Hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới: Quản thuế bằng cách nào?

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá trị thị trường thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam ngày càng gia tăng, đặc biệt là trong bối cảnh bình thường mới hiện nay. Nhiều cá nhân, tổ chức, nhiều nhà cung cấp nước ngoài… đang “hốt bạc” từ hoạt động này.

Làm sao để thu đúng, thu đủ, hạn chế thất thu ngân sách lĩnh vực còn nhiều dư địa này là câu chuyện đã và đang được các cơ quan quản lý thuế Việt Nam tính toán.

Người tiêu dùng mua hàng trên sàn thương mại điện tử. Ảnh: Thanh Hải  
Người tiêu dùng mua hàng trên sàn thương mại điện tử. Ảnh: Thanh Hải  

Thu nhập trăm tỷ trên nền tảng số nhưng “quên” kê khai thuế

Thông tin từ Tổng cục Thuế, nhiều cá nhân có thu nhập hàng trăm tỷ từ các hoạt động trên nền tảng số như Facebook, Google, YouTube đã bị Cục Thuế Hà Nội và TP Hồ Chí Minh truy thu hàng tỷ đồng. Theo đại diện Cục Thuế TP Hồ Chí Minh, từ năm 2017 đến nay, cơ quan này đã phát hiện và truy thu thuế với hàng loạt cá nhân có thu nhập khủng từ Facebook, Google, YouTube... nhưng "quên" kê khai, nộp thuế.

Cụ thể, năm 2017, cơ quan này đã phát hiện một phụ nữ kinh doanh mỹ phẩm bằng hình thức livestream, nhận tiền qua tài khoản ngân hàng và COD (giao hàng thu tiền hộ) có doanh thu giai đoạn 2013 - 2016 trên 499 tỷ đồng. Do chưa kê khai, chậm nộp thuế, người này bị truy thu và đã nộp số tiền trên 9 tỷ đồng.

 

Hiện nay, nhiều DN đang sử dụng các phương thức giao dịch TMĐT để giảm thiểu các khâu trung gian, giảm chi phí và tăng tốc độ lưu thông hàng hóa. Đồng thời cũng ngày càng nhiều cá nhân sử dụng các mạng xã hội, các trang TMĐT để cung cấp hàng hóa, dịch vụ đến người tiêu dùng. Chính sự phát triển nhanh chóng, bùng nổ cùng nhiều hình thức mới nêu trên của TMĐT trong thời gian qua đã đặt ra những thách thức mới, không nhỏ đối với các cơ quan quản lý Nhà nước, trong đó có cơ quan thuế.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh

Một cá nhân khác sản xuất mỹ phẩm, kinh doanh trực tuyến và là một trong những người cung cấp hàng hoá cho người phụ nữ trên cũng đã nộp số tiền truy thu thuế hơn 1,7 tỷ đồng. Năm 2021 - 2022, có hai cá nhân nộp tiền truy thu thuế trên 8 tỷ đồng mỗi người do có thu nhập từ các chương trình quay clip, phim giải trí trên YouTube, Tiktok.

Tại Hà Nội, có 1.194 cá nhân hoạt động thương mại điện tử, nhận thu nhập từ các tổ chức nước ngoài như Google, Facebook. Tính đến cuối năm 2021, số nộp ngân sách Nhà nước năm 2020 là 134 tỷ đồng, năm 2021 là 129,3 tỷ đồng. Hiện, Cục Thuế TP Hà Nội đã xây dựng cơ sở dữ liệu của 32.084 cơ sở có bán hàng online, 2.307 cơ sở cho thuê nhà, lưu trú để quản lý thuế từ năm 2021.

Thống kê chung từ Tổng cục Thuế, Việt Nam đang có 139 đơn vị chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử. Trong đó 41 sàn bán hàng, 98 sàn cung cấp dịch vụ; 3 công ty đối tác của các nhà cung cấp nước ngoài được thay nhà cung cấp nước ngoài trả tiền cho các tổ chức, cá nhân có giao dịch. Số lượng khách hàng trung bình truy cập các sàn cũng được ước tính tương ứng khoảng 3,5 triệu lượt mỗi ngày.

Quản chặt khai, nộp thuế với nhà cung cấp nước ngoài

Thời gian qua, Bộ Tài chính đã trình các cấp có thẩm quyền ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về quản lý thuế và dịch vụ số xuyên biên giới. Trong đó, ngày 12/11/2021, Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng đã ban hành Quyết định số 2146/QĐ-BTC về Kế hoạch tổng thể thực hiện các giải pháp tại Đề án “Quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT tại Việt Nam” nhằm tăng cường hiệu quả công tác quản lý thuế đối với TMĐT trong nước và xuyên biên giới, chú trọng hoạt động cung cấp dịch vụ số xuyên biên giới của nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam.

Người tiêu dùng mua hàng trực tuyến trên sàn thương mại điện tử. Ảnh: Lê Nam
Người tiêu dùng mua hàng trực tuyến trên sàn thương mại điện tử. Ảnh: Lê Nam

Ngày 21/3/2022, Bộ Tài chính chính thức khai trương Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài nhằm hiện đại hóa công tác quản lý thuế, nhà cung cấp nước ngoài có thu nhập từ Việt Nam có thể thực hiện việc đăng ký, kê khai, nộp thuế tại bất kỳ đâu trên thế giới.

