Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác truyền thông chính sách ngày 24/11, lãnh đạo các cơ quan báo chí đã có những ý kiến đóng góp trong đó đều chung nhận định, làm tốt công tác truyền thông chính sách, nhất là những chính sách có tác động lớn xã hội, thì chính quyền các cấp phải vào cuộc, hoàn thiện cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ cho báo chí. Thực hiện tốt việc này giúp báo chí phát huy khả năng dẫn dắt, định hướng dư luận và chính sách sẽ nhanh chóng đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả.
Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh: Truyền thông chính sách phải đạt hiệu quả, phải đo đếm được
Trong truyền thông chính sách, quan trọng nhất là sự chủ động của các cơ quan chức năng cũng như các cơ quan báo chí. Vừa rồi, có một số phát biểu của các bộ, ngành đã nhấn mạnh đến sự chủ động.
Tuy nhiên, chúng ta cũng phải thẳng thắn với nhau, trong số các cơ quan, bộ ngành, địa phương, bên cạnh một số cơ quan rất chủ động như: Bộ Ngoại giao có công tác phối hợp với báo chí rất thường kỳ, thường xuyên hay như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bộ Công an, Bảo hiểm Xã hội… Nhưng còn rất nhiều các bộ, ngành, địa phương còn chưa có sự chủ động.
Ở góc độ Chính phủ, Quốc hội, cách thức làm truyền thông đã rất đổi mới và đạt hiệu quả cao. Nhưng ở góc độ từng bộ ngành, địa phương còn rất nhiều điều phải nói đến. Sự chủ động của một số cơ quan báo chí, các cơ quan khác cũng chưa đạt được. Công tác truyền thông chính sách là phải đạt hiệu quả, phải đo đếm được. Điều này chúng ta hoàn toàn có thể làm được.
Về những khó khăn nguồn lực, con người từng cơ quan báo chí phải có sự chuẩn bị. Nhưng đổi lại, Nhà nước hay Chính phủ, hay Quốc hội, bộ ngành, địa phương chính là các "khách hàng" để cho cơ quan báo chí truyền thông. Nếu không có kinh phí thì rất khó khăn cho cơ quan báo chí.
Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam Lê Ngọc Quang: Tận dụng tối đa sức mạnh của báo chí
Thời gian qua, nhất là những năm gần đây, các cơ quan báo chí ngày càng gặp nhiều khó khăn và thách thức. Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế, đời sống, xã hội. Điều này càng đẩy mạnh việc dịch chuyển ngân sách quảng cáo từ báo chí truyền thống sang quảng cáo trên nền tảng số, khiến nguồn thu của các cơ quan báo chí giảm mạnh.
Thực tế đòi hỏi để việc truyền thông chính sách thực sự hiệu quả, chất lượng thì phải có nguồn lực từ các bộ, ngành, địa phương thông qua cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các cơ quan báo chí. Để tận dụng tối đa sức mạnh của báo chí, đưa báo chí thành kênh thông tin chủ lực, nòng cốt thực hiện truyền thông chính sách, pháp luật đến với xã hội, người dân thì Chính phủ, bộ, ngành, các cơ quan chức năng liên quan cần nghiên cứu cơ chế cụ thể để cơ quan báo chí phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo chính sách pháp luật tham gia thực hiện truyền thông chính sách, trong đó có việc đặt hàng, giao nhiệm vụ thường xuyên, thiết lập kênh kết nối xuyên suốt và phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan để đảm bảo hoạt động này được triển khai ổn định, bền vững và có hiệu quả.
Như vậy, có thể khẳng định, truyền thông đóng vai trò quan trọng trong việc giữ tương tác giữa bộ máy chính quyền và người dân. Lãnh đạo chính quyền dựa vào sức mạnh của truyền thông để thực hiện truyền tải thông điệp và định hướng dư luận, hướng tới mục tiêu nhất định.
Chính vì vậy, nội dung và cách thức truyền thông phải được quan tâm đầu tư nhằm tác động tới người dân một cách hiệu quả nhất. Nội dung tuyên truyền pháp luật thường không hấp dẫn, khô khan và không thu hút được sự quan tâm của người dân, nhưng thực hiện tuyên truyền pháp luật đựa trên các tiểu phẩm, có tính ứng dụng trong đời sống xã hội, sẽ tác động sâu sắc tới nhận thức của người dân, từ đó đạt được hiệu quả tuyên truyền tốt hơn.
Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Dương Anh Đức: Chiến lược truyền thông của chính quyền thành phố là hết sức cần thiết
Trước thực tế phát triển, đặc biệt là qua đại dịch Covid-19, TP Hồ Chí Minh nhận thức rõ, việc xây dựng một chiến lược truyền thông của chính quyền TP là hết sức cần thiết. trên cơ sở đó, nội dung và cách thức truyền thông phải được quan tâm đầu tư nhằm tác động tới người dân một cách hiệu quả nhất.
Nội dung tuyên truyền pháp luật thường không hấp dẫn, khô khan và không thu hút được sự quan tâm của người dân, nhưng thực hiện tuyên truyền pháp luật dựa trên các tiểu phẩm, có tính ứng dụng trong đời sống xã hội, sẽ tác động sâu sắc tới nhận thức của người dân, từ đó đạt được hiệu quả tuyên truyền tốt hơn. Thực tế trên góp phần nâng cao hiệu quả của công tác triển khai chính sách, phát huy mạnh mẽ tinh thần đổi mới, sáng tạo và linh hoạt thích ứng, góp phần quan trọng vào các thành tựu của TP.