Ảnh minh họa |
PGS.TS Phạm Mạnh Thắng – Phó Chủ nhiệm Khoa Cơ học kỹ thuật và tự động hóa, trường Đại học (ĐH) Công nghệ - ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, KTĐK&TĐH đảm bảo cho việc điều khiển một cách nhanh chóng, chính xác, đạt hiệu suất cao với các dây chuyền sản xuất phức tạp. Nhờ ứng dụng của KTĐK&TĐH, các thao tác của con người được thay thế hoàn toàn bằng máy móc, robot. Tại trường ĐH Công nghệ, năm học 2019 – 2020 ngành KTĐK&TĐH bắt đầu được tuyển sinh và đào tạo. Sinh viên học ngành mới này sẽ được trang bị kiến thức về điều khiển các thiết bị và hệ thống tự động. Cùng với đó là các hệ thống điều khiển nhúng, lập trình cho các bộ điều khiển công nghiệp PLC, kỹ thuật vi điều khiển, hệ thống SCADA. Sinh viên KTĐK&TĐH còn được cung cấp kiến thức chuyên sâu cả phần cứng và phần mềm của trang thiết bị tự động hóa công nghiệp – đây là một trong những lợi thế khi ra trường làm việc đúng ngành.Trong khóa học ngành KTĐK&TĐH, sinh viên được học tập với các trang thiết bị hiện đại tại các phòng thí nghiệm theo thực tế công nghiệp cộng với sự chỉ dẫn của các thầy cô nên khi ra trường hoàn toàn có thể hòa nhập được vào môi trường công việc. Hiện nay, theo thống kê từ các trường ĐH trong khối công nghệ và kỹ thuật, KTĐK&TĐH luôn là ngành “hot” và có điểm đầu vào tương đối cao. Sinh viên tốt nghiệp ngành KTĐK&TĐH của trường ĐH Công nghệ có thể công tác tại các DN trong và ngoài nước, các khu công nghệ cao ở vị trí kỹ sư đến trưởng nhóm kỹ thuật để vận hành dây chuyền sản xuất công nghiệp. Sinh viên tốt nghiệp ngành KTĐK&TĐH cũng hoàn toàn có khả năng làm việc tại các viện nghiên cứu, trường ĐH với định hướng chuyên sâu về tự động hóa.