Hoạt động hiệu quả của Quỹ Khuyến nông

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhằm hỗ trợ nguồn vốn để người nông dân phát triển sản xuất, Sở NN&PTNT Hà Nội đã thành lập Quỹ Khuyến nông (trực thuộc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội).

 Trong những năm qua, đơn vị này đã có nhiều hoạt động mang lại hiệu quả cao, góp phần tạo dựng các vùng sản xuất nông nghiệp có giá trị kinh tế cao, từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống của người nông dân.

Kinh tế phát triển từ nguồn vốn hỗ trợ

Xã Liên Châu, huyện Thanh Oai là một xã thuần nông. Những năm gần đây, Liên Châu đã tích cực chuyển đổi từ mô hình trồng lúa sang chăn nuôi kết hợp. Một trong những hộ thành công với mô hình này là gia đình anh Lê Văn Trẻo ở thôn Châu Mai, xã Liên Châu. Năm 2013, anh Trẻo mạnh dạn vay 450 triệu đồng từ Quỹ Khuyến nông để đầu tư ao chuồng, xây dựng mô hình nuôi cá kết hợp chăn thả vịt. Sau một năm triển khai, trừ tất cả các khoản chi phí, gia đình anh Trẻo thu lãi gần 600 triệu đồng. Phát huy hiệu quả đã đạt được, từ 30ha ban đầu, gia đình anh tiếp tục mở rộng diện tích chăn nuôi kết hợp lên 80ha. Điều đáng nói, mô hình chăn nuôi kết hợp của gia đình anh Trẻo còn tạo công ăn việc làm cho trên 10 lao động thường xuyên và hàng chục lao động thời vụ, với thu nhập 2 - 3 triệu đồng/người/tháng.
Trồng hoa tại phường Tây Tựu, quận Bắc Từ  Liêm.
Trồng hoa tại phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm.
Mô hình phát triển kinh tế của gia đình anh Trẻo chỉ là một trong khoảng 60 hộ trên địa bàn xã Liên Châu hiện đang làm ăn có hiệu quả từ nguồn vốn vay được từ Quỹ Khuyến nông. Ông Hoàng Văn Dã - Chủ nhiệm HTX chăn nuôi, thủy sản Liên Châu cho biết, thực tế, người dân nơi đây rất mong muốn chuyển đổi
Quỹ Khuyến nông được thành lập năm 2002 với số vốn ban đầu TP cấp là 5 tỷ đồng. Đến nay, tổng nguồn vốn của Quỹ lên tới 121 tỷ đồng. Trong gần 12 năm hoạt động, Quỹ đã giải ngân cho 2.413 lượt hộ vay vốn, với số vốn quay vòng khoảng 346 tỷ đồng, góp phần tạo việc làm thường xuyên cho hàng ngàn lao động nông thôn với mức thu nhập từ 2 - 3 triệu đồng/người/tháng.    
mô hình sản xuất để tăng thêm thu nhập nhưng nguồn vốn không có. Song, mấy năm qua, sự hỗ trợ của Quỹ Khuyến nông đã góp phần tháo gỡ khó khăn này, giúp người dân tiếp cận được với nguồn vốn để đầu tư phát triển sản xuất.

Không chỉ được vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất, các hộ khi tiếp nhận vốn vay từ Quỹ Khuyến nông còn được cán bộ khuyến nông địa phương hỗ trợ đào tạo, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi. Đây là yếu tố quan trọng giúp cho những mô hình sản xuất của các hộ dân đạt hiệu quả cao. Đồng thời, tạo ra một khối lượng hàng hóa lớn cung cấp cho thị trường Hà Nội, các tỉnh, TP lân cận và hướng tới xuất khẩu nông sản chất lượng cao. Theo đánh giá sơ bộ của Trung tâm Khuyến nông về hiệu quả vốn vay, năng suất, sản lượng của các phương án, dự án tăng từ 10 - 30% so với khi chưa được vay vốn Quỹ Khuyến nông. Trong đó, nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp đã đạt từ 400 - 500 triệu đồng/ha canh tác/năm. Bên cạnh các mô hình chăn nuôi kết hợp tại huyện Thanh Oai, Ba Vì, Phú Xuyên, Thường Tín… Quỹ còn hỗ trợ các dự án rau an toàn - cây ăn quả làm cảnh tại quận Hà Đông, vùng hoa Tây Tựu và Đông Ngạc thuộc quận Bắc Từ Liêm… Đánh giá sơ bộ cho thấy, các mô hình này bước đầu đều gặt hái được những kết quả đáng ghi nhận.

