Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Hoàn thiện, phát triển các giá trị văn hóa Thăng Long - Hà Nội

Kinhtedothi - Hôm nay, Thành ủy Hà Nội tổng kết Chương trình 04-CTr/TU về “Phát triển văn hóa – xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2011 - 2015”.
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc trao Bằng khen cho các em học sinh giỏi tiêu biểu Thủ đô năm học 2014 - 2015. 	Ảnh: Thu Anh
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc trao Bằng khen cho các em học sinh giỏi tiêu biểu Thủ đô năm học 2014 - 2015. Ảnh: Thu Anh
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc – Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình khẳng định: Qua 5 năm thực hiện, Chương trình đã đi vào cuộc sống, tạo sức lan tỏa tác động tích cực đến nhiều lĩnh vực của đời sống Thủ đô, góp phần tạo nên diện mạo đẹp và văn minh của Hà Nội trong mắt người dân cả nước và bạn bè quốc tế.

Với cương vị là Trưởng ban chỉ đạo Chương trình 04 - một chương trình liên quan đến những lĩnh vực hết sức quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, truyền thống văn hóa nghìn năm Thăng Long – Hà Nội, nhìn lại quá trình 5 năm vừa qua, đồng chí nhận định thế nào về những điều đã làm được?  

- Có thể nói, nhiệm kỳ qua, với sự chỉ đạo sát sao của Thành ủy, sự vào cuộc thực hiện của chính quyền, đoàn thể các cấp, sự đồng tình ủng hộ của đông đảo quần chúng Nhân dân, Chương trình 04 đã thực sự thành công, thể hiện qua việc các chỉ tiêu, mục tiêu, nhiệm vụ mà chương trình đề ra cơ bản đều đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức; các cấp ủy, chính quyền đoàn thể từ TP tới cơ sở đều đã nhận thức đầy đủ và sâu sắc về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của Chương trình, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, cụ thể hóa chương trình thành những mục tiêu, chỉ tiêu, nội dung, giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế và đặc thù riêng để chương trình đạt hiệu quả cao nhất.

Cụ thể như trong lĩnh vực văn hoá - xã hội, Hà Nội đã chú trọng phát triển kinh tế - xã hội gắn với phát triển văn hóa. Hệ thống di sản văn hóa được quan tâm bảo tồn, tôn tạo; nhiều công trình thuộc hệ thống thiết chế văn hóa được đầu tư xây mới và hoạt động ngày càng hiệu quả; nhiều tác phẩm nghệ thuật có giá trị mới ra đời... Lĩnh vực thể thao cũng tiếp tục phát triển và khẳng định vị thế dẫn đầu cả nước, là đơn vị chủ lực của thể thao thành tích cao của Việt Nam tại đấu trường quốc tế và khu vực. Du lịch Hà Nội tăng trưởng bền vững và ấn tượng, năm 2014, Hà Nội đã đón vị khách quốc tế thứ 3 triệu và theo đánh giá trang web TripAdvisor® là trang web du lịch lớn nhất thế giới, Hà Nội được xếp hạng thứ 8/10 điểm đến hàng đầu của du khách trên thế giới. Và Hà Nội vẫn luôn giữ vững vị trí là địa phương đi đầu cả nước về giáo dục toàn diện với nhiều huy chương, giải thưởng trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lẫn quốc tế. Đặc biệt là trong việc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, Hà Nội luôn đi tiên phong trong đổi mới phương pháp dạy và học, cách thi cử, đánh giá học sinh cũng như các hoạt động xây dựng trường chất lượng cao, trường chuẩn quốc gia, trường học thân thiện… Bên cạnh đó, các công tác về phát triển khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng các mô hình văn hóa, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn thực phẩm, công tác an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, phòng chống tệ nạn xã hội… cũng được quan tâm và đạt được nhiều kết quả quan trọng; góp phần nâng cao chất lượng sản xuất, chất lượng đời sống Nhân dân, nâng cao ý thức của người dân trong việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, từng bước củng cố, hoàn thiện và phát triển các giá trị văn hóa Thăng Long – Hà Nội.

TP đã xây dựng hoàn chỉnh các quy hoạch chuyên ngành và đã được HĐND TP thông qua như quy hoạch đến năm 2020, định hướng 2030 trong lĩnh vưc  văn hóa - xã hội... Đây chính là cơ sở vững chắc nhất cho sự phát triển lĩnh vực văn hóa - xã hội tại Hà Nội. Cùng với đó, 43 đề án, dự án thuộc Chương trình đã được TP triển khai. Đến nay đã có 42/43 đề án, dự án cơ bản đã hoàn thành, đảm bảo tiến độ và nhiều đề án, dự án đang được triển khai thực hiện theo nội dung đã được phê duyệt.

