Những chứng cứ lịch sử có giá trị pháp lý
Hội thảo với sự tham gia đông đảo của các chuyên gia về sử học và pháp lý hàng đầu đến từ các trường đại học, các viện nghiên cứu, các địa phương trong cả nước. 21 tham luận được in trong kỷ yếu tập trung vào các chủ đề: Hoàng Sa và Trường Sa trong lịch sử, giải pháp đấu tranh bảo vệ chủ quyền, di sản và giáo dục truyền thống.
Mở đầu Hội thảo, PGS.TS Đỗ Bang - Phó Chủ tịch Hội KHLS Việt Nam khẳng định, Hoàng Sa và Trường Sa đã xuất hiện trong lịch sử Việt Nam từ lâu đời, đến thời các chúa Nguyễn, vương triều Tây Sơn và vương triều Nguyễn hai quần đảo này hoàn toàn thuộc về chủ quyền của nhà nước quân chủ Việt Nam.
TS. Nguyễn Thanh Minh – Chuyên gia nghiên cứu Biển Đông cho rằng, chứng cứ lịch sử có giá trị pháp lý chứng minh việc chiếm hữu và thực thi chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, đó là sự ra đời và hoạt động thường xuyên, liên tục của đội Hoàng Sa, một tổ chức do nhà nước lập ra để đi quản lý, bảo vệ, khai thác hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa tham chiếu trên cả hai phương diện quân sự và dân sự. Đội Hoàng Sa, về sau lập thêm đội Bắc Hải do đội Hoàng Sa kiêm quản.
PGS.TS. Đỗ Bang có nhận xét, Đội Hoàng Sa và Bắc Hải được chúa Nguyễn thành lập để thu lượm hóa vật và khai thác hải sản, tài nguyên ở quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa cùng các đảo khác mang về nộp cho phủ chúa và được đặc ân về chế độ thuế khóa, giao dịch, binh dịch.
“Thực chất đó là binh dân làm nhiệm vụ kinh tế và thực thi chủ quyền biển đảo Việt Nam thời chúa Nguyễn có vị trí quan trọng trong quá trình mở nước, phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền Đàng Trong, có tác dụng to lớn đối với ý thức bám biển gắn với lợi ích đất nước của người dân vùng biển đảo đương thời cả dưới thời Tây Sơn và triều Nguyễn về sau”, PGS.TS Đỗ Bang khẳng định.
Theo TS Phan Tiến Dũng – Chủ tịch Hội KHLS tỉnh Thừa Thiên Huế, nghiên cứu cho thấy các vị vua đầu triều Nguyễn đã nhận rõ được tầm quan trọng của biển đảo đối với nền an ninh phòng thủ đất nước. Những biện pháp tích cực, hiệu quả trong kiểm soát tàu thuyền ra vào các cửa biển, hải đảo, đặc biệt là đối với tàu thuyền phương Tây, đã góp phần hạn chế mọi nguy cơ đe dọa từ bên ngoài. Những hoạt động ấy phần nào giúp nhà nước nắm bắt thông tin, đảm bảo an ninh quốc phòng, hỗ trợ nhiều cho hoạt động bảo vệ biển đảo của đất nước.
ThS Nguyễn Quang Trung Tiến đã dẫn ra nhiều tư liệu quý đương thời được cộng đồng quốc tế thừa nhận: “Sự công nhận quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa thuộc lãnh thổ địa lý xứ Đàng Trong, kèm theo việc mô tả đặc điểm địa lý, vị trí tọa độ, phạm vi và cảnh quan quần đảo, hoạt động khai thác, xúc tiến thương mại thường xuyên của người Đàng Trong ở quần đảo này trong các ấn phẩm đương thời tại các nước Anh, Pháp, Hoa Kỳ, Scotland được dẫn ra ở trên, đã phản ánh một cách khách quan về sự đóng góp của nhà Tây Sơn đối với công cuộc xác lập, thực thi và bảo vệ chủ quyền biển đảo nói chung, quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa nói riêng của quốc gia, được thế giới biết đến”.
PGS.TS. Trần Nam Tiến, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu biển và đảo – Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh qua tham luận Chính quyền Việt Nam Cộng hòa thực thi và bảo vệ chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa (1956-1975) cho rằng: “Có thể thấy, tất cả hoạt động thực thi và bảo vệ chủ quyền của chính quyền Việt Nam Cộng hòa trong thời gian tồn tại của mình (1955-1975) đã xác nhận rõ ràng rằng quần đảo Trường Sa (và cả quần đảo Hoàng Sa) là những thành phần bất khả phân của lãnh thổ Việt Nam Cộng hòa. Như vậy, thông qua quá trình thực thi chủ quyền của Việt Nam Cộng hòa giai đoạn 1955-1975, chúng ta có thể thấy quá trình hành xử chủ quyền diễn ra liên tục, chưa bao giờ từ bỏ chủ quyền của các chính quyền Việt Nam tại quần đảo Trường Sa (và cả quần đảo Hoàng Sa) qua các thời kỳ lịch sử khác nhau”.
Sự kiện Gạc Ma không thể bị lãng quên
PGS.TS Trương Minh Dục cho rằng, diễn biến tình hình Biển Đông nói chung và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa nói riêng, 33 năm sau sự kiện bi hùng Gạc Ma cho thấy, sự hy sinh của 64 cán bộ, chiến sỹ Hải quân Nhân dân Việt Nam ngày 14/3/1988 không thể bị lãng quên.
Lễ tưởng niệm 64 anh hùng liệt sỹ hy sinh trong trận chiến bảo vệ đảo Gạc Ma – quần đảo Trường Sa vừa được Hội Cựu chiến binh Lữ đoàn Công binh 83 (Quân chủng Hải quân) phối hợp với Ban liên lạc Bộ đội Trường Sa Đà Nẵng tổ chức trang nghiêm vào sáng 14/3 vừa qua. Ảnh: Q.Hải |
ThS. Trần Việt Dũng - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Luật, ĐH Huế trong tham luận “Hệ thống các văn bản pháp luật về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ sau năm 1975 đến nay” đã nêu bật giá trị của các văn bản Luật cùng với tư liệu lịch sử là những minh chứng vững chắc về chủ quyền của nhà nước Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa: “Các văn bản pháp luật về Hoàng Sa và Trường Sa có ý nghĩa hết sức to lớn trong việc xác định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; thể hiện tính liên tục về chủ quyền và tổ chức hành chính của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ trước năm 1975 đến nay; thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước Việt Nam đối với sự phát triển của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”.
Cho đến nay, Hội KHLS tỉnh Thừa Thiên Huế đã 6 lần tổ chức hội thảo và xuất bản 8 công trình, sách chuyên khảo về chủ quyền biển đảo Việt Nam. Qua đó, góp phần khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.