Xây dựng nếp sống văn hóa, trật tự, kỷ cương, văn minh đô thị gắn với việc thực hiện 2 Bộ quy tắc ứng xử của Hà Nội
Nhằm tạo chuyển biến rõ nét về việc xây dựng nếp sống văn hóa, trật tự, kỷ cương, văn minh đô thị gắn với việc thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn Thành phố và Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc TP, Chủ tịch UBND TP đã ký ban hành Chỉ thị số 08/CT-UBND ngày 16/5/2019 về việc Đẩy mạnh tuyên truyền xây dựng nếp sống văn hóa, trật tự, kỷ cương, văn minh đô thị gắn với việc thực hiện quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn TP Hà Nội và quy tắc ứng xử của CBCCVC, người lao động trong các cơ quan thuộc TP.
Yêu cầu các sở, ban, ngành, MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội từ Thành phố đến cơ sở tập trung tuyên truyền thực hiện: Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh trong hệ thống chính trị, trong các cơ quan, đơn vị, thôn, làng, tổ dân phố, mỗi gia đình và các tầng lớp nhân dân. Xây dựng văn hóa người Hà Nội “nói lời hay, làm việc tốt, ứng xử đẹp”. Giáo dục lịch sử, truyền thống, văn hóa, nếp sống và bồi dưỡng phẩn chất người Hà Nội, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Xây dựng mô hình văn hóa thanh lịch, văn minh đặc biệt là mô hình văn hóa ứng xử tại bộ phận một cửa, văn hóa giao tiếp thân thiện của người dân với khách du lịch và văn hóa trong cộng động các khu chung cư.
Tăng cường công tác quản lý nhà nước về văn hóa. Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa để người dân vừa là chủ thể sáng tạo, vừa tham gia tổ chức, thụ hưởng các giá trị văn hóa…
Ngày 7/6/2019, khai mạc Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội năm 2019
Nhằm xây dựng chương trình Lễ hội văn hóa ẩm thực ở Hà Nội trở thành một sự kiện văn hóa, tôn vinh và giới thiệu tới người dân Hà Nội và du khách mọi miền đất nước và du khách quốc tế về di sản văn hóa ẩm thực Hà Nội và một số ẩm thực tiêu biểu của 3 miền Bắc, Trung, Nam, UBND TP đã phê duyệt Kế hoạch số 112/KH-UBND ngày 13/5/2019 chỉ đạo tổ chức Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội năm 2019, bao gồm các hoạt động chính như: giới thiệu sản phẩm và quy trình thực hành tạo nên những sản phẩm ẩm thực tiêu biểu của 3 miền, hoạt động trình diễn của các nghệ nhân ẩm thực. Giới thiệu các tác phẩm nghệ thuật chủ đề 3 miền xưa và nay, những ký ức 3 miền về lịch sử văn hóa nói chung và văn hóa ẩm thực nói riêng. Các hoạt động giao lưu, trải nghiệm ẩm thực Hà Nội với các nghệ nhân, các nhà nghiên cứu về Hà Nội… Chương trình khai mạc vào 20h00 ngày 7/6/2019, kéo dài đến ngày 9/6/2019 tại công viên Thống Nhất.
Thực hiện các biện pháp ngăn chặn tai nạn giao thông do uống rượu, bia
UBND Thành phố giao Sở Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với Công an Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị khẩn trương thực hiện các giải pháp bảo đảm giảm tai nạn giao thông năm 2019 trên cả 03 tiêu chí (số vụ, số người chết và số người bị thương); tăng cường chỉ đạo kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về trật tự an toàn giao thông trên địa bàn; đẩy mạnh, đổi mới và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, đặc biệt là quy định “đã uống rượu, bia - Không lái xe” trong các tầng lớp nhân dân, nhất là đối tượng lái xe kinh doanh vận tải, thanh niên, sinh viên.
