Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hoạt động của Hội đồng Nhân dân TP Hà Nội: Liên tục đổi mới để góp sức vào thành công chung

Vũ Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đóng góp vào những thành công chung trong 10 năm thực hiện Nghị quyết 15/2008/QH12 của Quốc hội về điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội có sự vào cuộc quyết liệt, chủ động của HĐND TP, với vai trò sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy xuyên suốt, đặc biệt là rà soát, hợp nhất và ban hành cơ chế, chính sách từng thời điểm.

Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định: Các Nghị quyết do HĐND TP ban hành đã cụ thể hóa các chủ trương chính sách lớn của Đảng, phù hợp với thực tiễn và đi vào cuộc sống. Vai trò và vị thế của HĐND trong hệ thống chính trị của TP ngày càng được phát huy và nâng cao.
Hoàn thiện nhiều nghị quyết quan trọng

Nghị quyết 15/2008/QH12 về mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội là một chủ trương lớn. Ngay trong những ngày đầu tiên, với vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, HĐND TP Hà Nội chắc chắn đã phải triển khai rất nhiều công việc. Thưa bà, đâu là dấu mốc quan trọng nhất trong thời điểm ấy?

- Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc: Mở rộng địa giới hành chính Thủ đô là chủ trương đúng đắn, là một quyết định lịch sử có tầm nhìn xa, không chỉ để xây dựng và phát triển Thủ đô, mà còn là chiến lược phát triển đất nước ta. Song để cụ thể hóa chủ trương này, có rất nhiều việc cần phải làm, cần có những bước đi cụ thể, phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và dự đồng thuận của Nhân dân.
 Quang cảnh Kỳ họp thứ 6, Khóa XV - HĐND TP Hà Nội tháng 7/2018.  Ảnh: Thanh Hải
Trên cơ sở Kết luận của Ban Chấp hành T.Ư Đảng, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và thực hiện Kết luận Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TP (Khóa XIV), căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình, HĐND TP đã xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện. Theo đó, việc đầu tiên là phải tổ chức kỳ họp để hợp nhất và ban hành các Nghị quyết về tổ chức bộ máy, biên chế TP Hà Nội sau điều chỉnh địa giới hành chính.

Và dấu mốc quan trọng nhất là ngày 1/8/2008, HĐND TP Hà Nội đã tổ chức Kỳ họp thứ 16, đây là kỳ họp lịch sử, là kỳ họp hợp nhất đầu tiên của TP Hà Nội sau khi được điều chỉnh địa giới hành chính. Tại kỳ họp, HĐND TP đã thực hiện củng cố hệ thống chính quyền hợp nhất, trong đó đã ban hành 6 Nghị quyết về tổ chức, bộ máy chính quyền của TP Hà Nội và thông qua biên chế hành chính, sự nghiệp năm 2008 của TP.

Theo đó các cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP được HĐND TP phê chuẩn gồm 17 sở và 3 cơ quan trực thuộc; tổ chức, bộ máy của chính quyền các cấp TP đã được kiện toàn đảm bảo ổn định sau hợp nhất và đi vào hoạt động. HĐND các cấp không ngừng đổi mới, thể hiện trách nhiệm trong việc xây dựng và nâng cao về chất lượng tổ chức bộ máy, góp phần vào sự ổn định, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị toàn TP.

Việc rà soát, ban hành các Nghị quyết mới về các cơ chế, chính sách, thúc đẩy sự phát triển KT - XH là một nhiệm vụ quan trọng trong 10 năm qua. Vậy HĐND TP đã triển khai công việc này như thế nào để đáp ứng được nhu cầu thực tiễn, nguyện vọng của cử tri Thủ đô và sự phát triển chung của TP, thưa bà?

- Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc: Sau khi thực hiện hợp nhất, điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội, tồn tại 4 loại cơ chế, chính sách của 4 tỉnh, TP: Hà Nội, Hà Tây, Vĩnh Phúc, Hòa Bình. Các cơ chế chính sách này phù hợp với từng địa phương trước khi hợp nhất. Vì vậy để có chính sách phù hợp với TP Hà Nội mới sau hợp nhất, HĐND TP phải quyết định và có nghị quyết ban hành chính sách mới.

Với quan điểm: Tất cả vì sự phát triển của TP và vì lợi ích của người dân, thực hiện chỉ đạo của T.Ư, Thành ủy, Thường trực HĐND TP Hà Nội đã phối hợp với Thường trực HĐND các tỉnh liên quan rà soát các cơ chế chính sách. Từ đó, ban hành Nghị quyết của HĐND TP Hà Nội để đảm bảo sau khi hợp nhất sẽ có chính sách chung trên toàn địa bàn TP theo hướng: Áp dụng những chính sách có lợi nhất cho các địa phương. Đối với các mức chi của các chính sách, mức chi nào cao nhất trong các mức chi theo quy định của các tỉnh, TP thì lựa chọn mức chi đó làm mức chi chung của TP Hà Nội sau hợp nhất. Bên cạnh đó thực hiện rà soát lại tổ chức bộ máy, biên chế và tiếp nhận nguyên trạng, sắp xếp, tổ chức lại theo hướng hợp lý không gây xáo trộn; tiếp tục củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng khu vực phòng thủ của Thủ đô ngày càng vững chắc.

