Hoạt động khai thác cát, trung chuyển vật liệu xây dựng: Đụng đâu cũng thấy sai

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Kết quả báo cáo cuối năm của các sở, ngành đều thống kê đã xóa được nhiều tụ điểm khai thác cát trái phép, các bãi chứa, trung chuyển vật liệu xây dựng (VLXD) ven sông, đình chỉ hoạt động hàng loạt các bến đò ngang.

Tuy nhiên, ngay sau đó, hoạt động khai thác cát, các bãi chứa VLXD lấn chiếm hành lang sông lại tái phạm.
 
Vi phạm tràn lan

Để chấn chỉnh hoạt động khai thác cát, tập kết VLXD trái phép, thành phố đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành và tiến hành kiểm tra 45 tổ chức, cá nhân dọc các tuyến sông thuộc quận Hoàng Mai, huyện Gia Lâm, Đông Anh, Đan Phượng. Theo báo cáo kết quả mới được Sở TN&MT Hà Nội công bố cho thấy, tổng diện tích đất sử dụng đất làm bãi chứa, trung chuyển VLXD của 45 tổ chức, cá nhân là 545.560m2. Trong số này, chỉ có 30% diện tích đất có hợp đồng thuê đất đúng qui định. Phần diện tích còn lại là do UBND cấp xã, HTX nông nghiệp dịch vụ tạm giao hoặc cho thuê trái thẩm quyền (chiếm 66%). Đoàn kiểm tra cũng phát hiện chỉ có 12/45 đơn vị, cá nhân có thủ tục pháp lý về môi trường (chiếm 27%); 30/45 đơn vị, cá nhân có giấy phép hoạt động bến thủy nội địa địa (chiếm 67%); 15/45 đơn vị, cá nhân đã có văn bản đình chỉ hoạt động của UBND cấp huyện, cấp xã nhưng chưa thực hiện (chiếm 36%).

Phó Giám đốc SởTN&MT Nguyễn Văn Hùng cho biết, nhiều trường hợp khi kiểm tra dù đã hết hợp đồng thuê đất từ lâu nhưng chính quyền địa phương vẫn bỏ qua cho vi phạm. Cụ thể tại xã Liên Trung (huyện Đan Phượng), khi kiểm tra thì cả 4 hợp đồng thuê đất của Công ty CP Tuấn Quỳnh, Công ty CP Ngọc Hà, Công ty TNHH Chiến Thắng và Công ty TNHH Thành Đô đều đã hết hợp đồng từ cuối năm 2005. Tuy nhiên hàng năm, UBND xã Liên Trung vẫn thu tiền thuê đất của các đơn vị này? Chưa hết, khi kiểm tra các bãi chứa VLXD tại các xã Liên Trung, Trung Châu, Thọ An, Hồng Hà, có tới 7/9 đơn vị tại thời điểm kiểm tra không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc của 19.400m3 cát đen tại bãi chứa… Tại huyện Đông Anh, qua kiểm tra chưa có đơn vị nào thực hiện các thủ tục về môi trường; chỉ có 7/18 đơn vị đang hoạt động bãi chứa và trung chuyển VLXD có giấy phép hoạt động bến thủy nội địa. 2 đơn vị đang hoạt động trên địa bàn xã Vĩnh Ngọc là Công ty TNHH Vĩnh Ngọc (sử dụng 6.104m2 đất bãi) và Công ty CP Xây dựng Sông Hồng (sử dụng 2.900m2 đất bãi) vẫn đang tiếp tục khai thác cát dù UBND huyện Đông Anh đã có văn bản yêu cầu xã Vĩnh Ngọc hủy bỏ hợp đồng và đình chỉ hoạt động…

Thiếu qui hoạch tổng thể

.

Mặc dù, UBND TP. Hà Nội đã nhiều lần chỉ đạo Công an TP, cùng chính quyền hai bên sông kiểm tra, xử lý, bắt giữ tàu hút cát trái phép, thu giữ tang vật nhưng vi phạm vẫn không giảm. Nguyên nhân chính là do chế tài xử lý còn nhẹ. Ông Trần Đăng Hải, Phó chánh Thanh tra Sở GTVT cho biết, qui định cho phép tịch thu tang vật vi phạm nhưng hầu hết tàu thuyền hút cát lại đồng thời là nơi ăn ở của gia đình đối tượng vi phạm. Dó đó, lực lượng chức năng chỉ thu giữ máy bơm, ống hút… và xử phạt hành chính. Phó Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm Nguyễn Kim Vinh cho rằng, đối với tang vật vi phạm, nếu chỉ thu giữ máy bơm, ống hút thì không nghiêm, nhưng nếu làm nghiêm tịch thu cả tàu, có thể sẽ đẩy một gia đình mất chỗ ăn ở đến đến phá sản. Một bất cập nữa, khi tịch thu tàu thì neo giữ phương tiện ở đâu, hay với số cát (tang vật vi phạm), việc tịch thu vượt thẩm quyền của quận, huyện. Xử lý vi phạm này, mỗi địa phương thực hiện một kiểu, trong khi đó, khai thác cát là lĩnh vực siêu lợi nhuận nên nhiều tổ chức, cá nhân tìm mọi cách để được khai thác, kinh doanh.

Đại diện các quận, huyện đều cho rằng, để dẹp được vấn nạn này phải có qui hoạch tổng thể các điểm khai thác cát. Tuy nhiên, dù đã đề xuất thành phố từ nhiều năm nay, nhưng UBND TP chưa giao được cho sở, ngành nào chấp bút. Vì vậy, mong muốn của các địa phương nơi có các tuyến sông đi qua là thành phố sớm có bản qui hoạch tổng thể các điểm khai thác cát, bãi chứa và trung chuyển VLXD. Từ đó mới làm cơ sở để các địa phương, các ngành căn cứ xử lý nghiêm vi phạm, chấm dứt được tình trạng vi phạm tràn lan như hiện nay.

 

Dù không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho thuê đất để làm bãi chứa, trung chuyển VLXD, nhưng nhiều đơn vị, cá nhân lách luật bắng cách xin cấp giấy phép hoạt động bến thủy nội địa. Được mở bến đã tạo ra cho các bãi chứa trái phép này có điều kiện để thu mua VLXD trên sông. Sở đã kiến nghị TP chỉ đạo Sở GTVT phối hợp với Cảng vụ Đường thủy nội địa kiểm tra, rà soát lại việc cấp giấy phép hoạt động bến thủy nội địa.

Ông Nguyễn Văn Hùng Phó Giám đốc Sở TN&MT

Hiện khu vực nhức nhối nhất về khai thác cát trái phép là trên các tuyến sông Hồng, sông Đuống, khu vực xã Xuân Canh, Tầm Xá, Đông Hội (Đông Anh), xã Ninh Sở, Hồng Vân, Thống Nhất (Thường Tín) và một số xã khác thuộc các huyện Đan Phương, Phúc Thọ, Ba Vì, Sơn Tây. Toàn TP có khoảng trên 200 điểm tập kết VLXD, khai thác cát trái phép trong đó hơn một nửa không phép.

Ông Trần Đăng Hải Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT

 

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần