Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hoàn thiện thể chế cho quá trình phát triển đô thị

Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhà nước cần tập trung hoàn thiện pháp luật và cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho các địa phương trong xử lý những vấn đề liên ngành, liên vùng cho quá trình đô thị hóa, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững.

Tổng quan

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII Đảng Cộng sản Việt Nam đã quyết định các mục tiêu cụ thể phát triển đất nước đến năm 2045, trong đó xác định giai đoạn 2021 - 2030, tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển đô thị; đến năm 2025, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 45%; Xây dựng chiến lược, hoàn thiện thể chế phát triển đô thị và kinh tế đô thị làm động lực phát triển từng vùng, địa phương; tăng cường quản lý đô thị, phát triển đô thị vệ tinh, hạn chế xu hướng tập trung quá mức vào đô thị lớn.

Xây dựng đô thị hiện đại, văn minh, đô thị thông minh, đa dạng về loại hình, có bản sắc đặc trưng về kiến trúc, văn hóa ở từng địa phương. Nâng cao chất lượng quy hoạch vùng; đổi mới, hoàn thiện thể chế quản lý vùng có hiệu quả, phát huy tốt nhất tiềm năng, lợi thế của từng vùng, tăng cường liên kết giữa các địa phương trong vùng và giữa các vùng.

Quá trình phát triển đô thị đặt ra nhiều thách thức.
Quá trình phát triển đô thị đặt ra nhiều thách thức.

Ngày 24/2/2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với quan điểm quy hoạch, phát triển kết cấu hạ tầng đô thị phải đi trước một bước, tạo ra nguồn lực chủ yếu cho phát triển đô thị. Kiên quyết xóa bỏ tư duy nhiệm kỳ và tình trạng "quy hoạch treo", cơ chế "xin - cho", "lợi ích nhóm" trong xây dựng, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch.

Xác định các chỉ tiêu tỷ lệ đô thị hoá đến năm 2025 đạt tối thiểu 45%, năm 2030 đạt trên 50%. Tỉ lệ đất xây dựng đô thị trên tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 1,5 - 1,9% vào năm 2025, năm 2030 đạt khoảng 1,9 - 2,3%; Số lượng đô thị toàn quốc năm 2025 khoảng 950 - 1.000, năm 2030 khoảng 1.000 - 1.200 đô thị.

Đến năm 2025, 100% đô thị có quy hoạch tổng thể, quy hoạch phân khu, chương trình cải tạo, chỉnh trang, tái thiết, phát triển; bảo đảm tối thiểu 100% đô thị loại III trở lên hoàn thiện tiêu chí phân loại đô thị về cơ sở hạ tầng đô thị, nhất là hạ tầng về y tế, giáo dục, đào tạo, công trình văn hóa. Nhiệm vụ hàng đầu là quy hoạch mạng lưới đô thị, đô thị hạt nhân cấp quốc gia, vùng, tỉnh” theo hướng phát triển các “đô thị xanh, thông minh, bản sắc” phù hợp với thực tiễn đất nước.

Vướng mắc

Trong quá trình quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị nảy sinh nhiều vướng mắc, khó khăn liên quan đến Luật Quy hoạch, cụ thể: Điều 6, Luật Quy hoạch năm 2017, quy định quy hoạch cấp dưới phải phù hợp với quy hoạch cấp trên, trường hợp mâu thuẫn phải điều chỉnh, thực hiện theo quy hoạch cấp trên. Nhưng thực tế thiếu quy định xử lý trường hợp đã có quy hoạch cấp dưới mà chưa có quy hoạch cấp trên, nên cần được quy định bổ sung theo hướng cho phép cập nhật hoặc điều chỉnh để đảm bảo sự phù hợp với quy hoạch cấp trên.

Một trong những vướng mắc lớn nhất của công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý, phát triển đô thị là Luật Đất đai 2013 và các luật có liên quan, trong đó quy định bổ sung đất xây dựng đô thị, xây dựng điểm dân cư nông thôn, đất du lịch vào nhóm đất phi nông nghiệp. Nhưng thực tế chưa có quy định về đất xây dựng điểm dân cư nông thôn để thực hiện nội dung quy hoạch nông thôn; đất ở tại đô thị nhưng chưa quy định đất xây dựng đô thị, để thực hiện nội dung quy hoạch đô thị;

Tương tự là quy định đất thương mại, dịch vụ, cơ sở sản xuất phi nông nghiệp mà khái niệm “dịch vụ” đã bao gồm “thương mại” và các loại hình “dịch vụ” khác, nhưng lại chưa quy định “đất du lịch” để xác định tầm quan trọng của du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Điều 161 Luật Đất đai 2013 về “đất xây dựng công trình ngầm” quy định việc sử dụng đất để xây dựng công trình ngầm phải phù hợp với quy hoạch xây dựng công trình ngầm, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các quy hoạch khác liên quan, nhưng trên thực tế gần như các địa phương chưa xây dựng quy hoạch xây dựng công trình ngầm trong “quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các quy hoạch khác liên quan.

Hay Điều 46 Luật Đất đai 2013 quy định “việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cấp huyện được thực hiện khi có sự điều chỉnh chiến lược, quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh mà sự điều chỉnh đó làm thay đổi cơ cấu sử dụng đất... nhưng chưa quy định trường hợp điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng theo nhu cầu chính đáng của người sử dụng, người xin sử dụng đất để đáp ứng nhu cầu sử dụng đất của nhà đầu tư, vào các địa phương.

Cần hoàn thiện thể chế để phát triển đô thị bền vững.
Cần hoàn thiện thể chế để phát triển đô thị bền vững.