Với quan điểm đó, ngay sau khi hợp nhất (tháng 8/2008), HĐND TP đã ban hành nhiều nghị quyết thường kỳ và chuyên đề theo đúng quy định của pháp luật để hợp nhất các cơ chế, chính sách thuộc tất cả các lĩnh vực. Đồng thời, giám sát việc thực hiện để vừa đảm bảo sự ổn định, song cũng phải đảm bảo thúc đẩy phát triển KT - XH của Thủ đô. Ngay trong năm 2008, HĐND TP đã ban hành 20 Nghị quyết, trong đó có 6 Nghị quyết về các cơ chế chính sách phát triển kinh tế, 1 Nghị quyết về quản lý đô thị và 13 Nghị quyết về tổ chức bộ máy, các mức chi phụ cấp đặc thù cho các đối tượng đặc thù. Bên cạnh đó, Hà Nội đã rà soát, phân loại đối với 1.482 văn bản quy phạm pháp luật do các địa phương trước khi hợp nhất, đồng thời ban hành 203 văn bản quy phạm pháp luật mới trên các lĩnh vực để phục vụ công tác quản lý, điều hành của Thủ đô trong tình hình mới, địa bàn mới.

Trong 10 năm qua, bên cạnh thực hiện việc tập trung rà soát, ban hành các Nghị quyết mới nhằm hợp nhất các cơ chế, chính sách của TP, HĐND TP đã thể hiện trách nhiệm của mình trong việc ban hành các cơ chế, chính sách mới phù hợp với quy định của luật, phù hợp với tình hình thực tiễn, từng bước đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của cử tri Thủ đô và đáp ứng yêu cầu phát triển chung của Thủ đô. Thực hiện sự chỉ đạo của T.Ư, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội qua 2 nhiệm kỳ, căn cứ vào thực tiễn phát triển, cũng như nguyện vọng chính đáng của cử tri Thủ đô, HĐND TP đã ban hành trên 230 Nghị quyết về cơ chế, chính sách để phát triển mọi mặt KT – XH, an ninh quốc phòng của Thủ đô. Trong đó: 112 nghị quyết thuộc lĩnh vực kinh tế - ngân sách; 42 nghị quyết thuộc lĩnh vực VH - XH; 22 nghị quyết thuộc lĩnh vực quy hoạch, quản lý đô thị; 47 nghị quyết thuộc các lĩnh vực tổ chức bộ máy, biên chế, an ninh quốc phòng…
 Quang cảnh Kỳ họp thứ 6, khóa XV - HĐND TP Hà Nội tháng 7 - 2018.  Ảnh  Thanh Hải
Một số Nghị quyết của HĐND TP có tính chất khó, phức tạp, tạo sự đột phá cho sự phát triển KT - XH của Thủ đô như: Chiến lược phát triển KT - XH Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch phát triển KT - XH Thủ đô đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. 7 nghị quyết quy định chi tiết triển khai Luật Thủ đô; 6 nghị quyết cơ chế, chính sách trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Nghị quyết về quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục trên địa bàn TP đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; quy hoạch phát triển hệ thống y tế TP đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Bảo đảm tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS TP Hà Nội giai đoạn 2018 – 2020… Đặc biệt một số Nghị quyết chuyên đề, khó và phức tạp mà Hà Nội đi đầu thực hiện như: Nghị quyết về việc thông qua Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP Hà Nội, giai đoạn 2017 - 2020 tầm nhìn đến năm 2030”. Nghị quyết về xây dựng khu vực phòng thủ TP Hà Nội đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Nghị quyết quy định việc xử lý các cơ sở không đảm bảo yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy trên địa bàn TP Hà Nội được đưa vào sử dụng trước khi Luật Phòng cháy chữa cháy số 27/2001/QH10 có hiệu lực.