Một phần quan trọng của Chương trình 04 chính là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, theo đồng chí đâu là điểm nổi bật nhất trong những năm qua?

- Trong những năm qua, TP đã coi trọng đào tạo, bồi dưỡng, cơ bản đáp ứng nhu cầu của địa phương về nguồn nhân lực, đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu và trình độ, đã có nhiều giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; quan tâm xây dựng mạng lưới các cơ sở đào tạo, ban hành khá đồng bộ hệ thống các cơ chế, chính sách phát triển khoa học công nghệ đào tạo, sử dụng nhân lực, đãi ngộ, thu hút nhân tài... Hiện tại, Hà Nội có khả năng đón nhận và khai thác những cơ hội trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng để thu hút và khai thác có hiệu quả nguồn vốn, công nghệ mới, kinh nghiệm quản lý, mở rộng thị trường để phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô.
Thiếu nữ Hà Nội bên cầu Thê Húc. Ảnh: Trần Đình Hưng
Thiếu nữ Hà Nội bên cầu Thê Húc. Ảnh: Trần Đình Hưng
Cùng với phát triển hệ thống giáo dục phổ thông, hệ thống đào tạo nghề chất lượng cao, điểm nổi bật nhất là Hà Nội đã có chính sách đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Thời gian qua, TP đã thông qua đề án thu hút nhân tài giai đoạn 2020 – 2030; đã tập trung triển khai xây dựng 4 đề án nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực khoa học và công nghệ; xây dựng cơ chế đào tạo, sử dụng đội ngũ trí thức, Việt kiều và chuyên gia nước ngoài trên địa bàn TP. Tạo lập cơ sở dữ liệu và cập nhật thông tin về trình độ của đội ngũ cán bộ làm khoa học công nghệ trên địa bàn. Khuyến khích các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã tham gia đặt hàng và trực tiếp triển khai thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học vào giải quyết các vấn đề bức xúc, nóng bỏng thuộc ngành, lĩnh vực và địa bàn mình quản lý. Qua đó đã thu hút được một lực lượng lớn đội ngũ trí thức tại các trường, viện, trung tâm nghiên cứu, các DN của Hà Nội và của T.Ư đóng trên địa bàn tham gia nghiên cứu khoa học.

Việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là một chủ trương lớn, được sự đồng tình, nhất trí rất cao từ các cấp chính quyền đến người dân. Bởi đó là niềm tự hào, trách nhiệm phải kế thừa và phát huy truyền thống thanh lịch, văn minh của người Hà Nội. Theo đồng chí, “một phần được quan tâm nhiều nhất” này của Chương trình 04 đã thực sự có kết quả hài lòng?

- Nhiệm vụ bảo tồn, phát triển văn hóa cũng như vấn đề xây dựng, phát huy truyền thống người Hà Nội văn minh, thanh lịch không phải bây giờ mới được quan tâm, cũng như đó không hẳn là nhiệm vụ của riêng một cá nhân, tổ chức nào. Chương trình 04 đã xác định nội dung xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh phải gắn với những mục tiêu, chỉ tiêu, nội dung, giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế và đặc thù riêng của Hà Nội; trong quá trình thực hiện phải gắn liền với thực hiện các nội dung của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; phong trào “Người tốt việc tốt”, thực hiện “Năm trật tự và văn minh đô thị”... bằng những tiêu chí cụ thể để tạo được động lực thi đua xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đến từng người dân, gia đình, tổ dân phố, cơ quan đơn vị. Trong những năm qua, các mô hình “Gia đình văn hóa” mô hình “Làng văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”, “ cơ quan, đơn vị, văn hóa”... đã phát huy được ưu điểm, thúc đẩy hình thành môi trường văn hóa lành mạnh. Hầu hết các quận, huyện, thị xã đã không còn chạy theo số lượng mà tập trung đầu tư, xây dựng mô hình đảm bảo chất lượng gắn với đời sống văn hóa cơ sở và phù hợp với nhu cầu của Nhân dân.

TP thực hiện Nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội hết sức kiên trì, nghiêm túc, thiết thực, không chạy theo hình thức với sức mạnh của cả hệ thống chính trị ở các cấp; đặc biệt là việc tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên; sự vào cuộc của các tầng lớp Nhân dân đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong việc tổ chức việc cưới, việc tang và lễ hội theo nếp sống văn minh trên địa bàn TP. Đã có nhiều mô hình cưới mới như tổ chức cưới tiệc trà, trao giấy chứng nhận đăng ký kết hôn tại trụ sở UBND phường, xã... Việc thực hiện tang văn minh tiến bộ đã nhận được sự tham gia đồng tình của đông đảo người dân.

