xã, TP đi các địa phương chỉ đạo các biện pháp ứng phó với mưa lũ, rà soát, di dời người và tài sản ra khỏi vùng nguy cơ lũ quét, sạt lở đất. Cùng với đó, Ban Chỉ huy PCTT –Tìm kiếm cứu nạn các huyện Văn Chấn, Văn Yên, Trạm Tấu và thị xã Nghĩa Lộ đã kiểm tra, chỉ đạo công tác di chuyển người tài sản đến nơi an toàn. Riêng thị xã Nghĩa Lộ huy động lực lượng hơn 200 người hỗ trợ người dân di chuyển người và tài sản. Tại Lào Cai, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra mưa trên diện rộng, một số nơi có mưa to, gây sạt lở đất và lũ trên một số sông, suối. Theo báo cáo nhanh của các huyện Sa Pa , Bát Xát, Văn Bàn, Bảo Thắng, TP Lào Cai, tình hình thiệt hại sơ bộ về người có 1 người chết do bị lũ cuốn ở huyện Văn Bàn và 1 người bị mất tích ở huyện Sa Pa. Về nhà ở, toàn tỉnh có gần 300 nhà bị ảnh hưởng như sập đổ, tốc mái, sạt lở đất gây nguy hiểm và bị ngập nước phải sơ tán. Đáng chú ý, tỉnh Lào Cai có một số khu dân cư bị cô lập như xã Võ Lao 4 hộ, xã Văn Sơn trên 60 hộ của (huyện Văn Bàn). Các hộ thuộc tổ 6 đến tổ 13, phường Bình Minh, TP Lào Cai bị ngập úng do nước sông Hồng dâng. Thiệt hại về sản xuất nông nghiệp, thống kê của Ban Chỉ huy PCTT tỉnh Lào Cai cho thấy, toàn tỉnh có hơn 300ha lúa, ngô và hoa màu bị ngập úng, trong đó thiệt hại trên 70% có hơn 200ha thuộc huyện Văn Bàn. Về cơ sở hạ tầng, nhiều tuyến quốc lộ trên địa bàn tỉnh bị sạt lở, hư hỏng. Trong đó tuyến Quốc lộ 4D bị sạt lở nhiều điểm gây ách tắc giao thông, tại Km101+150 vết nứt xuất hiện chiều rộng 10 - 20cm, chiều sâu vùng sụt là 30cm, nguy cơ xảy ra sụt trượt dẫn đến ách tắc giao thông là rất cao. Tại Quốc lộ 279, sạt lở ta luy dương tại Km122+600, Km133+500, Km124+050 (ngầm) gây ách tắc giao thông cục bộ… Ước tính tổng thiệt hại do mưa lũ toàn tỉnh trên 60 tỷ đồng. Ngay sau khi nhận được thông tin, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Lào Cai đã thành lập các đoàn công tác đến hiện trường chỉ đạo UBND các huyện, TP huy động lực lượng tại chỗ ứng phó. Các lực lượng đã sơ tán, di chuyển được 230 hộ dân thuộc khu vực nguy cơ sạt lở, lũ quét, ngập úng đến nơi an toàn, đồngthời tổ chức lực lượng tìm kiếm người mất tích và khắc phục thiệt hại. Đến nay tuyến Quốc lộ 4D (Km101+150) đã được lực lượng ngành giao thông mở taluy dương làm đường tránh để thông xe tạm thời. Một số tuyến đường khác đang được các lực lượng khắc phục.