Các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, chính quyền các cấp cần bám sát chủ đề “Đã uống rượu bia - Không lái xe”; “Phải đội mũ bảo hiểm khi điều khiển xe gắn máy” và “phải thắt dây an toàn khi ngồi trên ô tô” để xây dựng chương trình, kế hoạch hành động cụ thể nhằm tạo được sự vào cuộc mạnh mẽ, tích cực, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, của các tầng lớp nhân dân; gắn trách nhiệm cao nhất của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông, giảm thiểu tai nạn giao thông.
Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị phải gương mẫu đi đầu trong việc chấp hành nghiêm chỉnh các quy định trên. Nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông an toàn giao thông trong mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt đối với đội ngũ lái xe kinh doanh vận tải hành khách, người đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện.
Giao Công an Thành phố chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông Vận tải thành lập ngay các tổ công tác kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm quy định về nồng độ cồn, sử dụng ma túy và các chất kích thích khác đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông, với phương châm “làm kiên trì, liên tục, xử lý nghiêm khắc, không có vùng cấm”.
Giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Công an Thành phố và các đơn vị đề xuất hình thức kỷ luật các trường hợp cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc Thành phố vi phạm quy định về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông…
Mở mới 4 tuyến xe buýt trợ giá năm 2019 sử dụng nhiên liệu sạch (khí CNG)
Xét đề nghị của Sở Tài chính, UBND Thành phố đã chấp thuận phương án mở mới 4 tuyến xe buýt trợ giá năm 2019 sử dụng nhiên liệu sạch (khí CNG) trên địa bàn Thành phố, bao gồm: tuyến số 1: Kim Lũ (Sóc Sơn) - Nam Thăng Long (cự ly: 31,3 km); tuyến số 2: Cầu Giấy - Tam Hiệp (Thanh Trì) (cự ly: 16 km); tuyến số 3: Nhổn - Thọ An (cự ly: 21 km); tuyến số 4: bến xe Yên Nghĩa - Hoài Đức (cự ly: 34 km). Đây là các khu vực có mật độ dân cư đông, mật độ giai thông lớn cần thiết phải giảm thiểu tiếng ồn do động cơ, ô nhiễm khí thải do phương tiện. Việc đưa các tuyến buýt sử dụng nhiên liệu sạch sẽ góp phần giảm ô nhiễm môi trường, tạo hình ảnh thân thiện về xe buýt với nhân dân Thủ đô.
UBND Thành phố giao Sở Giao thông Vận tải khẩn trương phối hợp với Tổng Công ty Vận tải Hà Nội sớm hoàn thiện Đề án “Nâng cao chất lượng dịch vụ và phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt ở Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025”; việc xây dựng định mức, đơn giá buýt sử dụng nhiên liệu sạch (khí CNG), trình UBND Thành phố.
Không để tái diễn vi phạm trật tự đô thị, trật tự xây dựng trên địa bàn quận Hoàn Kiếm
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn tại buổi làm việc với Quận ủy Hoàn Kiếm, UBND Thành phố yêu cầu UBND quận Hoàn Kiếm tăng cường công tác quản lý nhà nước về trật tự đô thị, trật tự xây dựng trên địa bàn (về tổ chức bộ máy, cách thức tổ chức thực hiện, công tác cán bộ, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm…), tuyệt đối không để tái diễn vi phạm trật tự đô thị, trật tự xây dựng trên địa bàn. Giao các Sở Xây dựng, Giao thông Vận tải, Quy hoạch - Kiến trúc, Văn hóa và Thể thao tăng cường quan hệ phối hợp với UBND quận Hoàn Kiếm, bố trí cán bộ chuyên trách theo dõi địa bàn, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn quận trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về trật tự đô thị, trật tự xây dựng.
