Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hoàn thiện quy chuẩn trong quy hoạch phát triển đô thị: Đáp ứng yêu cầu đổi mới và hội nhập

Thạc sĩ Trần Thị Thanh Ý Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quy hoạch & Phát triển đô thị
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn là công cụ quan trọng của công tác lập và quản lý theo quy hoạch trong phát triển đô thị. Tuy nhiên, hiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong lĩnh vực này vẫn còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu.

Do đó, việc đổi mới, hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn trong lĩnh vực quy hoạch và phát triển đô thị là một đòi hỏi tất yếu.

Đổi mới tư duy quy hoạch, tạo đà phát triển đô thị hiệu quả. Ảnh Hải Linh.
Đổi mới tư duy quy hoạch, tạo đà phát triển đô thị hiệu quả. Ảnh Hải Linh.

Khi quy định pháp luật không bắt kịp thực tế

Hiện nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, kể cả hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan đến quy hoạch và quản lý phát triển đô thị đã được đề cập tương đối đầy đủ, bao trùm. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật về quy hoạch, phát triển đô thị, đầu tư, đầu tư công, đất đai, xây dựng, nhà ở... còn chưa thống nhất, không đồng bộ, chậm được sửa đổi, bổ sung. Nhiều quy định trong các văn bản hiện hành vẫn còn bất cập, hạn chế, thiếu đồng bộ, tính hiệu lực pháp lý thấp.

Nhiều quy định lạc hậu so với thực tế, chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý phát triển đô thị và hội nhập quốc tế, chưa xuất phát từ nhu cầu phát triển của đô thị mang yếu tố thị trường, có tính cạnh tranh cao.

Luật Quy hoạch và Luật Điều chỉnh 37 luật khác có liên quan đến quy hoạch đã bộc lộ nhiều vấn đề về quy trình thực hiện và nội dung quy hoạch, làm xáo trộn, thiếu tính kết nối giữa các luật, dẫn đến sự mâu thuẫn, chồng chéo, gây khó khăn cho việc lập quy hoạch cấp dưới. Việc triển khai lập quy hoạch theo phương pháp tích hợp có cách hiểu khác nhau, dẫn đến triển khai chậm và lúng túng.

Quy trình phức tạp và sản phẩm cứng nhắc của các đồ án quy hoạch đang tạo ra cản trở lớn cho các nhà đầu tư. Khả năng tiếp cận thị trường của đồ án quy hoạch đô thị hiện nay còn rất hạn chế. Từ đó dẫn đến thực trạng để đáp ứng và thu hút các dự án đầu tư, chính quyền địa phương thường xuyên phải tiến hành điều chỉnh cục bộ các quy hoạch cấp trên liên quan (quy hoạch chung, quy hoạch phân khu) theo một quy trình phức tạp và mất nhiều thời gian.

Các công cụ quản lý phát triển đô thị còn thiếu, công tác kiểm tra, giám sát quy hoạch, xây dựng, phát triển đô thị chưa được thực hiện thường xuyên và phát huy hiệu quả.

Các quy định về quy trình, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch còn phức tạp, tốn nhiều thời gian. Các giải pháp quy hoạch đưa ra thường mang tính chất chung chung, không cụ thể.

Giải pháp của quy hoạch này có thể sao chép dùng cho quy hoạch khác dẫn đến phải điều chỉnh, bổ sung quy hoạch nhiều lần. Thiếu tính khả thi, không đảm bảo nguồn lực để thực hiện dẫn đến quy hoạch kém hiệu quả.

Ở nhiều địa phương, chất lượng đồ án quy hoạch đô thị còn thấp, thiếu tầm nhìn dài hạn, dự báo còn thiếu tính khoa học và khả thi. Quy hoạch chưa gắn với các chương trình, dự án đầu tư, xây dựng và kết cấu hạ tầng kỹ thuật, thiếu nội dung thiết kế đô thị.

Công tác thẩm định, phê duyệt đồ án quy hoạch đô thị cũng chưa được đổi mới, đặc biệt là công tác quản lý quy hoạch đô thị. Công tác quản lý quy hoạch còn yếu dẫn đến phá vỡ quy hoạch ban đầu, việc điều chỉnh quy hoạch chưa tuân thủ đúng các nguyên tắc, đôi khi còn tùy tiện điều chỉnh nhiều lần.

Về công tác xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn trong lĩnh vực quy hoạch chưa có sự thống nhất trong việc sử dụng các chỉ tiêu về mật độ cho các mục đích quản lý khác nhau: giữa việc quản lý lập quy hoạch và quản lý phát triển đô thị, giữa quy hoạch đô thị và phân loại đô thị…

Để quản lý phát triển đô thị cần căn cứ vào các chỉ tiêu quy hoạch cũng như chỉ tiêu đánh giá, phân loại đô thị. Quản lý đô thị theo các chỉ tiêu quy hoạch liên quan đến mật độ xây dựng là để giải quyết vấn đề cung cấp dịch vụ hạ tầng một cách tối ưu cho đô thị (bao gồm hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật). Bên cạnh đó là giải quyết bài toán cân bằng giữa khai thác tối đa quỹ đất và đảm bảo không gian, cảnh quan cho khu đô thị.