Việc xây dựng nếp sống thanh lịch, văn minh cũng được tăng cường về nhiều mặt. Các địa phương, đơn vị trên địa bàn đều đã tiến hành xây dựng các quy định, nội quy, quy ước, hương ước... nhằm thực hiện nếp sống thanh lịch, văn minh gắn với thực tiến ở mỗi cơ quan, đơn vị... cho phù hợp. TP cũng đang tiến hành xây dựng đề án: Xây dựng hệ thống quy tắc ứng xử trong các cơ quan, đơn vị, DN, cộng đồng dân cư nhằm xây dựng những quy định cụ thể, đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện nhưng lại cơ bản, thiết thực vừa đảm bảo được quyền của mỗi công dân nhưng cũng làm rõ được nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi cá nhân trước cộng đồng, xã hội… Tôi nghĩ rằng, có thể vẫn còn những điều chưa được thực sự hài lòng, nhưng đó chính là “cái gốc” để nền tảng văn hóa cũng như những giá trị truyền thống của người Hà Nội văn minh, thanh lịch được chuẩn hóa, thấm nhuần vào mọi khía cạnh, lát cắt của đời sống.

Đến thời điểm này có thể khẳng định Chương trình 04 đã thực sự mang lại kết quả toàn diện, có sức lan tỏa trong đời sống, hay vẫn còn những điều cần phải khắc phục, thưa đồng chí?

- Nếu nói thực sự hài lòng thì không đúng. Bởi dù đã đạt kết quả lớn, nhưng Chương trình 04 vẫn còn những hạn chế như: Việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản chưa đáp ứng yêu cầu; nhiều thiết chế văn hóa sau khi được đầu tư, nâng cấp có hiệu quả sử dụng chưa cao. Việc xây dựng trường học còn hạn chế đặc biệt là các khu đô thị mới, khu công nghiệp, các khu đông dân cư. Chất lượng giáo dục giữa các khu vực thành thị và nông thôn còn có sự chênh lệch; việc giáo dục đạo đức nhân cách cho thanh niên, học sinh, sinh viên còn bất cập. Chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu thị trường đặt ra, thị trường khoa học công nghệ và thị trường lao động qua đào tạo phát triển nhưng chưa bền vững.

Chương trình 04 tổng kết hôm nay có thể coi là nhìn lại chặng đường đã qua, để tiếp tục khẳng định ý nghĩa, hiệu quả từ những mục tiêu thiết thực mà chương trình đã đề ra. Hơn nữa, các đề án chiến lược trong Chương trình 04 có tính bền vững và giai đoạn thực hiện dài. Vậy trong giai đoạn tiếp theo, TP sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được của Chương trình 04 như thế nào, thưa đồng chí?

- Có thể nói, những kết quả đã đạt được của Chương trình 04 trong 5 năm vừa qua giúp cho lĩnh vực phát triển văn hóa - xã hội, chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh có nhiều thuận lợi cơ bản, tuy nhiên cũng còn không ít những khó khăn cần tập trung nỗ lực phấn đấu để đạt được các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ đã đề ra. Trong giai đoạn 2016 - 2020, TP hướng đến một số mục tiêu như: 55% trở lên số người dân tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ; 70% trường học công lập đạt  trường chuẩn quốc gia; mỗi quận, huyện đều có trường Mầm non, Tiểu học chất lượng cao; 5 – 6 cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao theo hướng tiếp cận mô hình giáo dục tiên tiến của thế giới; Hoàn thành xây dựng Bệnh viện đa khoa 1.000 giường tại huyện Mê Linh, đồng thời xây dựng một số trung tâm chữa bệnh chất lượng cao ở một số quận, huyện, khu vực; Bảo tồn và phát triển văn hóa tại Khu vực Ba Đình; Di tích Phủ Chủ tịch; Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; Bảo tàng Hồ Chí Minh; Di tích Hoàng thành Thăng Long, Thành Cổ Loa; Văn Miếu - Quốc Tử Giám và các di tích quốc gia đặc biệt khác trên địa bàn Thủ đô; Khu vực Hoàn Kiếm, Hồ Tây; phố cổ, làng cổ và làng nghề truyền thống tiêu biểu; Biệt thự cũ và các công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954; các giá trị văn hóa phi vật thể trên địa bàn Thủ đô…

