Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã trình bày quá trình xây dựng, những nội dung chính của Chiến lược, đề xuất các biện pháp, chính sách nhằm triển khai Chiến lược Việc làm Việt Nam 2011-2020. ILO cũng giới thiệu một số báo cáo và nghiên cứu then chốt, cung cấp những gợi ý về chính sách nhằm phục vụ cho việc xây dựng Chiến lược Việc làm quốc gia. Các nghiên cứu đề cập đến nhiều vấn đề kinh tế, xã hội khác nhau, phân tích việc làm dưới góc độ chất lượng và số lượng việc làm. Đây cũng là mục tiêu trọng tâm của các chương trình, chiến lược và kế hoạch phát triển của Chính phủ Việt Nam. Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận trong giai đoạn 2001-2010, vẫn còn một số thách thức, khó khăn tồn tại và mới nảy sinh đặc biệt trong lĩnh vực thị trường lao động và việc làm. Những thách thức này gây trở ngại đối với việc đáp ứng việc làm đầy đủ, có năng suất cao và bền vững phù hợp với quá trình hiện đại hóa nền kinh tế, tái cơ cấu các khu vực kinh tế có năng suất thấp, xây dựng chế độ tiền lương phù hợp với năng suất thông qua cơ chế ba bên và cải thiện quan hệ lao động... Giám đốc điều hành phụ trách khối việc làm của ILO tại Geneva Jose Manuel Salazar nhấn mạnh: "Do còn thiếu các biện pháp an sinh xã hội, hầu hết người lao động Việt Nam làm việc trong khu vực nông nghiệp với năng suất thấp, việc chuyển đổi cơ cấu của nền kinh tế theo hướng không còn tập trung vào khu vực nông nghiệp được thể hiện bởi sự chuyển dịch mạnh của lực lượng lao động từ ngành nông nghiệp sang các hoạt động sản xuất và dịch vụ và di chuyển đến các khu công nghiệp ở các thành phố." Ông Jose Manuel Salazar cũng bổ sung thêm: "Song hành với điều đó, việc làm phi chính thức cũng tăng trưởng, ở cả khu vực thành thị và bán thành thị. Thất nghiệp và các công việc trong điều kiện khó khăn với thu nhập thấp, ít được bảo vệ là phần nổi của tảng băng." Chiến lược Việc làm Việt Nam giai đoạn 2011-2020 gồm ba nội dung gồm đánh giá, miêu tả tình hình thực hiện các chính sách, giải pháp tạo việc làm và những nhận định về tình hình việc làm Việt Nam giai đoạn 2001-2010; những thách thức, dự báo cho giai đoạn 2011-2020, những nội dung chính của Chiến lược, mục tiêu và những giải pháp nhằm đạt được những mục tiêu này; và khung thể chế để thực hiện Chiến lược Việc làm cũng như sự phối hợp giữa các bộ, ngành trong việc giám sát, đánh giá giữa kỳ, đánh giá cuối kỳ và vận dụng cơ chế ba bên trong việc thực hiện Chiến lược. Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền khẳng định Chiến lược Việc làm Việt Nam giai đoạn 2011-2010 là sự cụ thể hóa những chủ trương, định hướng của Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011-2020 trong lĩnh vực việc làm, đồng thời hướng tới thực hiện các mục tiêu về việc làm bền vững cũng như các tiêu chuẩn về việc làm theo khuyến nghị của ILO. Các đại biểu dự Hội thảo nhất trí cho rằng việc thực hiện Chiến lược Việc làm 2011-2020 sẽ giúp Việt Nam giải quyết các tác động tiêu cực của Chương tình tái cơ cấu đầu tư, doanh nghiệp nhà nước và khu vực tài chính ngân hàng trong thời gian tới; đồng thời thúc đẩy các thành tựu của mục tiêu Thiên niên kỷ về việc làm đầy đủ, năng suất và bền vững, góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam trong thập kỷ tới.../.