Kết quả thực hiện các Nghị quyết của HĐND TP 10 năm qua cho thấy: Các nghị quyết đã cụ thể hóa những chủ trương, chính sách của Đảng, là cơ sở pháp lý quan trọng, điều kiện thuận lợi để các cấp, các ngành chủ động tổ chức thực hiện những cơ chế, chính sách chung cũng như đặc thù theo Luật Thủ đô. Đồng thời tăng cường quản lý, đầu tư, mở ra hướng đi mới nhằm khơi dậy, phát huy tiềm năng, thế mạnh, xây dựng, phát triển toàn diện trên các lĩnh vực góp phần vào sự phát triển KT - XH chung của Thủ đô và đất nước. Tăng trưởng kinh tế Thủ đô tiếp tục ổn định và phát triển; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng và tích cực. Hà Nội đi đầu trong Chương trình xây dựng Nông thôn mới và giữ vững vị trí là một trong những đầu tàu kinh tế của cả nước. Đời sống văn hóa, tinh thần của Nhân dân ngày một nâng cao; các giá trị văn hóa Thủ đô nghìn năm văn hiến được kế thừa và phát huy. Công tác quy hoạch, quản lý đô thị, quản lý đất đai tiếp tục được quan tâm, bộ mặt đô thị có nhiều chuyển biến tích cực. Tình hình an ninh chính trị, trật tự - an toàn xã hội được ổn định; công tác cải cách tư pháp được tăng cường. Công tác đối ngoại, hợp tác phát triển và hội nhập kinh tế khu vực, quốc tế ngày càng được chú trọng… Qua đó đã thể hiện sự đóng góp quan trọng, tích cực, hiệu quả việc ban hành các Nghị quyết của HĐND TP đối với những thành tựu nổi bật trong 10 năm qua của Thủ đô.

Nâng cao hiệu quả hoạt động, thúc đẩy thực thi chính sách

Sau khi Nghị quyết được ban hành, việc thực thi chính sách vào cuộc sống là một vấn đề rất quan trọng. Vậy trong 10 năm qua, HĐND TP đã thực hiện chức năng giám sát của mình thế nào để thúc đẩy việc triển khai các Nghị quyết đảm bảo sự ổn định và thúc đẩy phát triển KT - XH, thưa bà?

- Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc: Trong 10 năm qua, bên cạnh công tác củng cố, tăng cường chất lượng của tổ chức bộ máy, HĐND các cấp, đặc biệt là HĐND TP đã không ngừng đổi mới, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động, xứng đáng là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. Một trong những đổi mới của HĐND các cấp TP đã được các cấp ủy, chính quyền các cấp cũng như cử tri ghi nhận đó là trong hoạt động giám sát. Hoạt động giám sát của HĐND có sự chuyển biến tích cực ở tất cả các cấp HĐND, trong đó nhấn mạnh đó là các hoạt động giám sát sâu, giám sát chuyên đề, giám sát đến cùng vấn đề và các hình thức giám sát luôn được đổi mới, thiết thực và hiệu quả.

HĐND TP đã có Nghị quyết chuyên đề về hoạt động giám sát: Nghị quyết số 32/2013/NQ-HĐND ngày 06/12/2013 về nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND TP Hà Nội. Theo đó, phương thức giám sát tiếp tục được đổi mới, kết hợp giữa giám sát trực tiếp tại cơ sở và giám sát qua báo cáo của các đơn vị. Kết hợp giám sát chung và giám sát chuyên đề, giám sát giữa hai kỳ họp và giám sát tại kỳ họp. Việc thực hiện giám sát được tiến hành nghiêm túc, giám sát đến cùng trên cơ sở trao đổi thẳng thắn để từ đó chỉ rõ những gì làm được và chưa làm được của đơn vị được giám sát.

Nhiệm kỳ 2011 - 2016, Thường trực, các Ban HĐND TP đã tổ chức được 97 cuộc giám sát, trong đó có 23 cuộc giám sát của Thường trực và 74 cuộc giám sát của các Ban. Từ đầu nhiệm kỳ 2016 - 2021 đến nay, HĐND các cấp đã triển khai có hiệu quả các đợt giám sát chuyên đề, trong đó HĐND TP tổ chức 7 đợt giám sát, HĐND các quận huyện, thị xã tổ chức 1.002 cuộc và HĐND các xã, phường, thị trấn tổ chức 4.857 cuộc. Nội dung giám sát là các vấn đề cần tập trung của địa phương, các lĩnh vực bức xúc được cử tri quan tâm như: Một số vấn đề vướng mắc trong việc thực hiện chính sách về xã hội hóa y tế, giáo dục đào tạo theo Nghị quyết HĐND TP; việc thực hiện tổ chức bộ máy và quản lý, sử dụng biên chế hành chính, sự nghiệp; việc xử lý nhà “siêu mỏng, siêu méo” trên địa bàn TP; đầu tư, sử dụng các công trình công cộng, vườn hoa, công viên cây xanh, khu vui chơi giải trí cho Nhân dân, công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng; đầu tư xây dựng cơ bản, xây dựng nông thôn mới; sử dụng biên chế và thực hiện chính sách tinh giản biên chế; công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; công tác đảm bảo an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy…