Thực sự để làm được điều đó, cấp ủy, chính quyền, các ngành, các đoàn thể từ TP tới cơ sở cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ khi triển khai thực hiện các chương trình công tác của Thành ủy trong nhiệm kỳ mới. Đổi mới công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp Nhân dân tích cực thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; tích cực tham gia xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, nhất là thực hiện các tiêu chí khung của hệ thống quy tắc ứng xử trong các cơ quan, đơn vị, DN, cộng đồng dân cư. Các sở, ban, ngành TP căn cứ chức năng nhiệm vụ được phân công sớm xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các quy hoạch thuộc lĩnh vực văn hóa - xã hội đã được Thành ủy, HĐND, UBND TP thông qua; tiếp tục tổ chức  triển khai thực hiện các đề án, dự án đã được phê duyệt trong Chương trình 04-CTr/TU.

Xin trân trọng cảm ơn Phó Bí thư Thành ủy!
Giám đốc Sở VHTT&DL Hà Nội Tô Văn Động:
Tập trung triển khai nhiều kế hoạch nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản
Theo chủ trương thực hiện của Chương trình 04-Ctr/TU trong những năm qua, Sở VHTT&DL Hà Nội đã tập trung triển khai nhiều kế hoạch nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản cả ở lĩnh vực vật thể và phi vật thể. Việc kiểm kê, xếp hạng di tích trên địa bàn Hà Nội đã được tiến hành có quy củ, nhằm bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của các di tích. Năm 2009, tổng số di tích toàn TP Hà Nội có 5.175 di tích; (tháng 12/2014) có hơn 2.300 di tích được xếp hạng, trong đó có: 1 di tích được công nhận là Di sản Thế giới; 82 bia Tiến sĩ ở Văn Miếu được công nhận là Di sản tư liệu thế giới trên phạm vi toàn cầu; 11 di tích quốc gia đặc biệt; 1.169 di tích cấp quốc gia, 1.162 di tích cấp TP. Con số này giúp Hà Nội là địa phương có số lượng di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng nhiều nhất trên cả nước. Theo chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, Sở VHTT&DL đang thực hiện Đề án Tổng kiểm kê, đánh giá, phân loại các di tích trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2013 - 2015 nhằm xác định rõ thực trạng của các di tích trên địa bàn để có định hướng quản lý, xếp hạng, đầu tư tu bổ, tôn tạo phù hợp với điều kiện thực tế của TP trong giai đoạn 2015 - 2020 và những năm tiếp theo.
Ngoài ra, trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể, công tác nghiên cứu sưu tầm đã được triển khai, nhiều lễ hội được phục hồi, các loại hình nghệ thuật truyền thống như: tuồng, chèo, rối nước... được ghi hình lưu giữ và quảng bá. Trước những tác động của một đô thị phát triển, quá trình bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Thăng Long – Hà Nội gặp rất nhiều thách thức, nhưng chúng tôi vẫn chủ trương phải tăng cường tìm hiểu, nghiên cứu di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội, tìm ra những tinh hoa ẩn dấu bên trong những di sản ấy, để di sản góp phần tạo nên vẻ đẹp của mảnh đất kinh kỳ 1.000 năm văn hiến.
Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Vũ Văn Nhàn:
Quan tâm giáo dục thể chất cho học sinh trong trường học
Trong 5 năm qua, UBND huyện Thanh Trì đã xây dựng và triển khai 10 Đề án trong lĩnh vực văn hóa - xã hội, trong đó có 2 Đề án về giáo dục thể chất cho học sinh, gồm: Đề án “Phát triển thể thao thành tích cao” và đề án “Xây dựng bể dạy bơi phòng chống đuối nước cho học sinh huyện Thanh Trì”. Đây là điểm nhấn đặc biệt của huyện Thanh Trì trong thực hiện Chương trình 04 của Thành ủy. Tại sao chúng tôi lại chọn xây dựng 2 Đề án này? Vì huyện Thanh Trì là huyện vùng trũng, có nhiều sông, ao, hồ và qua khảo sát của ngành giáo dục đối với trên 25.000 học sinh Tiểu học, THCS thì có tới 81% không biết bơi. Đây là một con số đáng báo động. Chính vì thế, UBND huyện Thanh Trì xây đựng và triển khai đề án “Xây dựng bể dạy bơi phòng chống đuối nước cho học sinh” với mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2015, 100% học sinh tốt nghiệp THCS sẽ biết bơi; tổng