Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Học nghề để có tương lai!

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian học nghề ngắn chỉ 2 - 2,5 năm nhưng người học lại dễ kiếm việc làm ổn định, với thu nhập cao. Vì thế, đã có không ít thí sinh trúng tuyển đại học (ĐH) nhưng quyết định đi học cao đẳng (CĐ) để có nghề trong tay mong có tương lai bền vững.

Trúng tuyển đại học vẫn đi học nghề
Những năm gần đây, giáo dục nghề nghiệp (GDNN) ở Việt Nam đã có sự phát triển, số lượng tuyển sinh tăng dần. Điều này thể hiện rõ ở năm 2016 cả nước tuyển sinh được hơn 2 triệu người, đến năm 2017 - 2018 tăng lên thành 2,2 triệu người/năm; trong đó trình độ CĐ và trung cấp (TC) đạt hơn 540.000 người, cao gấp 3 lần năm trước.
Với sự thay đổi nhận thức về phát triển kỹ năng đào tạo nghề nghiệp của xã hội, dự kiến năm 2019, tuyển sinh GDNN sẽ đạt trên 2,26 triệu người, vượt kế hoạch của Tổng cục GDNN đặt ra.
 Sinh viên Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội trong giờ thực hành. Ảnh: Phạm Hùng
Một ghi nhận khác trong sự thay đổi của GDNN, đó là trước đây khi các trường ĐH tuyển sinh xong, những học sinh bị trượt mới bắt đầu đăng ký học CĐ, TC. Tuy nhiên, mấy năm nay, nhất là năm 2019 này, từ cuối tháng 7 và đầu 8, đã có trường CĐ đã tuyển đủ, thậm chí vượt 10% so với chỉ tiêu của cùng kỳ năm trước.
Không chỉ thế, chất lượng đầu vào của các trường cũng được nâng lên, một số ngành đào tạo CĐ có điểm trúng tuyển cao hơn ĐH khiến nhiều người hết sức bất ngờ. Đơn cử, trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng xác lập kỷ lục có điểm chuẩn cao nhất trong hệ thống tuyển sinh GDNN. Nhà trường tuyển 2.700 chỉ tiêu cho 10 ngành, đến cuối tháng 7 đã có hơn 10.000 hồ sơ đăng ký, thậm chí, rất nhiều thí sinh có tổng điểm 3 môn đạt trên 20. Công nghệ kỹ thuật ô tô vượt lên đầu 9 ngành khác với mức điểm trúng tuyển “khủng” 25,25 (môn Toán nhân 2).
Trường CĐ Kinh tế đối ngoại cũng chẳng kém cạnh khi xét tuyển sinh dựa vào kết quả thi THPT Quốc gia 2019 thu hút được 7.000 hồ sơ đăng ký trên tổng chỉ tiêu 3.000, nhập học đạt 106%. Đáng phấn khởi, nhiều thí sinh đạt mức điểm từ 22,95 đến 23,7 điểm, dư sức đỗ ĐH nhưng vẫn nộp hồ sơ vào học CĐ bởi các em có niềm đam mê và xác định đi học nghề ngay từ đầu.
Năm nay, một số cơ sở GDNN khác cũng xác định chuyển sang tuyển sinh dựa trên kết quả kỳ thi THPT Quốc gia 2019 nhằm nâng chất lượng đầu vào thay vì xét học bạ THPT, nhiều trường CĐ thu hút rất đông thí sinh đăng ký với điểm trúng tuyển cũng cao hơn. Trường CĐ nghề Bách khoa Hà Nội còn có sàn cho các ngành Kỹ thuật, Kinh tế, tương ứng 16,2 đến 16,8 điểm 3 môn.
Đồng thời, thay đổi xét tuyển theo nguyện vọng cho từng ngành để chọn được thí sinh đam mê với nghề nhất. Kết quả, với 4.500 hồ sơ đăng ký, trường CĐ nghề Bách khoa Hà Nội tuyển 2.300 chỉ tiêu. Trường CĐ nghề Cơ điện Hà Nội cũng tuyển sinh có phổ điểm trung bình là 16 - 17 điểm 3 môn, cao hơn năm trước từ 1 - 2 điểm.
Và rất nhiều thí sinh đạt 23 - 24 điểm 3 môn. Trường CĐ nghề Công nghệ cao Hà Nội, CĐ nghề Công nghiệp Hà Nội cũng đã xét tuyển đủ chỉ tiêu từ cuối tháng 9, với điểm trúng tuyển cao hơn năm trước. Đặc biệt, ghi nhận sự nổi bật ở năm nay, có nhiều thí sinh đủ điểm vào ĐH nhưng vẫn chọn học CĐ, cho thấy sức hút của trường nghề đang lên.
Cơ hội lương cao
Sở dĩ những cơ sở GDNN xét tuyển sinh đạt và vượt chỉ tiêu là do trong quá trình đào tạo, nhà trường tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên (HS, SV) đi làm thêm. Trước khi tốt nghiệp, người học lại được trường cung cấp thông tin, giới thiệu tới các DN đang có nhu cầu tuyển dụng.
