Hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) có chất lượng cao nhất

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-“Văn phòng Đoàn sẽ phối hợp các cơ quan tổng hợp ý kiến hôm nay, báo cáo Thường trực Thành ủy để hoàn thiện và tiếp tục thu thập ý kiến, nhằm xây dựng dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) chất lượng cao nhất"- Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐB Quốc hội TP Phạm Thị Thanh Mai nói.

Sáng nay, 28/2, Đoàn Đại biểu (ĐB) Quốc hội TP Hà Nội và UBND TP Hà Nội phối hợp tổ chức Tọa đàm “Một số cơ chế, chính sách xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi)”.

Chủ trì hội nghị có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn; Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐB Quốc hội TP Phạm Thị Thanh Mai. Cùng dự có: Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; các ĐB trong Đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội; các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành T.Ư và lãnh đạo một số sở, ngành TP.

Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai khai mạc Tọa đàm ''Một số cơ chế, chính sách xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi)''
Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai khai mạc Tọa đàm ''Một số cơ chế, chính sách xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi)''

Thay mặt Ban Tổ chức, khai mạc toạ đàm, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐB Quốc hội TP Phạm Thị Thanh Mai nhấn mạnh: Tọa đàm là sự phối hợp chặt chẽ giữa Đoàn ĐB Quốc hội với TP để tham góp, ghi nhận các ý kiến trên tinh thần trách nhiệm cao nhất với Thủ đô Hà Nội trong quá trình xây dựng, đề xuất một số cơ chế chính sách,. Qua đó, báo cáo các cấp có thẩm quyền, trước hết là với Bộ Chính trị. nhằm có những nghị quyết, định hướng lớn và mới cho Hà Nội trong quá trình xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi). Cùng đó là báo cáo Chính phủ, Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội về thông qua xây dựng chương trình Luật và Pháp lệnh năm 2023, dự kiến nếu kịp thời gian và được cấp có thẩm quyền thông qua thì sẽ đưa vào xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) để trình Quốc hội trong năm 2023.

“Qua 10 năm triển khai thực hiện Luật Thủ đô cho thấy, Luật đã phát huy hiệu quả trong một số cơ chế chính sách, giúp Thủ đô được thụ hưởng những đặc thù. Tuy nhiên nổi lên từ thực tiễn cho thấy một số vấn đề chưa đáp ứng được yêu cầu. Đó là những quy định pháp luật sau khi Luật Thủ đô được ban hành, sửa Hiến pháp năm 2013 và ban hành một loạt luật, nghị định thì một số nội dung, cơ chế chính sách của Luật Thủ đô cũng như nghị định, nghị quyết của HĐND TP đã không phát huy được tác dụng. Quá trình tổ chức thực hiện Luật cũng bộc lộ một số hạn chế, do những nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó có phối hợp vào cuộc ban hành và tổ chức triển khai thực hiện của các bộ ngành T.Ư"- Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐB Quốc hội cho biết.

Cũng theo Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐB Quốc hội, trong quá trình xây dựng dự thảo và đề xuất cơ chế chính sách một số nội dung để tổng kết 10 năm thi hành Luật, UBND TP, Ban Chỉ đạo và Tổ công tác đã tổ chức một số tọa đàm và lấy ý kiến rất nhiều chuyên gia, nhà khoa học cũng như có sự phối hợp của các tỉnh/TP trong Vùng Thủ đô. Tọa đàm hôm nay sẽ tiếp thu các ý kiến thẳng thắn để chọn lọc, từ đó Đoàn ĐB Quốc hội TP sẽ phối hợp UBND TP tổng hợp, báo cáo Thành ủy và Ban Chỉ đạo xây dựng Luật Thủ đô sửa đổi, nhằm xây dựng Dự thảo Luật có chất lượng nhất, báo cáo Bộ Chính trị dự kiến trong tháng 3/2022. 

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn phát biểu
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn phát biểu

Tiếp đó, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn đã trình bày tóm tắt quá trình tổ chức thực hiện tổng kết thi hành Luật Thủ đô và đề xuất những cơ chế chính sách đặc thù cho phát triển Thủ đô, một số định hướng về chính sách cũng như những vấn đề đã được thảo luận tại Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ TP vừa qua, tiếp thu và giải trình của Ban Cán sự Đảng UBND TP.

“16 nhóm chính sách được đề cập khi sửa đổi Luật là Thủ đô những vấn đề hoàn toàn mới, mà sự sửa đổi bổ sung là toàn diện cho Luật. Những vấn đề cụ thể về sửa đổi, kế thừa những điều khoản còn nguyên giá trị của Luật Thủ đô cũng đã được tổng hợp, Ban Cán sự Đảng UBND TP đã tổ chức nghiên cứu kỹ các ý kiến, tiếp thu nghiêm túc”- Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP khẳng định.

Đáng chú ý trong phần thảo luận, nhiều ĐB nêu những góp ý, đề xuất cụ thể, thẳng thắn liên quan các cơ chế, chính sách trong quá trình xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi).