mức đầu tư cho xây dựng 16 bể dạy bơi tại 16 xã là trên 50 tỷ đồng. Khi  triển khai Đề án, chúng tôi cũng gặp nhiều khó khăn như: Lựa chọn địa điểm xây dựng, quy mô như thế nào? Quản lý ra sao? Nhân dân có đồng thuận không? Song, Huyện vẫn quyết tâm vừa làm, vừa rút kinh nghiệm; tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân và học sinh. Đến nay, chúng tôi đã xây dựng được 14 bể dạy bơi đặt tại các trường Tiểu học, THCS và 1 bể bơi bốn mùa tại Trung tâm Thể dục thể thao. Qua 3 năm 2012 – 2014, toàn huyện đã dạy và cấp chứng chỉ cho trên 8.000 học sinh biết bơi, hè 2015, phấn đấu có trên 3.600 học sinh sẽ được dạy bơi. Việc triển khai Đề án xây dựng bể dạy bơi phòng chống đuối nước cho học sinh của huyện Thanh Trì đã được Nhân dân đồng thuận và ủng hộ, được học sinh tích cực tham gia đã giúp cho học sinh Thanh Trì có thêm 1 kỹ năng sống để tự phòng vệ cho mình.
Chủ tịch Hội LHPN quận Hoàn Kiếm Phạm Thị Thu Thủy:
Để phụ nữ là người đi đầu thực hiện nếp sống văn minh, thanh lịch
Cụ thể hóa Chương trình 04 của Thành ủy Hà Nội, Ban Thường vụ Quận ủy Hoàn Kiếm đã xây dựng Chương trình 07 với nội dung “Phát triển sự nghiệp văn hóa- xã hội, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, người Hoàn Kiếm thanh lịch, văn minh”. Bám sát sự chỉ đạo của Quận ủy Hoàn Kiếm và Hội LHPN TP Hà Nội, các cấp Hội Phụ nữ trong toàn quận Hoàn Kiếm đã chủ động  xây dựng kế hoạch, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục gắn với phong trào “Phụ nữ Thủ đô tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình văn minh hạnh phúc” và tiểu Đề án 1 “Tuyên truyền giáo dục phẩm chất đạo đức người Phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa đất nước trong cán bộ hội viên phụ nữ giai đoạn 2010 - 2015”. Ngoài ra, phụ nữ Hoàn Kiếm đã phát động phong trào “Lời nói hay, việc làm tốt, phong cách đẹp”, “Vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi” trong cán bộ, hội viên phụ nữ toàn quận, tập trung vào hội viên phụ nữ kinh doanh, nhất là tại các chợ lớn như chợ Đồng Xuân, chợ Hàng Bè, chợ Hàng Da và các tuyến phố văn minh thương mại, tuyến phố chuyên doanh. Thông qua các phong trào do Phụ nữ phát động, chị em phụ nữ kinh doanh thu hút nhiều lượng khách hơn, doanh thu tăng đáng kể, góp phần cùng Đảng bộ và chính quyền quận hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế… Có thể nói, với tinh thần chủ động, trách nhiệm, Hội LHPN quận đã triển khai thực hiện có hiệu quả nội dung Chương trình 04 của Thành ủy Hà nội, góp phần cùng Hội LHPN TP Hà Nội, Đảng bộ và Nhân dân quận Hoàn Kiếm hoàn thành tốt mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình đề ra”.
Thanh Loan ghi
Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: triển khai nhiều hoạt động kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7

Hà Nội: triển khai nhiều hoạt động kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7

16 Jul, 02:03 PM

Kinhtedothi-Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam TP và các xã, phường tập trung tuyên truyền khẳng định ý nghĩa lịch sử, chính trị, xã hội và giá trị nhân văn của Ngày Thương binh - Liệt sĩ; tuyên truyền các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với công tác thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng; những thành tựu nổi bật trong công tác thương binh, liệt sĩ, người có công trong cả nước và Thủ đô Hà Nội.

An Giang thể hiện tinh thần cầu thị, khát vọng vươn lên trong kỷ nguyên mới

An Giang thể hiện tinh thần cầu thị, khát vọng vươn lên trong kỷ nguyên mới

16 Jul, 10:15 AM

Kinhtedothi – Tỉnh An Giang vừa tổ chức thành công “Hội thảo khoa học định hướng phát triển kinh tế - xã hội và góp ý văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh An Giang nhiệm kỳ 2025 - 2030”. Sự kiện được ví như một “Hội nghị Diên Hồng” với sự có mặt của gần 300 đại biểu là lãnh đạo Trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, những cán bộ chủ chốt qua các thời kỳ…

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