Thậm chí, không ít trường ngay từ đầu khóa đã ký cam kết với người học đảm bảo 100% đạt chuẩn đầu ra sẽ có việc làm đúng nghề học với mức lương khá so với thị trường việc làm. Chẳng hạn, trường CĐ nghề Cơ điện Hà Nội ký cam kết SV tốt nghiệp chương trình chuẩn quốc gia được giới thiệu việc làm có lương tháng khởi điểm tối thiểu từ 6 triệu đồng, chất lượng cao 7 triệu đồng, quốc tế 10 triệu đồng. Không chỉ thế, trong thời gian học, những em có kỹ năng sẽ được DN nhận vào làm việc với mức kinh phí hỗ trợ đảm bảo cuộc sống và học hành.
Để có được kết quả này, không ít trường đã xác định “liên kết chặt chẽ nhà trường với DN” là nội dung quan trọng nhất trong ba khâu đột phá phát triển GDNN. Nhà trường phải làm tốt công tác ký kết hợp tác với DN trong trong đào tạo và tuyển dụng. DN sẽ cùng phối hợp, hỗ trợ cơ sở GDNN trong tuyển sinh, xây dựng chương trình và giáo trình, tiếp nhận HS, SV thực tập, tuyển dụng... Và, để hoạt động hợp tác với DN một cách chuyên nghiệp, nhiều cơ sở GDNN đã thành lập Trung tâm/Ban Hỗ trợ việc làm và quan hệ DN.
Đến nay, trường CĐ nghề Công nghiệp Hà Nội xây dựng được mối quan hệ hợp tác với 300 DN giúp cho 85% HS, SV tốt nghiệp hệ TC, CĐ năm 2018 có việc làm ngay khi tốt nghiệp với mức lương khởi điểm 5,5 - 6 triệu đồng/tháng.
Một số ngành nghề, sinh viên tốt nghiệp đi làm có mức lương lên tới 10 - 15 triệu đồng/tháng. Các trường CĐ nghề Công nghệ cao Hà Nội, Cơ điện Hà Nội... cũng hợp tác với rất nhiều DN, tập đoàn trong và ngoài nước để tuyển dụng người học vào làm việc với mức thu nhập khá cao cùng các chế độ chính sách khác.
Cùng với bàn đạp của nhà trường cộng với sự cố gắng, nỗ lực vươn lên, không ít HS, SV ra trường đi làm một thời gian đã vươn lên vị trí quản lý, giám sát, giám đốc bộ phận trong DN... Lại có những em tự khởi nghiệp bằng mở công ty sản xuất kinh doanh để tạo việc làm cho mình, người thân và những lớp HS, SV khóa sau.
Có thể kể đến Đặng Văn Tăng - cựu sinh viên học khóa 25, khoa Điện tử, trường CĐ nghề Công nghiệp Hà Nội hiện đang là Giám đốc Công ty CP Thương mại TTT Việt Nam; Nguyễn Tuấn Anh - cựu sinh viên K3, hệ CĐ, ngành Điện tử - Tự động hóa, trường ĐH Công nghiệp Hà Nội hiện đảm nhiệm vị trí Phó Giám đốc Công ty Đầu tư Thương mại T&L, đồng thời là ông chủ Trung tâm máy vi tính Tuấn Anh tại khu phố Nguyên Khê, huyện Đông Anh...
Từ những thành công, các cựu sinh viên đã quay về trường để truyền đạt những kinh nghiệm, kiến thức thực tế cho lớp đàn em cũng như hợp tác với nhà trường trong việc tiếp nhận thực tập và tuyển dụng.
Liên kết “đào tạo theo địa chỉ” để người học ra trường làm việc được ngay đang là xu hướng của rất nhiều trường bởi tạo ra giá trị lợi ích cho nhà trường - DN - học viên, với tỷ lệ có việc làm đạt trên 90%. Cùng với đào tạo chương trình chính quy, nhiều cơ sở GDNN bắt đầu chuyển hướng sang đào tạo chất lượng cao, quốc tế để đáp ứng nhu cầu thị trường và người học có nhiều cơ hội lựa chọn việc làm lương cao.
Hiện, Tổng cục GDNN đang triển khai thí điểm đào tạo 22 nghề chất lượng cao, cấp độ quốc tế theo chương trình chuyển giao từ Đức tại 45 trường. Khi hoàn thành chương trình, sinh viên đạt yêu cầu sẽ được cấp 1 bằng tốt nghiệp của Việt Nam và 1 bằng của Đức, để có cơ hội làm việc ở nước ngoài với mức lương tháng 70 - 80 triệu đồng, cũng là giải pháp thu hút số người đến với trường nghề nhiều hơn.

Cha ông ta đã nói “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, có tay nghề là có tương lai, mà hơn thế lại ổn định và bền vững. Vì thế, không quan trọng là học ĐH hay học nghề, các bạn trẻ hãy lựa chọn nghề theo xu thế, năng lực, sở trường của mình. Các bố, mẹ đừng gây áp lực cho con, bắt theo ngành này, ngành kia, học ĐH hay đi du học. Bố mẹ hãy định hướng cho con theo học ngành, trường đúng với năng lực, sở trường một cách cụ thể, rõ ràng thì con cái sẽ có tương lai.