Nét mới trong hoạt động giám sát của nhiệm kỳ này là Thường trực HĐND TP tổ chức các phiên giải trình, đây là hoạt động giám sát giữa hai kỳ họp. Thường trực HĐND TP đã tổ chức thành công 2 phiên giải trình, từ sự thành công này đã lan tỏa đến Thường trực HĐND các quận, huyện, thị xã và đến cả cấp xã, phường, thị trấn. Chỉ tính riêng trong năm 2017, Thường trực HĐND cấp huyện đã tổ chức được 10 phiên và Thường trực HĐND cấp xã tổ chức được 154 phiên giải trình. Hiệu quả của hoạt động giám sát được thể hiện rõ nhất trong việc thực hiện các kết luận, kiến nghị trong các thông báo kết luận và báo cáo giám sát, khảo sát của Chủ tọa kỳ họp, Thường trực HĐND và các Ban HĐND TP. Nhiệm kỳ 2011 - 2016, việc thực hiện kiến nghị của HĐND gửi đến UBND đạt trên 90%. Và từ đầu nhiệm kỳ 2016 - 2021 đến nay, đã có trên 72% trên tổng số kiến nghị của HĐND đã được UBND giải quyết, số kiến nghị còn lại đang được triển khai ở các cấp, góp phần giải quyết các vấn đề bức xúc và thúc đẩy phát triển KT - XH của TP.

Qua giám sát của HĐND TP cho thấy, với sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp TP, kết hợp sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ TP đến cơ sở, tạo sự chuyển biến rõ nét về nhận thức và hành động của các cấp chính quyền trong thực hiện nhiệm vụ. Hoạt động giám sát của HĐND các cấp đã góp phần tháo gỡ khó khăn nhiều vấn đề lớn của TP và các địa phương, đồng thời thấy rõ trách nhiệm, tính chủ động, nghiêm túc trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết của HĐND các cấp. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển KT - XH và thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp cũng như nghị quyết hàng năm của HĐND các cấp.

Thực tế phát triển Thủ đô trong 10 năm qua đã khẳng định tính đúng đắn, giá trị lịch sử, ý nghĩa thực tiễn lâu dài của chủ trương mở rộng địa giới hành chính đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô. Trong thời gian tới, HĐND TP sẽ tập trung vào những nhiệm vụ gì để cùng góp phần nâng cao vai trò của Thủ đô lên một vị thế, tầm cao mới, thưa bà?

- Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc: Sau 10 năm thực hiện điều chỉnh, mở rộng địa giới hành chính theo Nghị quyết 15/2008/QH12 của Quốc hội, tuy gặp không ít những khó khăn, thách thức, diện tích được mở rộng, dân số với quy mô lớn và với yêu cầu phải thực hiện giải quyết rất nhiều công việc đan xen, phức tạp và nhạy cảm, nhưng dưới sự lãnh đạo của Thành ủy, qua 2 kỳ Đại hội Đảng bộ các cấp và cùng với đó TP Hà Nội cũng tổ chức thành công 2 cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp, hệ thống chính trị của TP ngày càng được củng cố và hoàn thiện. Bộ máy chính quyền các cấp của TP, trong đó có HĐND các cấp đã phát huy được truyền thống đoàn kết, đã xác định được những nhiệm vụ, công việc trọng tâm, trọng điểm cho từng giai đoạn, đề ra các giải pháp đột phá và tổ chức thực hiện thắng lợi các Nghị quyết của Đảng và Nghị quyết của HĐND TP.

Xuyên suốt trong 10 năm qua và những năm tiếp theo, HĐND TP và HĐND các cấp đã, đang và sẽ luôn thể hiện vai trò cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, thực hiện có chất lượng, hiệu quả chức năng, nhiệm vụ của mình với phương châm “Đổi mới – Dân chủ - Trách nhiệm – Hiệu quả - Vì dân”.

Tiếp tục kế thừa và phát huy kết quả đạt được cũng như những bài học kinh nghiệm trong hoạt động của HĐND các cấp 10 năm qua, trong thời gian tới, HĐND TP sẽ tập trung vào những nhiệm vụ cụ thể như: Tiếp tục làm tốt công tác tham mưu cho Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy để quyết định những cơ chế, chính sách phát triển Thủ đô thuộc thẩm quyền của HĐND TP. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp. Tăng cường giám sát và việc thực hiện kết luận giám sát đối với tất cả các lĩnh vực, trong đó tập trung vào những vấn đề còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, những vấn đề bức xúc và cử tri Thủ đô quan tâm. Phối hợp chặt chẽ với UBND TP và các cơ quan liên quan để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội gắn với Kết luận số 22-KL/TW, ngày 7/11/2017 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị và các Nghị quyết của Hội nghị lần thứ 6, Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành T.Ư Đảng (Khóa XII); tập trung rà soát, ban hành các Nghị quyết để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội nhiệm kỳ 2015 - 2020.

Xin trân trọng cảm ơn bà!