Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hoàn thuế Tiêu thụ đặc biệt cho DN kinh doanh xăng E5: Bất hợp lý

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2015/NĐ-CP, Bộ Tài chính đề xuất bố trí nguồn ngân sách T.Ư để hoàn thuế Tiêu thụ đặc biệt cho DN kinh doanh xăng E5.

 Ảnh minh họa
Dự kiến, số thuế hoàn trong 2 năm 2017 và 2018 vào khoảng 750 tỷ đồng. Đề xuất này đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận.
Theo quy định của Luật Quản lý thuế, thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) được kê khai theo tháng. Trong khi, quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) lại quy định, thuế GTGT đầu vào của dự án đầu tư hoặc xuất khẩu đạt từ 300 triệu đồng trở lên thì được hoàn thuế. Do vậy, để đảm bảo đồng bộ với Luật Quản lý thuế và Luật Thuế GTGT, Bộ Tài chính đề nghị số thuế TTĐB chưa được khấu trừ hết trong tháng đạt từ 300 triệu đồng trở lên, thì được hoàn thuế như quy định về hoàn thuế GTGT đối với dự án đầu tư và xuất khẩu.

Không đồng tình với đề xuất này, một số chuyên gia cho rằng, việc thu thuế đầu vào - đầu ra khác nhau là thuộc trách nhiệm của Bộ Tài chính, không thể bắt ngân sách phải chịu trách nhiệm về một chính sách bất hợp lý như vậy. Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế đều thuộc Bộ Tài chính. Việc hai cơ quan này thu hai mức thuế không thống nhất thuộc về trách nhiệm của Bộ, không thể bắt ngân sách phải chịu trách nhiệm. Ngoài ra, câu chuyện phát sinh chênh lệch trong tính thuế xăng dầu đã xảy ra thời gian dài, tại sao bây giờ Bộ Tài chính mới nhìn nhận vấn đề này? Đó cũng là câu hỏi được giới chuyên gia đặt ra. Trong khi, báo cáo quyết toán của các DN vẫn có lãi, tức là giá bán xăng dầu của DN đã bao gồm khoản chi phí này, giờ lại yêu cầu bù một lần nữa thì có hợp lý?

Bên cạnh đó, việc lấy ngân sách để hoàn thuế cho DN cũng không nhận được sự động tình. Trong bối cảnh bội chi ngân sách lớn, chi thường xuyên cao, nợ công sát trần, việc lấy hơn 700 tỷ đồng hoàn thuế cho DN là một đề xuất cần được cân nhắc, xem xét để tránh nặng gánh cho ngân sách, theo đó, nặng gánh cho người dân. Câu hỏi được nhiều người đặt ra là liệu Bộ Tài chính có đưa thêm một khoản thuế nào đó để bù đắp cho những đề xuất kiểu này.

Thực tế, thời gian qua, một loạt các đề xuất tăng thuế, phí đã được Bộ Tài chính đưa ra như tăng thuế môi trường với xăng dầu, tăng phí trước bạ với xe bán tải… nhưng không nhận được đồng tình trong dư luận. Người dân phản đối không phải vì thiếu hiểu biết, mà vì họ không thấy được hiệu quả những đồng tiền thuế. Nếu tiền thuế của người dân được sử dụng đúng mục đích và họ được thụ hưởng lợi ích thực sự từ việc tăng thuế, thì họ sẵn sàng móc hầu bao đóng thuế.

Trong khi việc sử dụng hiệu quả ngân sách đang khiến người dân băn khoăn thì Bộ này lại đề xuất dùng ngân sách hàng trăm tỷ hoàn thuế cho DN xăng E5 cho những sự “lệch pha” trong các quy định của mình. Đây là đề xuất bất hợp lý, thiếu trách nhiệm của ngành tài chính và khó chấp nhận. Và bài toán cần thêm những giải pháp hợp lý, khoan sức dân để tăng thu ngân sách lại cấp thiết hơn bao giờ hết.