“Sốc” với con trẻ Có cô con gái nhỏ mới học lớp 5, chị Hương (Q. Hải Châu, Đà Nẵng) đã không ít lần “sốc” với những biểu hiện như người lớn của con trẻ. Mới đây, chị “choáng” khi con gái mang cuốn sách “tâm lý tuổi dậy thì” về đưa tận tay mẹ và nói như người lớn: “Con mượn của bạn về đề mẹ đọc sách này và hướng dẫn cho con”. Ngay cả giáo viên cũng “sốc” với những trao đổi của học trò. Chị Như, GV chủ nhiệm lớp 6 ở một trường THCS trung tâm TP Đà Nẵng chia sẻ: “Quan tâm đến học trò, chú ý nghe các em trò chuyện, nhiều lúc sốc lắm. Các cháu nói chuyện rất người lớn, dùng những từ ngữ nói về các biểu hiện sinh lý tuổi dậy thì như “đèn đỏ” hết sức thuận miệng. Cả những trao đổi về chuyện…tình cảm. Bạn không tưởng tượng nổi đâu”. Nhiều phụ huynh có con em ở lứa tuổi này thường than phiền rằng ngày trước mới đó cháu còn quấn quít bố mẹ lắm. Vậy mà giờ hình như cháu thích ở nhà hơn là đi chung với bố mẹ ra ngoài. Chuyện gì cũng tíu tít với bạn bè, chẳng hề còn chuyện ở trường bị bạn “quẹt” trúng tay một cái cũng về nhà mách lại như hồi cháu còn nhỏ. Không ít bà mẹ cảm thấy “tủi thân và lo lắng” như chị Thu, cùng là phụ huynh có con chuẩn bị vào lớp 6: “Con thân thiết với bạn hơn bố mẹ và cũng ít vâng lời hơn”. Việc học tập của con em khi trẻ chuẩn bị chuyển cấp từ Tiểu học sang THCS càng “đau đầu” hơn. Anh Ngọc chia sẻ về cậu con trai: “Nhiều khi phải kiềm lắm mới dừng được việc nặng tay đánh con. Sợ cháu chuyển cấp học khó. Vậy là hè, bố mẹ thay phiên chở con đi học thêm. Nhưng bữa nào cũng làm một “cuộc vận động lớn” cháu mới chịu đi học. Nhắc cháu học bài ở nhà còn khó khăn hơn. Bố mẹ mắng thì cháu vẫn “dạ” đó nhưng rồi vẫn chứng nào tật nấy. Bực lắm!”… “Lạt mềm buộc chặt” Đó là lời khuyên của TS. Nguyễn Thị Hoa - Giám đốc Trung tâm ứng dụng, Viện Tâm lý GD Việt Nam trong buổi hội thảo dành cho giáo viên trung học và phụ huynh có con em chuẩn bị vào lớp 6 được tổ chức gần đây tại Đà Nẵng. Theo chuyên gia tâm lý này, nhưng thay đổi của trẻ khiến phụ huynh lo lắng thực ra đều là những biểu hiện bình thường của lứa tuổi. Trẻ đang ở tuổi muốn tự khẳng định mình. Trẻ cần bố mẹ và mọi người xung quanh hiểu rằng trẻ đã bắt đầu có suy nghĩ riêng. Ở tuổi này, nhu cầu giao tiếp cao hơn nên việc các cháu gặp gỡ, trao đổi với bạn bè nhiều hơn là bình thường. Hơn nữa, bạn bè cùng trang lứa nên dễ hiểu và dễ chia sẻ với nhau hơn, nhất là những chuyện mà phụ huynh xem là chuyện trẻ con, nhưng trẻ lại xem đó là chuyện lớn. Thay vì cấm cản, hay buộc con chơi với bạn này, không chơi với bạn kia, phụ huynh nên “lạt mềm buộc chặt”, gần gũi với con cái nhiều hơn, đặt niềm tin ở con và trở thành người bạn đáng tin cậy để con chia sẻ nhiều hơn. Chia sẻ về đề tài này, ông Nguyễn Đăng Ngưng - Trưởng phòng GD Q. Hải Châu (Đà Nẵng) lưu ý đến phụ huynh: Chuyển cấp học, học sinh lớp 6 vừa phải làm quen với môi trường học mới, vừa phải tiếp thu kiến thức cách mới. Thay vì chỉ có một giáo viên như ở bậc tiểu học, các em phải học cùng lúc nhiều giáo viên. Mỗi giáo viên mỗi gióng nói, tiếng địa phương cũng là một vấn đề. Thêm nữa, mỗi giáo viên mỗi cách dạy. Các môn học nhiều hơn và nội dung kiến thức môn học cũng phong phú hơn. Do đó, đừng lo lắng khi trẻ học tập sa sút. Thực tế, có nhiều phụ huynh thấy con học hành sa sút thì lại cuống quýt cho con đi học thêm. Có môn học, thời lượng học thêm gấp 3-4 lần thời lượng của giờ học ở trường. Như vậy, nhiều khi vô tình tạo áp lực học hành cho con cái, khiến trẻ cám thấy việc học là một gánh nặng và mất hứng thú. Phải cùng thừa nhận là nhiều phụ huynh chỉ quan tâm bài kiểm tra ở trường con mình đạt bao nhiêu điểm, mà chưa quan tâm đến những vấn đề khác, những khó khăn mà con gặp phải ở môi trường học mới. Nên hiểu và cùng con tháo gỡ những khó khăn khi bước vào cấp học mới. Thay vì cho con đi học thêm thì nên học cùng con, hướng dẫn con kỹ năng tự học, ý thức tự học. Mỗi học sinh có mỗi năng lực học tập khác nhau, đừng ép trẻ đạt thành tích như phụ huynh mong đợi, mà ở bên con, giúp con có được thành tích tốt nhất có thể trong khả năng của con, trong học tập, và cả trong nhận thức.