[Hoạt động từ thiện - hướng đến chuyên nghiệp hóa, đúng luật] Bài 2: Minh bạch, nguyên tắc hàng đầu

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng loạt sao Việt đình đám trong showbiz dính ồn ào "sao kê chiếu mệnh". Những thông tin đó nhanh chóng nhận được sự quan tâm của dư luận, nhiều khán giả bày tỏ sự hoài nghi, cho rằng một số nghệ sĩ đã lợi dụng công việc từ thiện để trục lợi. Trong giới nghệ sĩ, không ít người tiếc nuối vì sau những sự việc trên, lòng tin của khán giả với họ bị xói mòn, nhiều người e dè làm từ thiện.

Cơn sốt sao kê

Nếu search cụm từ “sao kê” trên Google, chỉ trong 0,46 giây đã có 117 triệu kết quả. Cụm từ này bỗng trở nên hot trên mạng xã hội có lẽ cũng bởi liên quan đến việc làm từ thiện của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng, với số tiền quyên góp được lên tới vài chục thậm chí hàng trăm tỷ đồng. Thậm chí, mạng xã hội cũng dậy lên trào lưu chế trailer bộ phim nổi tiếng “Vườn sao băng” của Hàn Quốc thành… “vườn sao kê” với 4 diễn viên chính là các “sao lớn” của showbiz Việt.
 Trấn Thành công khai sao kê từ thiện (Ảnh minh họa)
Trước câu chuyện sao kê tiền từ thiện của các nghệ sĩ đang được quan tâm hiện nay, nhiều khán giả cho rằng, tính minh bạch trong làm từ thiện là điều rất cần thiết. Chưa xét đến chuyện đúng sai nhưng về bản chất, sao kê là một giải pháp cần thiết giúp các nghệ sĩ minh bạch hoạt động thiện nguyện, tạo niềm tin cho xã hội và lan tỏa hình ảnh, uy tín của chính các nghệ sĩ với cộng đồng.

Anh Nguyễn Hà Minh – nhân viên ngân hàng chia sẻ: “Khách quan mà nói, việc làm từ thiện còn thiếu chuyên nghiệp của nhiều nghệ sĩ dẫn đến hệ quả tất yếu của hiện tượng yêu cầu sao kê. Họ huy động được số tiền từ thiện rất lớn nhưng lại hoạt động đơn lẻ, theo cá nhân hoặc một nhóm người. Có nghệ sĩ chứng minh cho việc chi tiêu các hoạt động từ thiện chỉ bằng những mẩu giấy viết tay, không có sự chứng thực của cấp chính quyền. Đồng thời, có nghệ sĩ lợi dụng hoạt động từ thiện để đánh bóng tên tuổi, chậm trễ giải ngân tiền từ thiện đến nửa năm. Thậm chí, trước phản ứng của dư luận, có những nghệ sĩ còn lên mạng xã hội tuyên bố “Nếu không có nghệ sĩ làm từ thiện thì sẽ chẳng có ai khác làm từ thiện”. Tôi cho rằng, những hành động, lời nói đó càng thổi bùng dư luận về việc sao kê của các nghệ sĩ khi làm từ thiện”.

Trên mạng xã hội, nhiều khán giả chia sẻ quan điểm, nghệ sĩ là người của công chúng, người đại diện, cầu nối để những nhà hảo tâm gửi gắm tình cảm, quyên góp, chia sẻ đến hoàn cảnh khó khăn. Vì vậy, nghệ sĩ thực sự làm bằng tâm sáng, “vàng không sợ lửa” thì không phải mất ăn, mất ngủ. Anh Trần Mạnh Đức (Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ: “Việc thực hiện sao kê với những phân tích, liệt kê rõ ràng mục đích và thời điểm thu/chi là cơ sở minh bạch, chỗ dựa pháp lý vững chắc để đối chiếu với những ý kiến trái chiều. Theo đó, thực hiện sao kê không phải chỉ là vấn đề về niềm tin hay nghi ngờ, mà nó còn thể hiện tinh thần thiện chí, danh dự và sự tôn trọng dành cho những nhà hảo tâm gửi gắm niềm tin của họ vào một cá nhân, tổ chức nào đó”.

Theo dõi nhiều lùm xùm gần đây trong hoạt động từ thiện, nhiều khán giả bày tỏ, trong việc kêu gọi tiền từ thiện, nếu muốn thực sự minh bạch để tránh những rắc rối về sau thì ngay từ đầu các nghệ sĩ nên lường trước hệ lụy với số tiền quyên góp được. Làm từ thiện cũng phải cần chuyên nghiệp để mọi thu chi có chứng cứ, thông tin rõ ràng và có một bộ phận chuyên trách hỗ trợ, thậm chí là về pháp lý để bảo vệ những người làm từ thiện.

Hoạt động thiện nguyện không đơn giản

Đầu tháng 9, MC Đại Nghĩa cũng công bố sao kê các hoạt động từ thiện của anh, trong đó có việc giải ngân số tiền 3 tỷ đồng được Trấn Thành chuyển vào năm 2020. Nhiều năm nay, Đại Nghĩa làm từ thiện với tài khoản mang tên “Tài khoản An Vui” chứ không sử dụng tài khoản cá nhân. Nam MC khẳng định anh luôn cố gắng sao kê đầy đủ trong khoảng thời gian sớm nhất có thể.
Các hoạt động trong chuyến từ thiện miền Trung 2020 đã được anh công bố sao kê vào năm ngoái, đến bây giờ anh công bố lại để đảm bảo minh bạch. Điều này có thể xác nhận qua các bài đăng trên trang cá nhân của Đại Nghĩa trong thời gian qua. “Khi mọi người đóng góp tiền vào cho mình, họ có quyền yêu cầu để kiểm soát đồng tiền của họ gửi gắm đưa đi những đâu, làm những gì. Chính vì thế, trên trang cá nhân, Nghĩa luôn cập nhật thông tin, hình ảnh để mọi người thấy minh bạch” – MC Đại Nghĩa chia sẻ.

Với gần 50 năm hoạt động từ thiện, NSND Kim Cương vẫn trung thành tiêu chí minh bạch, công khai. Bà là người trực tiếp đi vận động các nhà hảo tâm, DN... Khi họ đóng góp bà đều đề nghị chuyển hết vào quỹ của Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP Hồ Chí Minh. Từ quỹ đó, bà muốn chi ra 1.000 đồng, 2.000 đồng cũng đều phải có hóa đơn, chứng từ đàng hoàng nộp cho kế toán. Lý giải việc không dùng tài khoản cá nhân để tiếp nhận tiền, nghệ sĩ Kim Cương nói: "Việc thông qua một quỹ rõ ràng giúp mình không gặp rắc rối trong việc thu chi".

Rõ ràng, việc quản lý, chi tiêu số tiền lớn là một công việc không hề đơn giản, nhất là khi số tiền quyên góp được lên tới hàng trăm tỷ đồng và đến từ rất nhiều nguồn, nhiều người khác nhau với mục đích đóng góp để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Do đó, công việc này đòi hỏi phải có quá trình khảo sát, đánh giá tình hình thực tế, cần tính toán để cân đối và tìm ra hình thức, mức hỗ trợ phù hợp từng đối tượng sao cho hợp lý, hợp tình.

Sau những loạt ồn ào từ cộng đồng mạng, vợ chồng ca sĩ Thuỷ Tiên và Công Vinh đã công bố hơn 18.000 trang sao kê về số tiền hơn 177 tỷ đồng trong tài khoản từ thiện miền Trung. Trên trang cá nhân vào chiều 17/9, ca sĩ Thủy Tiên thừa nhận còn thiếu sót trong việc làm từ thiện nên sẽ làm từ thiện với tư cách cá nhân và không kêu gọi quyên góp nữa. Những ồn ào liên quan đến cụm từ “Thủy Tiên sao kê” trên mạng xã hội, theo thời gian sẽ dần lắng xuống nhưng những kinh nghiệm được rút ra, có lẽ sẽ không chỉ bổ ích cho Thủy Tiên mà còn cho nhiều sao Việt khác.

Có thể khẳng định rằng, mọi hoạt động từ thiện đều đáng quý nhưng chưa bao giờ việc là đơn giản, dễ dàng. Sau những chuyện lùm xùm về từ thiện bùng lên trong những ngày qua đã tạo nên một sự xói mòn lòng tin của công chúng với nghệ sĩ. Khán giả mất lòng tin vào nghệ sĩ, nghệ sĩ nghi kỵ lẫn nhau, nghệ sĩ e dè chuyện làm từ thiện... và cuối cùng, người thiệt thòi nhất vẫn là những người nghèo khó trong xã hội.

(Còn nữa)
Theo quy định của pháp luật hiện hành, việc vận động, tiếp nhận, phân bổ sử dụng nguồn đóng góp từ thiện thực hiện theo Nghị định 64/2008/NĐ-CP của Chính phủ và thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính. Theo đó, việc vận động, tiếp nhận, phân bổ sử dụng tiền, hàng, phải được thực hiện kịp thời, đúng mục đích, đúng đối tượng, minh bạch, công khai. Pháp luật nghiêm cấm hoạt động cứu trợ, thiện nguyện để vụ lợi; nghiêm cấm việc gian lận, báo cáo sai sự thật để chiếm đoạt, sử dụng trái phép tiền, hàng của tổ chức, cá nhân quyên góp.
Làm từ thiện chuyên nghiệp cần phải học, phải có nhiều kỹ năng. Chính vì thế, cách tốt nhất để không phải lo lắng về sao kê, giải trình là hãy dùng sức ảnh hưởng của mình để đứng ra vận động quyên góp cho các quỹ chuyên nghiệp. Khi ấy, nghệ sĩ không còn phải lo lắng gì về việc thu chi, sao kê.

Chị Phạm Thị Hà Vân (Đống Đa, Hà Nội)

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần