Hoàn thiện hệ thống pháp luật để hồi hương cổ vật

Hoàng Lan
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cho đến nay, hệ thống pháp luật về di sản văn hóa tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện với 1 luật, 8 nghị định của Chính phủ, 3 quyết định và 1 chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ VHTT&DL đã ban hành 17 thông tư, 8 quyết định, 3 chỉ thị theo thẩm quyền; đồng thời, Bộ VHTT&DL phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nội vụ ban hành 2 thông tư liên tịch…

Hiện nay, Việt Nam mới chỉ tham gia Công ước UNESCO 1970 mà chưa tham gia một số công ước, hiến chương, khuyến nghị về di sản văn hóa và bảo vệ cổ vật, như Công ước UNIDROIT về tài sản văn hóa bị đánh cắp hay xuất khẩu trái phép năm 1955, Khuyến nghị của UNESCO về các nguyên tắc quốc tế áp dụng cho khai quật khảo cổ năm 1956 (Khuyến nghị New Dehli).

Một số bảo vật trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Ảnh: Công Hùng
Một số bảo vật trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Ảnh: Công Hùng

Vì vậy, chúng ta gặp không ít khó khăn khi muốn hồi hương cổ vật bằng con đường luật pháp quốc tế. Việc tích cực tham gia nhiều công ước quốc tế về bảo vệ cổ vật không chỉ giúp hạn chế, ngăn chặn tình trạng đánh cắp, buôn bán trái phép cổ vật, mà còn giúp tạo căn cứ pháp lý quan trọng để tiến hành đàm phán, ngoại giao hay thực hiện các biện pháp cần thiết khác để đưa cổ vật về nước.

Đối với hệ thống pháp luật trong nước, hồi hương cổ vật vẫn còn là nội dung mới, Luật Di sản văn hóa chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể về việc đưa cổ vật Việt Nam về nước. Trong khi đó, trải qua chiến tranh, biến động lịch sử, nạn buôn bán cổ vật trái phép, các di vật nghệ thuật, cổ vật quý, quốc bảo, sách Hán Nôm… vẫn đang trôi nổi, lưu lạc ở nước ngoài, hiện được các bảo tàng, nhà sưu tập tư nhân lưu giữ.

Năm 2023, Bộ VHTT&DL đang từng bước hoàn thiện Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), trong đó, một số nội dung lần đầu được đưa vào luật. Điều 80 của dự thảo về Mua và đưa di vật, cổ vật có nguồn gốc Việt Nam từ nước ngoài về nước đã cụ thể hóa nội dung khuyến khích tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước mua và hiến tặng cho Nhà nước di vật, cổ vật có nguồn gốc Việt Nam ở nước ngoài.

Theo ý kiến của các chuyên gia văn hóa, di sản, nhà sưu tầm cổ vật, ban soạn thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) cần bổ sung những nội dung liên quan đến trình tự, thủ tục, hồ sơ đưa di vật, cổ vật có nguồn gốc Việt Nam từ nước ngoài về nước gồm mua, hiến tặng, trao trả…

Theo đó, Bộ VHTT&DL cần nghiên cứu, phối hợp các bộ, ngành liên quan xây dựng danh mục cổ vật của Việt Nam bị đưa ra khỏi đất nước bất hợp pháp trong quá khứ; thu thập thông tin, kiểm kê, xác minh và lập hồ sơ cổ vật Việt Nam cũng như tư liệu đầy đủ, chính xác về các cổ vật, bảo vật hiện nằm trong các bảo tàng, sưu tập tư nhân nước ngoài, từ đó xây dựng bộ tiêu chí lựa chọn cổ vật hồi hương và tìm kiếm giải pháp phù hợp để đưa cổ vật Việt Nam từ nước ngoài về nước.

Việc lập hồ sơ cổ vật Việt Nam hiện nằm trong các bảo tàng, nhà sưu tập tư nhân sẽ giúp chúng ta chủ động đấu tranh thu hồi các cổ vật đó, tránh chậm chân, bị động trong các cuộc đàm phán về giá cả.