Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hoạt động trợ giúp pháp lý trong tố tụng: Người dân chưa mặn mà

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Công tác trợ giúp pháp lý (TGPL) Nhà nước chủ yếu để bảo vệ quyền và nghĩa vụ cơ bản cho người nghèo, đối tượng chính sách và nhóm yếu thế trong xã hội. Tuy nhiên, công tác TGPL trong hoạt động tố tụng tại Hà Nội vẫn còn hạn chế.

Hội Luật gia Hà Nội tuyên truyền, trợ giúp pháp lý cho Nhân dân phường Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm). Ảnh: Hương Thu
Số người được TGPL chưa cao
Theo đại diện TAND TP Hà Nội, mặc dù số lượng vụ việc và số người được TGPL đã tăng qua từng năm nhưng số lượng người được hưởng chính sách TGPL chưa cao. Việc phát hiện đối tượng trong diện được TGPL trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính chưa được quan tâm đúng mức. Nhận thức về các nhóm đối tượng được TGPL chưa thực sự thống nhất như trường hợp người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo, người nhiễm HIV nhưng gặp phải khó khăn về tài chính.
Từ ngày 1/1/2016 - 31/3/2019, trong tổng số 1.580 vụ việc tham gia tố tụng có 1.196 vụ việc do trợ giúp viên pháp lý thực hiện, 394 vụ do luật sư cộng tác viên thực hiện.
Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Ngô Anh Tuấn

Chánh án TAND TP Hà Nội Nguyễn Hữu Chính cho biết, nhận thức của người dân về TGPL chưa đầy đủ. Trong khi đó, giấy tờ để chứng minh thuộc đối tượng được TGPL còn nhiều cách hiểu, thủ tục rườm rà, tốn chi phí nên nhiều trường hợp từ chối. Ngoài ra, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TGPL đối với các đối tượng này chưa sâu rộng, đặc biệt ở cấp cơ sở.

Trong khi đó, Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Ngô Anh Tuấn cũng cho hay, Hội đồng Phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng TP Hà Nội đã triển khai nhiều hoạt động và đạt kết quả tích cực. Qua đó, góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm của các ngành thành viên, các cơ quan tiến hành tố tụng, trại tạm giam, nhà tạm giữ trong việc hướng dẫn, giải thích cho người bị tạm giữ, người bị tam giam, bị can, bị cáo biết về quyền được TGPL. Công tác phối hợp giữa Cơ quan Cảnh sát điều tra, Viện KSND, TAND các cấp với Trung tâm TGPL Nhà nước trong việc cử trợ giúp viên pháp lý hoặc luật sư cộng tác viên tham gia tố tụng đã có chuyển biến.

Không để sót đối tượng được TGPL

Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc, với đối tượng hướng tới là những người yếu thế trong xã hội, công tác TGPL đòi hỏi cái tâm của người thực hiện TGPL, từ đó giúp tạo dựng hình ảnh tốt đẹp của Nhà nước, niềm tin vào chế độ trong Nhân dân. Cục TGPL phải phối hợp với các cơ quan tố tụng để phân loại, hướng dẫn các đối tượng hiểu và thực hiện quyền được TGPL để đảm bảo không để sót đối tượng thuộc diện được TGPL. Đặc biệt, cần nâng cao chất lượng, hiệu quả TGPL, tiếp tục xóa ranh giới phân biệt về chất lượng dịch vụ do trợ giúp viên pháp lý cung cấp với dịch vụ do luật sư cung cấp, chú trọng hỗ trợ vụ việc tham gia tố tụng có tính chất phức tạp.

“Tại Hà Nội, kết quả TGPL trong tố tụng còn nhiều hạn chế. Do đó, cần có số liệu thống kê cụ thể về số vụ việc người dân từ chối được TGPL, từ đó phân tích nguyên nhân để điều chỉnh thể chế phù hợp. Bên cạnh đó, các cơ quan tố tụng cần áp dụng hiệu quả các quy định của Luật TGPL, đặc biệt là các quy định mới để mang lại lợi ích cho người dân, đảm bảo không để sót đối tượng được TGPL trong tố tụng. Đặc biệt, cần tăng cường sự phối hợp giữa các thành viên trong Hội đồng Phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng để triển khai hiệu quả, đảm bảo quyền được TGPL của người dân ngay từ ban đầu” - Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc nhấn mạnh.