Sau hơn 3 tháng triển khai, đến nay đã có 26 nhà cung cấp nước ngoài lớn (Microsoft, Facebook, Netfix, Samsung, TikTok, eBay…) đã đăng ký thuế, kê khai thuế và nộp thuế với tổng số thuế khoảng 20 triệu USD. Số thu từ hoạt động TMĐT thông qua các tổ chức tại Việt Nam khai nộp thay nhà thầu từ 2018 luỹ kế đến 14/7/2022 là 5.458 tỷ đồng, tốc độ thu bình quân 130%, số thu trung bình khoảng 1.200 tỷ đồng một năm. Trong đó, với Facebook là 2.076 tỷ đồng, Google là 2.040 tỷ đồng, Microsoft là 699 tỷ đồng.

Như vậy, Việt Nam đã trở thành một trong bốn nước đầu tiên khu vực Đông Nam Á thành công trong việc khẳng định quyền quản lý thuế của quốc gia đối với DN nước ngoài kinh doanh TMĐT, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam.

Nhiều thách thức quản lý thuế

Thị trường TMĐT ở Việt Nam đạt khoảng 13,7 tỷ USD năm 2021, tăng khoảng 15% so với năm 2020 và được dự báo có thể đạt 39 tỷ USD vào năm 2025, đưa Việt Nam trở thành nền kinh tế có thị trường TMĐT đứng thứ ba trong khu vực ASEAN. Tuy nhiên, phát triển hoạt động TMĐT và dịch vụ số xuyên biên giới cũng đặt ra nhiều vấn đề, đặc biệt là liên quan đến quản lý thuế do những khó khăn trong quản lý đầy đủ các nguồn thu, đối tượng nộp thuế, xác định căn cứ tính thuế…

Theo ông Nguyễn Việt Anh - chuyên gia quản trị công cao cấp của Ngân hàng Thế giới (World Bank), hiện nay có khoảng 20 quốc gia trên thế giới đã ban hành các quy định đánh thuế đối với các DN kỹ thuật số như Ấn Độ, Anh, Pháp… Công tác quản lý có nhiều tương đồng cũng như khác biệt giữa Việt Nam và thế giới.

Cụ thể, với thuế gián thu, những điểm tương đồng phải kể đến như yêu cầu nhà cung cấp nước ngoài phải đăng ký thuế giá trị gia tăng và kê khai, nộp thuế; hay như việc thực hiện các nghĩa vụ đăng ký, kê khai, nộp thuế thông qua cổng thông tin trực tuyến. Còn về điểm khác biệt giữa Việt Nam với quốc tế, ông Nguyễn Việt Anh chỉ ra đó là sự chênh lệch về thuế suất thuế giá trị gia tăng giữa các nhà cung cấp nước ngoài và các nhà cung cấp trong nước. Ngoài ra, Việt Nam vẫn đang áp dụng miễn thuế đối với hàng hóa có giá trị thấp.

Đối với thuế trực thu, bên cạnh điểm tương đồng với quốc tế về tỷ lệ đánh thuế thì còn có điểm khác biệt là Việt Nam chỉ mới xác định đây là thuế thu nhập DN, trong khi các nước đã ban hành một số sắc thuế mới (thuế cân bằng, thuế kỹ thuật số…). Mặt khác, hiện nay cũng còn hạn chế về số thu khi áp dụng các hiệp định tránh đánh thuế hai lần.

Để quản lý chặt lĩnh vực này, ông Nguyễn Việt Anh khuyến nghị, đối với thuế giá trị gia tăng, cơ quan thuế cần quy định vai trò của nền tảng số, chợ điện tử trong việc kê khai và nộp thuế của các thương nhân hoạt động trên các nền tảng này. Ngoài ra, cần áp dụng thống nhất mức thuế giá trị gia tăng đối với các nhà cung cấp nước ngoài cũng như bãi bỏ việc miễn thuế đối với các hàng hóa có giá trị thấp.

TS Lê Xuân Trường (Học viện Tài chính) cho rằng, cần bổ sung những trường hợp mà sàn giao dịch TMĐT phải có trách nhiệm khấu trừ và nộp thuế thay cho cá nhân. Theo đó, đối với 2 trường hợp sau đây sàn giao dịch TMĐT phải thực hiện kê khai, khấu trừ và nộp thuế thay cho cá nhân: Sàn giao dịch TMĐT thực hiện dịch vụ trung gian thanh toán; sàn giao dịch TMĐT thỏa thuận với cá nhân về việc đặt hàng trực tuyến và sàn giao dịch TMĐT tham gia điều hành, kiểm soát hoạt động giao hàng và thanh toán của người mua cho cá nhân.

 

Đối với thuế trực thu, cần theo dõi chặt chẽ các diễn biến quốc tế xung quanh những thảo luận và thỏa thuận về thuế trực thu với DN kỹ thuật số. Bên cạnh đó, cần dự phòng phương án nếu không có sự đồng thuận về việc đánh thuế các DN kỹ thuật số; rà soát lại các ưu đãi thuế để tránh thất thu thuế từ tác động của thuế suất tối thiểu toàn cầu.

Chuyên gia quản trị công cao cấp của Ngân hàng Thế giới Nguyễn Việt Anh