Hoàn thiện tiêu chí, quy trình nhằm chuẩn hóa trung tâm chính trị cấp huyện

Trần Long - Ảnh: Thanh Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 12/11, tại trụ sở Thành ủy Hà Nội, Ban Tuyên giáo T.Ư và Thành ủy Hà Nội phối hợp tổ chức Hội nghị góp ý Dự thảo Quy định về tiêu chí và quy trình công nhận trung tâm chính trị cấp huyện đạt chuẩn; khung chương trình đào tạo sơ cấp lý luận chính trị - hành chính.

Bí thư Đảng ủy, Phó Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Bùi Trường Giang và Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong chủ trì hội nghị.
 Bí thư Đảng ủy, Phó Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Bùi Trường Giang phát biểu tại hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết, trong những năm qua, Thành ủy Hà Nội luôn nhận thức, công tác lý luận của Đảng là một bộ phận cấu thành đặc biệt quan trọng của công tác tuyên giáo nói riêng và công tác xây dựng Đảng nói chung.
Hiện nay, Hà Nội có 30 trung tâm chính trị quận, huyện, thị xã. Hàng năm các trung tâm chính trị toàn TP phối hợp mở trên 2.200 lớp với trên 350.000 lượt học viên cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên để trang bị lý luận chính trị cơ bản, phổ biến kiến thức mới, hướng dẫn nghiệp vụ công tác. Nhiều cán bộ, đảng viên đã qua đào tạo, bồi dưỡng tại các trung tâm chính trị cấp huyện được tín nhiệm tham gia cấp ủy các cấp. Tuy nhiên, trước yêu cầu ngày càng cao của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đòi hỏi hệ thống trung tâm chính trị của Hà Nội cũng như cả nước phải có bước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, hướng đến chuẩn hóa.
Góp ý vào dự thảo “Quy định tiêu chí trung tâm chính trị cấp huyện và quy trình công nhận trung tâm chính trị cấp huyện chuẩn”, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho rằng, các tiêu chí quy định còn đơn giản, chưa tương xứng; chưa có quy định đặc thù với từng đơn vị, từng vùng miền. Từ đó, Phó Bí thư Thành ủy đề nghị, xem xét chế độ cho giảng viên các trung tâm chính trị cấp huyện, trong đó có vấn đề khen thưởng, xét tặng danh hiệu nhà giáo...
 Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong phát biểu tại hội nghị.
Tại hội nghị, 14 ý kiến trao đổi, thảo luận đã nêu rõ nhận định về nội dung các dự thảo, góp ý cụ thể về các tiêu chí, tiêu chuẩn và khối lượng, nội dung khung chương trình... Các ý kiến đồng tình với góp ý của Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội khi cho rằng cần có những quy định mang tính đặc thù. Đối với khung chương trình đào tạo sơ cấp lý luận chính trị - hành chính, ý kiến đại biểu cho rằng, dự thảo khung chương trình khá nặng, thậm chí còn nặng hơn cả chương trình đào tạo trung cấp chính trị hiện hành. Từ đó, đề nghị giảm 42 tiết xuống còn lại 208 tiết.
Ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến trao đổi, thảo luận, Phó Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Bùi Trường Giang cho rằng, dự thảo quy định về tiêu chí và quy trình công nhận trung tâm chính trị cấp huyện đạt chuẩn đã được xây dựng trên cơ sở rà soát hơn 700 trung tâm chính trị cấp huyện cả nước. Trong đó, các tiêu chí về cơ sở vật chất đặt ra là mức tối thiểu và căn cứ vào đó để các địa phương vận dụng, thực hiện tùy thuộc vào năng lực đầu tư công của mình. Đồng chí cũng nhất trí sẽ rà soát lại dự thảo khung chương trình đào tạo sơ cấp lý luận chính trị - hành chính theo hướng giảm tải như các ý kiến tại hội nghị với tinh thần là gói gọn trong 1 tháng.
 
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần