Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hoàn thiện quy định về quy hoạch đô thị, nông thôn

Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ Xây dựng đang tích cực lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học về dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn trên cơ sở hợp nhất các quy định hiện hành tại Luật Xây dựng 2014 và Luật Quy hoạch đô thị 2009.

Bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ giữa đô thị và khu vực nông thôn trong tiến trình đô thị hóa là hết sức cần thiết. Ảnh: Hoàng Hà
Bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ giữa đô thị và khu vực nông thôn trong tiến trình đô thị hóa là hết sức cần thiết. Ảnh: Hoàng Hà

Tiền đề giải quyết các tồn tại về công tác quy hoạch

Những năm gần đây, đô thị hóa nhanh và mạnh đang thể hiện vô cùng rõ nét trong sự phát triển kinh tế - xã hội của nước ta. Đến cuối năm 2023, tỷ lệ đô thị hóa trên cả nước là 42% với 902 đô thị, trong đó có 2 đô thị loại đặc biệt là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Cũng theo thống kê năm 2023, 10 tỉnh, thành đô thị hóa cao nhất cả nước là: Đà Nẵng 87,45%, Bình Dương 84,32%, TP Hồ Chí Minh 77,77%, Cần Thơ 70,50%, Quảng Ninh 67,50%, Bà Rịa - Vũng Tàu 66,96%, Thừa Thiên Huế 52,81%, Bắc Ninh 51,32%, Hà Nội 49,05%, Hải Phòng 45,58%.

Quá trình đô thị hóa giúp cho không gian đô thị được mở rộng, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư theo hướng ngày càng đồng bộ và hiệu quả hơn; chất lượng sống của cư dân đô thị từng bước được nâng cao.

Tuy nhiên, quá trình này cũng đang đối mặt với nhiều thách thức về kinh tế, xã hội và môi trường nói chung. Đặc biệt, quá trình đô thị hóa có tác động lớn đến vùng nông thôn, nhất là tại khu vực giáp ranh với các đô thị lớn, khu vực phát triển các ngành công nghiệp.

Nhiều chuyên gia cho rằng, bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ giữa đô thị và khu vực nông thôn trong tiến trình đô thị hóa là hết sức cần thiết. Do đó, công tác quy hoạch đô thị và nông thôn cần được quy định thống nhất trong cùng một luật để đảm bảo đồng bộ, hiệu quả, dễ triển khai áp dụng.

Thạc sĩ, KTS Lã Thị Kim Ngân - Viện trưởng Viện Kiến trúc (Hội KTS Việt Nam) cho hay, thực tiễn vừa qua, trong công tác quy hoạch điểm dân cư nông thôn và xây dựng nông thôn mới, nông thôn kiểu mẫu, có sự va chạm rất nhiều ở các nội dung về không gian phát triển đô thị, hay vùng đô thị hóa. Điều đó đặt ra yêu cầu về việc hợp nhất quản lý các không gian này, liên quan đến việc điều chỉnh quy hoạch, bao gồm cả quy hoạch xã và quy hoạch vùng ven đô.

Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật về quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng và quy hoạch nông thôn mặc dù đã được sửa đổi bổ sung và ngày càng hoàn thiện nhưng chưa được điều chỉnh thống nhất tại một luật mà đang được quy định tại Luật Quy hoạch đô thị năm 2009, Luật Xây dựng năm 2014 và tản mạn tại nhiều luật khác có liên quan đang gây khó khăn cho công tác áp dụng, thi hành.

Theo Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, việc xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn góp phần tạo lập để đồng bộ các luật hiện hành. Đồng thời giải quyết những bất cập, tồn tại về công tác quy hoạch thời gian qua như đã nêu trong Nghị quyết 06-NQ/TW ban hành vào tháng 1/2022 và Báo cáo giám sát thực hiện Luật Quy hoạch của Quốc hội vào tháng 5/2022.

Nhiều điểm mới trong dự thảo Luật

Phó Vụ trưởng Vụ Quy hoạch kiến trúc (Bộ Xây dựng) Vũ Anh Tú thông tin, dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn được thiết kế theo 5 chương, 61 điều, trong đó có nhiều điểm mới đáng chú ý. Cụ thể, dự thảo Luật đề cập tăng cường phân cấp, phân quyền trong lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch đô thị và nông thôn.

Bày tỏ sự thống nhất về nội dung này, song TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, cần làm rõ nội hàm cơ quan chuyên môn, quản lý Nhà nước của các tỉnh, TP. Hiện nay, còn có sự khác nhau trên cả nước, ví dụ ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, quản lý về công tác quy hoạch, kiến trúc là Sở Quy hoạch - Kiến trúc còn tại các tỉnh, thành khác là Sở Xây dựng…

Nội dung mới tiếp theo được dự thảo Luật đề cập là đơn giản hóa trình tự trong lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, đáp ứng yêu cầu cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Dự thảo Luật đề xuất rút gọn trình tự lập quy hoạch, trong đó bỏ yêu cầu lập nhiệm vụ quy hoạch đối với một số trường hợp; quy định rõ về các trường hợp không yêu cầu lập đủ 3 cấp độ quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết (đề xuất các đô thị loại III, IV và V không yêu cầu lập quy hoạch phân khu, đồng thời bổ sung quy định về nội dung đồ án quy hoạch chung đối với các đô thị này để bảo đảm yêu cầu, căn cứ lập quy hoạch chi tiết).

Về nội dung này, theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, việc đơn giản hơn về cấp độ, hệ thống quy hoạch là cần thiết, song cần nghiên cứu tốc độ đô thị hóa sắp tới, nhất là Nghị quyết số 25/2022/UBTVQH15 về sửa đổi, bổ sung, phân loại đô thị. Trong đó xác định đô thị loại III là trung tâm hành chính cấp tỉnh hoặc trung tâm kinh tế - tài chính - văn hóa, có vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh... Với dân số trên 200.000 người và trên 70% lao động phi nông nghiệp và để thuận tiện kêu gọi đầu tư rất cần có quy hoạch phân khu. Do vậy, dự thảo Luật không yêu cầu lập quy hoạch phân khu với đô thị loại IV, V (cấp thị trấn), còn đô thị loại III vẫn cần quy định có quy hoạch phân khu.

Ngoài ra, dự thảo Luật còn bổ sung quy định về quy hoạch, tổ chức không gian ngầm nhằm khai thác tối đa hiệu quả sử dụng không gian, gắn kết đồng bộ không gian xây dựng trên và dưới mặt đất, mặt nước; quy định rõ yêu cầu về quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật đối với TP trực thuộc T.Ư.

Đặc biệt, dự thảo đề xuất bổ sung các quy định việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch phải bảo đảm các yêu cầu như không làm thay đổi phạm vi, ranh giới, quy mô, tính chất, chức năng tại quy hoạch cấp trên; đề xuất điều chỉnh quy hoạch phải không làm quá tải về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật; nội dung điều chỉnh quy hoạch phải được đánh giá đầy đủ tác động…

Bổ sung quy định rõ về nguồn lực bảo đảm thực hiện quy hoạch; làm rõ trách nhiệm của tổ chức tư vấn lập quy hoạch, sự tham gia của các cơ quan, tổ chức, cộng đồng; quy định cụ thể hơn về chính sách của Nhà nước đối với hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn.

"Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn sẽ tập trung bổ sung, hoàn thiện, giải quyết các vấn đề tồn tại, hạn chế trong thời gian qua; đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong quy hoạch" - Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn nhấn mạnh.