ĐB Quốc hội Nguyễn Hữu Chính nhấn mạnh, xây dựng các cơ chế, chính sách phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội của Thủ đô phải khác với các địa phương khác. “Nếu chỉ dựa trên cơ chế chung thì không phải đặc thù, mạnh dạn trao quyền cho người đứng đầu song song với xử lý nghiêm vi phạm trong phân cấp, phân quyền“- ĐB nói.
Trong đó, Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Hoàng Văn Cường (ĐB Quốc hội TP Hà Nội) thể hiện đồng tình với đề xuất Hà Nội cần tinh gọn bộ máy, phân quyền phân cấp và trao quyền rất rõ cho người đứng đầu. Tuy nhiên, ĐB đề nghị có một cơ chế riêng về trao quyền người đứng đầu; có chính sách tăng phân quyền cho cấp quận huyện. Liên quan thu hút nhân tài, cần có cơ chế cho họ phát huy được năng lực, đúng vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh và trả lương xứng đáng vị trí đó, mới thực sự trọng dụng nhân tài. Riêng với chính sách về đất đai, ĐB đồng tình đề xuất TP tự định giá sát giá thị trường, nhưng cần cân nhắc lại việc quản lý nhà đất bỏ hoang…

Các đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà khoa học đóng góp ý kiến
Các đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà khoa học đóng góp ý kiến

ĐB Quốc hội, GS.TS Nguyễn Anh Trí - Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Tập đoàn Medlatec Group nêu một số đề xuất thiết thực về xây dựng cơ chế chính sách lĩnh vực y tế, nhằm đưa Hà Nội trở thành trung tâm y tế lớn không chỉ phục vụ người dân Thủ đô.
ĐB Dương Minh Ánh nêu đề nghị liên quan cơ chế hỗ trợ tôn vinh, đãi ngộ với các văn nghệ sỹ Thủ đô; quan tâm phát triển ngành công nghiệp văn hóa cho Hà Nội…

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn (đại biểu Quốc hội Đoàn thành phố Hà Nội) phát biểu thảo luận.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn (đại biểu Quốc hội Đoàn thành phố Hà Nội) phát biểu thảo luận.

Đặc biệt, bày tỏ nhất trí với báo cáo kết quả thực tiễn triển khai Luật Thủ đô và sự cần thiết sửa đổi Luật trong tình hình hiện nay, Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho rằng: Trong quá trình sửa đổi, nên coi Luật Thủ đô là cơ chế đặc thù cao nhất, nên cần tận dụng đưa vào hết những vấn đề Hà Nội đang cần nhất. Ngoài vấn đề “quan hệ vùng” cần đưa vào vấn đề liên quan mối quan hệ với các tỉnh/TP trong cả nước; quan tâm xử lý mối quan hệ của các cơ quan, tổ chức đang đóng trụ sở trên địa bàn Thủ đô… Riêng về giáo dục và đào tạo, Bộ trưởng đề nghị, chính sách thu hút phát triển lực lượng lao động chất lượng cao cần được tích hợp với nhóm chính sách phát triển giáo dục đào tạo.

“Với Thủ đô quan trọng nhất không phải là “thu hút” mà là chính sách “giữ chân”, phát triển và sử dụng nhân tài. Trong quy hoạch, các trường đại học tại TP đang rất phân tán, khiến khung cảnh giáo dục đại học rất tản mạn, cần được quy hoạch lại, sao cho thuận tiện giao thông. Vấn đề bố trí đủ trường, lớp nhất là cho những khu đông dân, khu đô thị ven đô cũng cần có chế tài mạnh. Đồng thời, TP nên đề xuất cơ chế ưu tiên đất đai cho phát triển các trường học tư, trường quốc tế trên địa bàn” - Bộ trưởng nêu.

Quang cảnh Tọa đàm
Quang cảnh Tọa đàm

Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐB Quốc hội TP Phạm Thị Thanh Mai thay mặt Ban Tổ chức trân trọng cảm ơn 11 ý kiến đóng góp sâu sắc của các ĐB Quốc hội và chuyên gia tại Tọa đàm, để góp phần đưa ra dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) có chất lượng nhất, với mục tiêu cuối cùng là Thủ đô phát huy được vai trò trách nhiệm cao nhất với cả nước. Đồng thời, đề nghị các cơ quan của UBND TP và Tổ công tác xây dựng Luật tiếp tục thống nhất các vấn đề cần quan tâm trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật. Trong đó, chú ý nguyên tắc pháp luật áp dụng được Luật Thủ đô với những tính năng vượt trội và có tính dẫn dắt, gắn với những luật chuyên ngành. Đặc biệt, để thuyết phục được 499 ĐB Quốc hội đồng thuận cao nhất để thông qua được Dự thảo khi TP Hà Nội trình Chính phủ, rất cần cơ sở pháp lý, khoa học, thực tiễn, mà cơ sở chính trị vô cùng quan trọng là báo cáo Bộ Chính trị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TƯ ngày 6/1/2012 của Bộ Chính trị (khóa XI) về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020 và ban hành Nghị quyết mới về phương hướng, nhiệm vụ phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

“Văn phòng Đoàn ĐB Quốc hội TP sẽ phối hợp các cơ quan liên quan tổng hợp các ý kiến hôm nay, báo cáo Thường tực Thành ủy để tiếp tục hoàn thiện, nhất là đánh giá tác động của những cơ chế chính sách hiện nay; đồng thời tiếp tục tổ chức các tọa đàm để thu thập thêm những góp ý, nhằm xây dựng được dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) với chất lượng cao nhất” - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐB Quốc hội TP khẳng định. Đồng thời, lưu ý nội dung đề xuất cơ chế, chính sách mới phải ưu việt, vượt trội hơn chính sách cũ và bảo đảm tính khả thi.