Kiểm tra, xử lý thông tin san lấp trái phép lòng sông
Trước thông tin phản ảnh của nhân dân về việc tại khu vực đường 11, tập thể F361, khu vực giáp ranh giữa 2 đường Yên Phụ (quận Tây Hồ) và Phúc Xá (quận Ba Đình) xảy ra tình trạng đổ đất, lấn chiếm lòng sông Hồng, Chủ tịch UBND Thành phố giao Chủ tịch UBND quận Ba Đình phối hợp với Chủ tịch UBND quận Tây Hồ kiểm tra, làm rõ thông tin; xử lý nghiêm, dứt điểm các vi phạm; yêu cầu tập thể, cá nhân có hành vi lấn chiếm lòng sông phục hồi nguyên trạng ban đầu; chỉ đạo điều tra xử lý nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự. Kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân; xem xét xử lý trách nhiệm người đứng đầu tại UBND 2 phường Phúc Xá và Yên Phụ để xảy ra vi phạm (nếu có), báo cáo UBND Thành phố trước ngày 20/5/2019.
Phê duyệt Quyết định công nhận xã An Mỹ, xã Xuy Xá, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018 (đợt 3). Phê duyệt Quyết định công nhận xã Đan Phượng, xã Song Phượng huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2018
Xét đề nghị của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới, UBND Thành phố đã ban hành Quyết định số 2383/QĐ-UBND ngày 14/5/2019 công nhận xã An Mỹ và xã Xuy Xá, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018. 02 xã được UBND Thành phố tặng Bằng công nhận danh hiệu xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018. UBND huyện Mỹ Đức, UBND các xã: An Mỹ, Xuy Xá có trách nhiệm duy trì các tiêu chí đã đạt và nâng cao chất lượng các tiêu chí theo quy định.
Tại Quyết định số 2384/QĐ-UBND ngày 14/5/2019, UBND Thành phố quyết định công nhận các xã: Đan Phượng, Song Phượng, Liên Trung huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2018 và được UBND Thành phố tặng Bằng công nhận danh hiệu xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2018. UBND huyện Đan Phượng, UBND các xã: Đan Phượng, Song Phượng, Liên Trung có trách nhiệm duy trì các tiêu chí đã đạt và nâng cao chất lượng các tiêu chí theo quy định.
Tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi
Căn cứ ý kiến chỉ đạo của đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ và tính chất cấp bách của bệnh dịch trên địa bàn Thành phố, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố yêu cầu Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã; Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn; Giám đốc, Thủ trưởng các sở, ngành có liên quan:
Khẩn trương, nghiêm túc tổ chức thực hiện kết luận chỉ đạo của đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về công tác phòng, chống, phát hiện, xử lý bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn Thành phố; tiếp tục triển khai các biện pháp cấp bách ngăn chặn bệnh dịch lây lan ra diện rộng; thực hiện đồng bộ các biện pháp hữu hiệu để dập dịch.
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát các cơ sở, điểm giết mổ lợn trên địa bàn về việc chấp hành nghiêm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh thú y, các quy định liên quan đến phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.
Thực hiện hỗ trợ các hộ chăn nuôi có lợn bị bệnh Dịch tả lợn Châu Phi phải tiêu hủy đảm bảo đúng quy định về trình tự, thủ tục, mức hỗ trợ, thời gian không quá 05 ngày; chuẩn bị đẩy đủ phương tiện, vật tư, hóa chất trong công tác phòng, chống bệnh dịch. Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã phải trực tiếp chủ động xử lý giải quyết khi có lợn bị mắc dịch.
Có phương án chuẩn bị đủ diện tích đất để xử lý, tiêu hủy lợn trong trường hợp xảy ra bệnh dịch đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng vứt xác lợn chết ra ngoài môi trường, trôi nổi trên hệ thống sông, hồ, ao, đập làm tăng nguy cơ lây lan bệnh dịch; xử lý nghiêm theo quy định các đối tượng vi phạm. Trường hợp xảy ra các ổ dịch lớn, huy động các lực lượng tham gia tiêu hủy lợn chết, đặc biệt là lực lượng vũ trang.