Về thời hạn quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thời hạn điều chỉnh quy hoạch xây dựng” giữa Luật Đất đai 2013, Luật Quy hoạch đô thị 2009, Luật Xây dựng 2014 chưa đồng bộ, ví dụ: Khoản 1 Điều 46 Luật Quy hoạch đô thị quy định thời hạn rà soát định kỳ đối với quy hoạch chung, quy hoạch phân khu là 5 năm, quy hoạch chi tiết 3 năm, nhưng Điều 37 Luật Đất đai 2013 quy định thời kỳ quy hoạch sử dụng đất 10 năm, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh 5 năm; kế hoạch sử dụng đất cấp huyện được lập hàng năm nên khi điều chỉnh quy hoạch thì bị “vênh”, không đồng bộ.

Pháp luật quy định dự án đầu tư tư nhân phải có trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện chính là kiểu tư duy của nền kinh tế kế hoạch hóa trước đây, gây ra vướng mắc trong thủ tục đầu tư xây dựng, mà lẽ ra khi nhà đầu tư có quyền sử dụng đất và đề xuất dự án đầu tư thì khi được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt cũng đồng thời cập nhật, bổ sung vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện sẽ hợp lý hơn.

Giải pháp thực hiện

Để thực hiện nhiệm vụ quy hoạch mạng lưới đô thị, đô thị hạt nhân cấp quốc gia, vùng, tỉnh cần phải nghiên cứu xây dựng “quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính các cấp giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trong điều kiện kết nối giao thông ngày càng thuận tiện và thời đại số hóa, ứng dụng công nghệ mới, góp phần xây dựng; Tinh giản bộ máy hành chính Nhà nước, nhưng vẫn phải đảm bảo hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, tạo điều kiện cải thiện chế độ tiền lương cho cán bộ công chức viên chức thu nhập cao hơn so với mức trung bình xã hội để không cần phải làm thêm nghề “tay trái”, tham nhũng, tiêu cực sẽ tác động tích cực đến phát triển kinh tế xã hội và quá trình đô thị hóa, như bài học “trả lương cao cho công chức” của Singapore.

Giai đoạn 2021 - 2030 cần hoàn thành việc nghiên cứu, tổ chức thực hiện mô hình tổ chức tổng thể của hệ thống chính trị phù hợp với yêu cầu, điều kiện cụ thể của đất nước trong giai đoạn mới; Cơ bản hoàn thành việc sắp xếp thu gọn các đơn vị hành chính cấp huyện vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, vừa là căn cứ để quy hoạch mạng lưới đô thị quốc gia, vùng, tỉnh.

Sớm xây dựng Đề án Luật Quản lý và phát triển đô thị, nhằm thực hiện nhiệm vụ hàng đầu là quy hoạch mạng lưới đô thị, đô thị hạt nhân cấp quốc gia, vùng, tỉnh, để thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị “về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét xử lý vướng mắc pháp luật khi thông qua Đề án xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi), Đề án xây dựng Luật Xây dựng (sửa đổi) và Đề án xây dựng Luật Quản lý và phát triển đô thị...

Tập trung đẩy mạnh công tác cải tạo, chỉnh trang, tái thiết, tái phát triển đô thị, xóa bỏ nhà tạm, khu ở phi chính thức, lụp xụp tại các đô thị. Không nên coi khu vực nhà tạm, khu ở phi chính thức, lụp sụp là gánh nặng đối với cư dân tại chỗ và chính quyền, mà cần có cơ chế chính sách phù hợp về đầu tư xây dựng, tín dụng, thuế, đặc biệt là phát huy vai trò của công cụ quy hoạch, công cụ tái điều chỉnh đất đai.

Trung ương và các tỉnh, TP chỉ đạo tổng kết thực tiễn để bổ sung cơ chế chính sách, quy định pháp luật nhằm thực hiện chủ trương “cải tạo, chỉnh trang, tái thiết, tái phát triển đô thị, xóa bỏ nhà tạm, khu ở phi chính thức, lụp sụp thông qua việc tập trung hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho địa phương trong xử lý vấn đề liên ngành, liên vùng.

Tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật để đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở cho người thu nhập trung bình - thấp, công nhân, lao động, sinh viên và người nhập cư; Bố trí nguồn vốn ngân sách Nhà nước tương xứng để bảo đảm thực hiện mục tiêu an sinh nhà ở, khắc phục tình trạng thiếu nguồn vốn ưu đãi làm “vốn mồi” như trong giai đoạn 2015 - 2020, chỉ bố trí được 1.162 tỷ đồng để cho người mua, thuê mua nhà ở xã hội, không đáp ứng được nhu cầu rất lớn.

Hiện nay, Quốc hội và Chính phủ đã bố trí gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng, trong đó có 15.000 tỷ đồng hỗ trợ cho người mua, thuê mua, thuê nhà ở xã hội (bao gồm hỗ trợ tiền thuê nhà trọ của công nhân lao động) và 40.000 tỷ đồng hỗ trợ 2% lãi suất cần được đẩy nhanh tiến độ giải ngân đến đúng đối tượng thụ hưởng trong năm 2022 - 2023.

Tập trung rà soát, hoàn thiện quy định về đầu tư xây dựng, thủ tục hành chính, chính sách hỗ trợ, ưu đãi về nhà ở xã hội để tháo gỡ vướng mắc cho các dự án nhà ở xã hội hiện nay và tạo điều kiện để phát triển thiết chế công đoàn bao gồm nhà ở công nhân lao động và dịch vụ, tiện ích cơ bản. Đồng thời, đề nghị Bộ Xây dựng sớm hoàn thành “Đề án phát triển nhà ở giá phù hợp với thu nhập của người thu nhập trung bình - thấp đô thị đáp ứng nhu cầu nhà ở giá vừa túi tiền đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở.