Đăng ký học nghề để chuyển đổi công việc
Hỗ trợ đào tạo nghề giúp NLĐ thất nghiệp sớm quay trở lại thị trường lao động là một trong 4 quyền lợi khi tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Bởi vậy, từ tháng 3/2022, ngay sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát tốt, Trung tâm DVVL Hà Nội - Sở LĐTB&XH Hà Nội đã tổ chức các lớp học nghề cho đối tượng NLĐ thất nghiệp.
Ghi nhận của phóng viên, buổi học nghề Kỹ thuật pha chế đồ uống tại Trung tâm DVVL Hà Nội (số 215 phố Trung Kính, quận Cầu Giấy) diễn ra trong không khí sôi nổi. Học viên là những NLĐ đang hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) ở nhiều độ tuổi khác nhau, đến từ các quận, huyện trên địa bàn TP.
Hôm nay, thầy Đỗ Văn Tuyên dạy lý thuyết bài học pha chế trà đào, trà đào cam sả, trà Malibu và hướng dẫn học viên thực hành. Sau đó, các học viên mang sản phẩm của mình mời mọi người thưởng thức và cho ý kiến góp ý về hương vị đồ uống.
“Các anh chị là những đối tượng đã đi làm việc nên tiếp thu lý thuyết rất nhanh; lúc đầu, trong quá trình thực hành còn nhiều lúng túng nhưng sau đó cải thiện dần. Cơ bản nhất là chúng tôi hướng dẫn cách thức thực hành, thao tác trong quá trình pha chế” - thầy Đỗ Văn Tuyên cho hay.
Vừa pha chế cốc trà đào cam sả, chị Công Kim Thanh đến từ quận Tây Hồ, Hà Nội, bộc bạch: "Trước đây, tôi là nhân viên kinh doanh của một DN phân phối thiết bị vệ sinh. Năm 2021, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, doanh thu của công ty giảm, thu nhập thấp nên tôi xin nghỉ làm.
Khi đi làm thủ tục nhận tiền hỗ trợ BHTN, tôi đăng ký học nghề pha chế đồ uống. Tôi thấy việc học nghề hiệu quả vì được thầy giáo tận tình hướng dẫn cách nhận biết, lựa chọn nguyên liệu và thực hành pha chế thuần thục. Hai tháng trước, tôi đi tìm địa điểm ở khu vực phố đi bộ Trịnh Công Sơn mở quán bán nước ép trái cây để chuyển đổi công việc".
Một số học viên đang theo học các lớp pha chế đồ uống cũng cho biết có ý định kinh doanh đồ uống online, mở quán hàng tại nhà hoặc thuê cửa hàng. Vì thế, các học viên mong được Trung tâm và giáo viên tư vấn chọn địa điểm, tính toán chi phí mở quán, quảng bá hình ảnh tới khách hàng.
Về nội dung này, Phó Trưởng phòng Dạy nghề - Trung tâm DVVL Hà Nội Mai Chung Chiển phản hồi: Những người yêu thích nghề Kỹ thuật chế biến món ăn, Kỹ thuật pha chế đồ uống muốn thuê địa điểm bán trà, cà phê, khi cần tư vấn đều được chúng tôi hỗ trợ. Còn ai có nhu cầu đi thì chúng tôi giới thiệu. Hiện nay, học viên đi làm phụ bếp có mức lương 6 - 8 triệu đồng/tháng; bán hàng ăn uống online thu nhập 200.000 - 300.000 đồng/ngày, tùy theo số món được chọn bán.
Học viên được giới thiệu việc làm phù hợp
Trong 9 tháng đầu năm 2022, Trung tâm DVVL Hà Nội tiếp nhận gần 53.000 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp. Và có khoảng 1.200 NLĐ nộp hồ sơ để hưởng quyền lợi học nghề dành cho lao động thất nghiệp từ chính sách BHTN. Tại Trung tâm DVVL Hà Nội, từ đầu năm 2022 đến nay có 671 NLĐ đăng ký học nghề.
Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Thanh Liễu cho biết, các ngành nghề dành cho NLĐ đăng ký tham gia học rất đa dạng, gồm khoảng 20 nghề do Trung tâm và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn TP đã được cấp phép tổ chức đào tạo, để đáp ứng nhu cầu của NLĐ cũng như giảm thiểu thời gian đi lại của họ.
Riêng Trung tâm DVVL Hà Nội được phép đào tạo 5 nghề: Kỹ thuật chế biến món ăn, Kỹ thuật pha chế đồ uống, Tin học văn phòng, May công nghiệp, Sửa chữa xe máy. Hiện nay, nghề Kỹ thuật pha chế đồ uống được nhiều NLĐ đăng ký học, tiếp đến là nghề Kỹ thuật chế biến món ăn, Lái xe, Làm bánh.
Theo Quyết định số 17/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, mức hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động hưởng BHTN được tăng từ 1 triệu lên 1,5 triệu đồng/người/tháng.
Bà Vũ Thanh Liễu cho biết, Trung tâm tổ chức đào tạo theo quy định của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp về thời gian, tỷ lệ học lý thuyết - thực hành. Mức kinh phí hỗ trợ học nghề tăng lên là phù hợp với giá cả thị trường; đồng thời Trung tâm có điều kiện mua thêm nguyên vật liệu để học viên được thực hành nhiều lần hơn đảm bảo thuần thục. Ngoài ra, chương trình học nghề cũng được điều chỉnh với nội dung đa dạng hơn để hấp dẫn người học và phù hợp với thị trường.
Không chỉ đào tạo nghề cho lao động hưởng chính sách BHTN và NLĐ tự do, Trung tâm DVVL Hà Nội còn gắn kết tạo việc làm cho học viên sau khi kết thúc khóa học. Cụ thể, tại những buổi lễ tốt nghiệp khóa học nghề, Trung tâm DVVL Hà Nội thường mời các DN có nhu cầu tuyển dụng lao động làm ở vị trí gắn với nghề NLĐ đã học, để cung cấp thông tin về vị trí việc làm, mức lương và học viên có nhu cầu thì đăng ký.
Ngoài ra, cán bộ Trung tâm DVVL cũng sẽ tới lớp học để cung cấp thông tin thị trường lao động; thông báo về những phiên giao dịch việc làm giúp NLĐ đến tiếp cận nhiều DN và tham gia ứng tuyển, nhằm sớm quay trở lại thị trường lao động.
"Để thu hút NLĐ thất nghiệp tham gia học nghề, Trung tâm DVVL Hà Nội thường xuyên tuyên truyền về chính sách BHTN để NLĐ biết đến và đăng ký học nhiều hơn; qua đó, giúp họ chuyển đổi và tìm kiếm việc làm nhanh hơn. Đồng thời, Trung tâm thông tin tới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn TP để đăng ký đào tạo nghề cho lao động BHTN.
Như vậy, NLĐ có nhiều cơ hội lựa chọn ngành nghề học và giúp giảm thiểu việc đi lại. Chúng tôi cũng sẽ nghiên cứu xây dựng chương trình đào tạo nghề phù hợp với thị trường lao động và NLĐ để tăng sức hút có nhiều người đi học nghề và chất lượng đào tạo tốt hơn." - Phó Giám đốc Trung tâm DVVL Hà Nội Vũ Thanh Liễu
"Trước đây, tôi làm việc tại công ty dược nhưng dịch bệnh khó khăn nên đã xin nghỉ làm. Đây là lần thứ hai tôi được hưởng chính sách BHTN (lần 1 hưởng 6 tháng, lần 2 hưởng 5 tháng); và lần này tôi đăng ký học nghề Kỹ thuật chế biến món ăn.
Sau khi học xong, tôi được thầy Mai Chung Chiển giới thiệu vào làm phụ bếp tại nhà hàng chay trên địa bàn quận Cầu Giấy, với mức thu nhập 8 triệu đồng/tháng, được bao 2 bữa ăn trưa và tối. Công việc tuy nhiều nhưng tôi rất vui vì có việc làm, thu nhập, môi trường làm việc hòa đồng, mọi người quan tâm, yêu mến nhau." - Người lao động Nguyễn Thị Mỹ (phường Mỗ Lao, quận Hà Đông, Hà Nội)
Khi NLĐ thất nghiệp được hưởng các quyền lợi, chế độ hỗ trợ của chính sách BHTN. Đó là, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHTN của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp. Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng BHTN.
Bên cạnh đó, NLĐ được hưởng thẻ bảo hiểm y tế; được tư vấn hỗ trợ tư vấn giới thiệu việc làm miễn phí; được hỗ trợ học nghề (mức hỗ trợ tối đa 1,5 triệu đồng/tháng, được tính theo tháng, tùy từng ngành nghề; thời gian NLĐ được hỗ trợ học nghề theo thời gian học nghề thực tế nhưng không quá 6 tháng).