Theo đánh giá của Thường trực HĐND TP Hà Nội, thời gian qua, Thường trực HĐND các cấp đã bám sát, đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát theo đúng Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 ngày 12/9/2022 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND các cấp. Qua đó, hoạt động giám sát của HĐND đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, theo hướng thẳng thắn, nghiêm túc, thực chất, trách nhiệm và hiệu quả. Tái giám sát được chú trọng, các giải pháp, cam kết, lộ trình được cụ thể, công khai; quyết tâm đi đến tận cùng vấn đề, giải quyết triệt để các nội dung.
Cụ thể, trong năm 2023, HĐND TP đã tổ chức 2 phiên chất vấn tại kỳ họp. Trong cả 2 phiên, nội dung tái chất vấn việc thực hiện các cam kết, lời hứa còn chậm, chưa hiệu quả đều chiếm một trong hai nhóm nội dung. Đồng thời, Thường trực HĐND TP tổ chức 1 phiên chất vấn - phiên chất vấn đầu tiên theo đúng tinh thần Nghị quyết số 594 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và 1 phiên giải trình.
"Có thể khẳng định, các nội dung lựa chọn chất vấn, giải trình đều trúng và đúng, quan trọng, thiết thực, tác động lớn và phù hợp với thực tiễn đặt ra cho TP được dư luận, cử tri và Nhân dân đánh giá rất cao. Nghị quyết chất vấn của HĐND, thông báo kết luận chất vấn, giải trình của Thường trực HĐND đều cụ thể, rõ ràng, kèm theo phụ lục các cam kết của UBND và các đơn vị liên quan về lộ trình, giải pháp để khắc phục tồn tại, hạn chế được chỉ ra nhằm nâng cao kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm của các cơ quan trong việc thực hiện kết luận. Vì vậy, các nội dung sau chất vấn, giải trình đều có chuyển biến tích cực"- Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn nhận định.
Về hoạt động giám sát, khảo sát chuyên đề, trong năm 2023, HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND và Tổ đại biểu HĐND TP đã tổ chức 37 cuộc giám sát, khảo sát. Thường trực và các Ban của HĐND cấp huyện tổ chức 486 cuộc; cấp xã tổ chức 2.517 cuộc. Số lượng giám sát, khảo sát tăng lên so với năm 2022 nhưng quan trọng là quy trình tổ chức được thống nhất, chất lượng được nâng lên; hiệu quả rõ nét.
Nội dung giám sát được lựa chọn trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những vấn đề quan trọng, cấp thiết, được cử tri, nhân dân quan tâm như giám sát của HĐND, Thường trực HĐND TP về: Dự án chậm triển khai; quản lý tài sản công; cải cách hành chính; chuyển đổi số; lĩnh vực môi trường, xử lý nước thải, rác thải; việc đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tại các khu đô thị…
Thông qua hoạt động giám sát đã đánh giá nghiêm túc việc thực hiện các quy định pháp luật, kịp thời khắc phục các tồn tại, hạn chế, bất cập và từ đó đề xuất thúc đẩy đầu tư, các cơ chế, chính sách trong các lĩnh vực thuộc thẩm quyền của TP như: Chương trình đầu tư cho 3 lĩnh vực giáo dục đào tạo, y tế và tu bổ các di tích văn hoá; cải tạo các biệt thự, việc đầu tư, nâng cấp các công viên, đầu tư các dự án thoát nước, xử lý nước thải, Trạm bơm tiêu Liên Mạc; xây dựng Đề án quản lý khai thác tài sản công; chính sách phát triển nông nghiệp…
Chia sẻ kinh nghiệm trong thực hiện Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 tại địa bàn, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Hoài Đức Trần Văn Nghĩa cho biết, trên cơ sở các quy định về thẩm quyền và hình thức giám sát đã được quy định tại Nghị quyết số 594 và hướng dẫn, chỉ đạo của TP, trong năm 2022, Thường trực HĐND huyện đã xây dựng và ban hành quy trình bộ quy trình nội bộ về giám sát, chất vấn, giải trình, thẩm tra của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND. Nội dung Quyết định đã quy định chi tiết từng nhiệm vụ, bước thực hiện, cơ quan chỉ đạo, cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp, thời gian thực hiện gắn với điều khoản được quy định cụ thể để thống nhất triển khai trên địa bàn.
Với sự nỗ lực, quyết tâm đổi mới, trong năm 2023 Thường trực HĐND huyện Hoài Đức đã thực hiện tốt hoạt động giám sát theo luật định, đảm bảo công khai, dân chủ góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị của huyện và Nghị quyết đã đề ra. HĐND đã tổ chức 2 Đoàn giám sát chuyên đề về xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và cải cách hành chính đối với 19 lượt cơ quan, đơn vị (đạt 100% kế hoạch); Thường trực HĐND tổ chức 5 cuộc giám sát (đạt 166% kế hoạch năm) đối với 62 lượt cơ quan, đơn vị về: Giải phóng mặt bằng đường vành đai 4, thu chi ngân sách, đầu tư công, giám sát việc thực hiện Đề án số 15…
Cùng với đó, Thường trực HĐND huyện tổ chức thành công 1 phiên giải trình về việc giải quyết các kiến nghị của cử tri qua hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND huyện nhiệm kỳ 2021-2026 và 1 phiên chất vấn về công tác quản lý, sử dụng đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích trên địa bàn huyện (đạt 100% kế hoạch); chỉ đạo các Ban HĐND tổ chức giám sát, khảo sát 9 cuộc với 177 lượt cơ quan, đơn vị đảm bảo chất lượng, hiệu quả (đạt 150% kế hoạch)...
Để nâng cao chất lượng hoạt động giám sát theo Nghị quyết 594, Chủ tịch HĐND huyện Hoài Đức cho biết, thời gian tới HĐND sẽ huyện bám sát sự lãnh đạo của Huyện uỷ để xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động nói chung và hoạt động giám sát nói riêng đúng trọng tâm, trọng điểm. Cùng với đó, lựa chọn nội dung, xác định phạm vi và đối tượng giám sát đúng trọng tâm, trọng điểm - tập trung vào các vấn đề trọng tâm, bức xúc mà đại biểu HĐND, cử tri và nhân dân quan tâm.
Đáng chú ý, cần đổi mới phương thức, nội dung giám sát. Giám sát phải phù hợp với từng nội dung, vấn đề, đối tượng, thời điểm; thành phần tham gia Đoàn giám sát phải có hiểu biết lĩnh vực chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn, tránh tình trạng giám sát chung chung mang tính hình thức. Kết luận giám sát đánh giá một cách toàn diện, khách quan, phát hiện vấn đề cốt lõi cần giải quyết; kiến nghị cụ thể xác đáng có tính khả thi. Sau giám sát, cơ quan giám sát cần tiếp tục theo dõi, đôn đốc đến cùng việc thực hiện các kiến nghị để đánh giá đúng kết quả, hiệu lực giám sát.
Đối với những vấn đề sau giám sát còn nhiều vướng mắc, chưa được các ngành, địa phương quan tâm tháo gỡ, giải quyết dứt điểm sẽ được đưa ra giải trình, chất vấn tại các phiên họp của Thường trực HĐND hoặc kỳ họp HĐND để từ đó, đưa ra những biện pháp cụ thể để khắc phục những tồn tại, hạn chế.