Ngoài ra, một số vấn đề như thiết kế đô thị, quy hoạch không gian công trình ngầm, quy hoạch phát triển đô thị xanh, quy hoạch sử dụng tiết kiệm năng lượng, quy hoạch lồng ghép ứng phó với biến đổi khí hậu, quy hoạch phát triển đô thị bền vững chưa có những quy định cụ thể trong quy chuẩn, tiêu chuẩn.

Đổi mới để đảm bảo sự đồng bộ, tiên tiến

Năm 2021, Bộ Xây dựng đã ban hành QCVN 01:2021/BXD, Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về Quy hoạch xây dựng. Quy chuẩn này dựa trên cơ sở soát xét QCVN 01:2019/BXD, trong đó đưa vào hai dạng kiểm soát phát triển đô thị: mật độ xây dựng và hệ số sử dụng đất.

Đây là một thay đổi lớn về quan điểm quản lý không gian đô thị, không chỉ đáp ứng yêu cầu về lập đồ án quy hoạch mà còn là cơ sở quan trọng trong quản lý phát triển đô thị nhất là những đô thị hạn chế phát triển. Việc đưa ra quy định về hệ số sử dụng đất đảm bảo khả năng phục vụ của hệ thống hạ tầng đô thị và cũng là cơ sở để quản lý các dự án tái thiết trong các khu đô thị hiện hữu.

Quy định này cũng mở ra các cơ chế, chính sách quản lý phát triển đô thị dựa trên các chương trình ưu đãi diện tích sàn, hệ số sử dụng đất hoặc chuyển nhượng quyền phát triển không gian trong bảo vệ đất đai nông nghiệp, vùng cảnh quan, công trình di sản đô thị hay phát triển các không gian công cộng thuộc sở hữu tư nhân.

Có thể nói, trước yêu cầu của công tác lập và quản lý theo quy hoạch trong phát triển đô thị, việc đổi mới hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn trong lĩnh vực quy hoạch và phát triển đô thị là một yêu cầu tất yếu. Nội dung quy chuẩn, tiêu chuẩn được biên soạn cần có cách tiếp cận mới trên nguyên tắc đổi mới từ phương pháp mang tính chất “áp đặt” sang phương pháp đồng thuận, thống nhất.

Quy chuẩn cần đáp ứng các yêu cầu về an toàn, sức khỏe cộng đồng và bảo vệ môi trường, an ninh quốc phòng, đảm bảo sự linh hoạt, tính xã hội và gắn liền với yêu cầu công tác quản lý phát triển đô thị… trong phạm vi quốc gia, phù hợp với yêu cầu của các thông lệ quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Cũng giống như các lĩnh vực khác, khi xây dựng hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn lĩnh vực quy hoạch cần phải đảm bảo tính đồng bộ, tính kế thừa, tính tiên tiến, hiện đại. Phương pháp biên soạn phù hợp với yêu cầu đổi mới và hội nhập. Trong đó đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong các văn bản từ luật, nghị định, thông tư, quy chuẩn, tiêu chuẩn…

Cần phân định rõ các nội dung cần điều tiết trong từng văn bản để tránh sự chồng chéo, mâu thuẫn như loại quy hoạch và giới hạn quy hoạch trong từng đồ án. Số lượng quy hoạch cần lập, thời gian lập, thời kỳ quy hoạch và trình tự lập quy hoạch cần quy định ứng với mỗi loại quy hoạch để tránh lãng phí.

Là văn bản pháp quy kỹ thuật bắt buộc phải tuân thủ trong các hoạt động xây dựng nên nội dung Quy chuẩn chỉ nên đề ra các yêu cầu kỹ thuật ở những mức giới hạn tối thiểu (hoặc tối đa) dùng để quản lý, khống chế, điều tiết đối với các đối tượng xây dựng về những vấn đề liên quan đến an toàn, bền vững, môi trường, sức khỏe, lợi ích, an ninh quốc gia, quyền lợi của người tiêu dùng và các yêu cầu thiết yếu khác.

Trong đó, khuyến khích các địa phương xây dựng quy chuẩn địa phương để đảm bảo tính đặc thù và tính khả thi trong quá trình áp dụng như Hà Nội đã làm khi ban hành Quy chuẩn kỹ thuật về quy hoạch, kiến trúc tại khu vực các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng (Quyết định 975/QĐ-UBND năm 2022). 

 

Quy hoạch càng xuống thấp càng thể hiện chi tiết, từ đó đảm bảo tính hiệu quả và khả thi của quy hoạch, góp phần nâng cao chất lượng quy hoạch. Các quy định về mật độ, tầng cao, hệ số sử dụng đất, khoảng lùi, mối quan hệ với công trình bên cạnh, an toàn môi trường, an ninh phải là những quy định bắt buộc được quy định trong Quy chuẩn quy hoạch xây dựng.