Vẫn còn những trăn trở 

Việc thành lập và đi vào hoạt động của Quỹ Khuyến nông thời gian qua đã khẳng định chủ trương đúng đắn của Thành ủy, HĐND - UBND TP Hà Nội đối với việc hỗ trợ phát triển nông nghiệp hàng hóa. Hoạt động của Quỹ còn tạo nên một kênh tài chính lành mạnh, góp phần giảm bớt nạn cho vay nặng lãi gây nên mất ổn định về kinh tế và an ninh chính trị ở nông thôn. Bên cạnh đó, Quỹ còn thúc đẩy nhân rộng các mô hình khuyến nông chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật mới thành vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung như vùng hoa, cây cảnh Tây Tựu, Đông Ngạc, Đại Mỗ (quận Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm), Đông La (Hoài Đức), Hồng Vân (Thường Tín); Vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm ở Đông Anh, Sóc Sơn, Quốc Oai, Hoài Đức, Ba Vì, Chương Mỹ; Vùng nuôi trồng thủy sản ở Thanh Trì, Thanh Oai, Mỹ Đức, Chương Mỹ… Ông Phạm Việt Tường - Trưởng phòng Tổ chức kế hoạch (Trung tâm Khuyến nông Hà Nội) cho biết, so với các nguồn vốn vay khác của Ngân hàng chính sách xã hội, Quỹ giải quyết việc làm của Hội Nông dân… nguồn vốn vay được từ Quỹ Khuyến nông cao hơn (có thể lên tới 500 triệu đồng/cá nhân). Ngoài ra, người vay vốn còn được tập huấn, hỗ trợ sản xuất, thường xuyên được hỗ trợ kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cho người nông dân; phát hiện kịp thời những khó khăn, vướng mắc đối với những hộ vay vốn, báo cáo kịp thời để Ban Quản lý Quỹ tìm hướng giải quyết. Hàng năm, Ban Quản lý Quỹ thường tổ chức từ 2 - 3 cuộc kiểm tra với sự tham gia của lãnh đạo Sở NN&PTNT, Sở Tài chính nhằm theo sát quá trình đầu tư vốn, hỗ trợ kịp thời các hộ vay vốn chịu ảnh hưởng trước thiên tai, dịch bệnh để có hướng xử lý... Đây cũng là biện pháp để Trung tâm Khuyến nông kiểm soát nguồn vốn, đảm bảo vốn vay được sử dụng hiệu quả, đúng mục đích.  

Bên cạnh những thành công bước đầu từ hoạt động của mô hình Quỹ Khuyến nông, ông Nguyễn Hồng Anh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội vẫn trăn trở, nhu cầu vay vốn của các hộ sản xuất rất lớn, nhưng do nguồn vốn của Quỹ có hạn nên nhiều hộ chưa tiếp cận được. Quy trình định mức kinh tế - kỹ thuật xây dựng các mô hình vay vốn chưa được đồng bộ theo từng vùng sản xuất hàng hóa đã ảnh hưởng đến tiến độ thẩm định các phương án vay vốn. Tại một số địa phương, người dân muốn vay vốn nhưng gặp khó khăn vì phải xác định nguồn gốc đất. Hiện tại, người dân mới chỉ được vay mức bằng 70% giá trị tài sản thế chấp, chủ yếu là bất động sản. Tại một số địa phương, tài sản này không thực sự lớn nên lượng vốn người dân vay được cũng còn hạn chế. Mặt khác, thị trường giá cả nông sản không ổn định, trong khi nguyên vật liệu, vật tư phân bón, thức ăn chăn nuôi tăng giá cao làm ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất của các mô hình vay vốn Quỹ Khuyến nông. Đây là những bài toán mà Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cần phải tính tới trong những giai đoạn hoạt động tiếp theo. 

Ông Nguyễn Hồng Anh cho biết thêm, trong thời gian tới, Quỹ Khuyến nông sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền các cấp, tổ chức đoàn thể các địa phương trong quá trình sử dụng, quản lý Quỹ, đảm bảo Quỹ được sử dụng đúng mục đích, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế của địa phương và TP Hà Nội. Trong đó, Quỹ sẽ tập trung cho vay vốn đối với các dự án nông nghiệp công nghệ cao, hỗ trợ các mô hình chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm và xây dựng thương hiệu nông sản nhằm nâng cao giá trị sản xuất hàng hóa cho người nông dân. Để hoạt động của Quỹ Khuyến nông thường xuyên, hiệu quả góp phần phát triển kinh tế chung của TP, nâng cao đời sống nông dân, lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Hà Nội mong muốn Thành ủy, HĐND, UBND TP tiếp tục quan tâm chỉ đạo, bố trí nguồn vốn hàng năm, cũng như xem xét sửa đổi, bổ sung một số điều trong Quy chế quản lý Quỹ Khuyến nông cho phù hợp với thực tế hiện nay, góp phần phát triển hiệu quả mô hình Quỹ Khuyến nông trên địa bàn TP.   

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần