Hoạt động đảng trong doanh nghiệp sau cổ phần hóa: Quan trọng là quy chế phối hợp

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực tế cho thấy, cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại các DN đã ảnh hưởng lớn tới hoạt động của tổ chức Đảng. Thành ủy Hà Nội đang gấp rút xây dựng phương án đổi mới mô hình, nội dung hoạt động của tổ chức Đảng các tổng công ty. Đây được xem là cơ sở pháp lý quan trọng cho tổ chức Đảng trong DN hoạt động.

 Một buổi lễ kết nạp đảng viên mới tại Công ty Xây dựng công trình giao thông 8.
Gấp rút xây dựng phương án đổi mới

Theo lộ trình, đến năm 2020, 14 trong số 15 tổng công ty có tổ chức Đảng là các Đảng bộ cấp trên cơ sở trực thuộc Thành ủy Hà Nội sẽ trở thành các tổng công ty có vốn Nhà nước không chi phối, hoặc không còn vốn Nhà nước. Khi sở hữu, quản trị tổng công ty và các DN thành viên của tổng công ty đã thay đổi; mô hình tổ chức Đảng sẽ phải thay đổi nên nội dung lãnh đạo không thể như cũ.

Phó Bí thư Ðảng ủy Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 8 Lê Thị An Hải cho biết, hiện Bí thư Ðảng ủy đang kiêm Chủ tịch HÐQT Tổng Công ty nên công tác xây dựng Ðảng tại DN hoạt động khá thuận lợi. Tuy nhiên, trong thời gian tới, nếu đơn vị có chủ sở hữu mới, công tác Đảng ở đơn vị hoạt động như thế nào là câu hỏi chưa có lời giải đáp.

Cùng lo lắng này, Phó Bí thư Ðảng ủy Tổng Công ty Vinaconex Ðỗ Trọng Quỳnh cho rằng, nếu không có quy chế phối hợp chặt chẽ, ngay cả khi cấp ủy muốn giới thiệu nhân sự, chưa chắc đã được HÐQT đồng ý. Bởi trước đây, khi Tổng Công ty còn vốn Nhà nước chi phối, vai trò của cấp ủy là lớn nhất, Ðảng ủy đề ra Nghị quyết, còn HÐQT sẽ cụ thể hóa những đường hướng ấy. Bây giờ ngược lại, HÐQT, trong đó có các cổ đông chiến lược sẽ xây dựng chiến lược đầu tư, phát triển, kế hoạch sản xuất, kinh doanh, còn cấp ủy chỉ phối hợp tham gia.

Trước thực tế này, Thành ủy Hà Nội đang gấp rút xây dựng và lấy ý kiến về phương án đổi mới mô hình, nội dung, phương thức lãnh đạo của tổ chức Đảng các tổng công ty trực thuộc Thành ủy Hà Nội.
Theo Dự thảo, Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội đề xuất các tiêu chí cụ thể để sắp xếp, tổ chức lại mô hình Đảng bộ các tổng công ty trực thuộc Thành ủy và lộ trình thực hiện. Theo đó, với đơn vị vốn Nhà nước còn dưới 50%, ngoài việc đáp ứng các tiêu chí theo Quy định 29 của T.Ư, còn phải là những DN hoạt động ổn định, có chiến lược phát triển rõ ràng, có đóng góp cho Thủ đô; Đảng bộ có số lượng từ 500 đảng viên trở lên…
Dự thảo phương án cũng đề ra những tiêu chí cụ thể để sắp xếp, tổ chức lại mô hình Đảng bộ tổng công ty trực thuộc quận, huyện, thị ủy và tương đương. Trong đó, đề xuất 3 hình thức tổ chức để các tổng công ty lựa chọn phù hợp với mô hình quản trị của tổng công ty, đó là Đảng bộ công ty mẹ của tổng công ty, Đảng bộ cơ quan tổng công ty, Đảng bộ cơ quan tổng công ty mở rộng.

Cụ thể hóa thành quy định

Cùng với việc đổi mới mô hình, tổ chức, quy định tạm thời "Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của đảng ủy cấp trên cơ sở trong các DN có vốn Nhà nước không chi phối" cũng đang được Ban Tổ chức Thành ủy xây dựng. Ý kiến từ các DN đều khẳng định sự cần thiết, thậm chí là cấp bách cần ban hành quy định này và thực hiện ngay. Ðiều này, giúp cấp ủy tham gia đóng góp tích cực cho sự phát triển của DN, đồng thời bảo đảm sự lãnh đạo của Ðảng trong bối cảnh DN chuyển đổi sở hữu.

Đáng chú ý, Dự thảo này đã nêu cụ thể mối quan hệ công tác giữa đảng ủy cấp trên cơ sở trong các DN có vốn Nhà nước không chi phối với Thành ủy, với Ban Cán sự UBND TP, với các ban đảng Thành ủy… Đặc biệt, với HĐQT, ban lãnh đạo DN, Đảng ủy phối hợp bằng việc xây dựng quy chế cụ thể; bổ sung thêm 3 nội dung công tác, đó là tham gia lãnh đạo “văn hóa doanh nghiệp”, “chất lượng sản phẩm”, "an toàn lao động”...

Từ thực tiễn hoạt động, đại diện các tổng công ty cũng đề xuất, DN hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và Luật Công đoàn, trong khi hoạt động của các tổ chức Đảng, đoàn thể hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí chủ quan, tình cảm của chủ sở hữu DN. Do vậy, để các tổ chức Đảng, đoàn thể trong DN có vốn Nhà nước không chi phối hoặc không còn vốn Nhà nước hoạt động hiệu quả, rất cần phải được cụ thể hóa thành các quy định pháp luật.

Ban Tổ chức Thành ủy cho rằng, quan trọng nhất là quy chế phối hợp giữa Đảng ủy và HĐQT, ban Tổng Giám đốc trong DN phải cụ thể, sát thực để triển khai. Trên cơ sở đó, trong thời gian tới, Ban Tổ chức Thành ủy sẽ nghiên cứu, ban hành quy chế mẫu để các tổ chức Đảng tham khảo.