Đào tạo “công dân toàn cầu”
Hiện, Hà Nội đã thực hiện thí điểm 18 trường công lập CLC, trong đó có 13 trường CLC toàn phần và 5 trường CLC từng phần. Theo kế hoạch, tới năm 2015 TP sẽ có khoảng 30 trường đào tạo theo mô hình này để người dân có thêm lựa chọn.
Điển hình là trường THPT Lê Lợi (quận Hà Đông), một trong số những trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao xây dựng theo mô hình điểm trường CLC. Tiếp quản khuôn viên trường THPT chuyên Nguyễn Huệ với tổng diện tích 14.000m2, cùng quyết tâm nâng cao chất lượng dạy và học, ông Lê Xuân Trung - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Dự án cải tạo, đầu tư nâng cấp trường THPT Lê Lợi trở thành trường đào tạo đa cấp hiện đại, có yếu tố nước ngoài đang được Sở GD&ĐT Hà Nội đầu tư liên tục trong 3 năm. "Hiện nay, chúng tôi bắt đầu xây dựng, nâng cấp khu nhà hiệu bộ, lớp học, các phòng chức năng, thư viện theo các tiêu chí trường CLC do UBND TP Hà Nội ban hành. Đặc biệt, đầu tư trọng tâm trong giai đoạn này là chất lượng đầu vào của giáo viên các bộ môn. Giáo viên có vai trò quyết định tới chất lượng đào tạo, do đó theo tiêu chuẩn của trường CLC, giáo viên phải có bằng tiến sĩ, thạc sĩ hoặc thủ khoa, tốt nghiệp xuất sắc ở các trường đại học chuyên ngành giáo dục trong và ngoài nước. Nhà trường đang nỗ lực đào tạo theo hướng những học sinh "công dân toàn cầu" không chỉ phát triển về học vấn mà phát triển toàn diện về "đức, trí, thể, mỹ", có khả năng thích ứng và hội nhập trong giai đoạn phát triển của xã hội" - ông Trung bày tỏ.
Tạo công bằng về cơ hội học tập tại các cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao cho mọi học sinh, trên nguyên tắc tự nguyện. Ảnh: Trần Anh
Đủ điều kiện mới cấp phép
Đầu tháng 7, HĐND TP đã thông qua mức trần học phí của các trường công lập CLC mới. Cụ thể, mức trần học phí của cơ sở giáo dục công lập CLC áp dụng tối đa trong năm học 2013 - 2014 đối với trường mầm non và tiểu học là 2,9 triệu đồng/tháng, trường THCS và THPT là 3 triệu đồng/tháng. Đến năm học 2014 - 2015, các mức học phí tương ứng là 3,2 triệu đồng và 3,4 triệu đồng/tháng. Như vậy, với mức trần học phí 3 triệu đồng/tháng trong năm học 2013 - 2014, mức học phí của trường CLC đang cao gấp nhiều lần so với trường công lập bình thường. Điều này khiến người ta băn khoăn, liệu mức học phí cao có song hành chất lượng? Và việc kiểm định chất lượng đào tạo mô hình này ra sao?
Trả lời những băn khoăn này, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, trường công lập CLC phải tuân thủ các quy định về hoạt động của trường công lập. Chất lượng đào tạo và học phí của trường công lập CLC đều phải được TP thẩm định hàng năm. Ngoài ra, trường được thực hiện một số dịch vụ, nâng cao chất lượng đào tạo qua thiết kế môn học, tăng cường các kỹ năng mềm cho học sinh. Đây là mô hình mới sáng tạo thể hiện quyết tâm của Hà Nội trong nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nguyện vọng dựa trên tinh thần tự nguyện của người dân. Hiện nay, theo thẩm định thì chưa có trường CLC nào không bảo đảm điều kiện. Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định, thời gian tới sẽ mời Bộ GD&ĐT tham gia thẩm định, đánh giá chất lượng các trường CLC để bảo đảm khách quan và chỉ khi có đầy đủ điều kiện về cơ sở vật chất, giáo viên, dịch vụ hoàn chỉnh mới được cấp phép hoạt động.
Liên quan tới vấn đề học phí, với các trường chuyển tiếp từ CLC từng phần lên CLC toàn phần, TP sẽ hỗ trợ đến hết năm 2015 để học sinh có thêm thời gian chuẩn bị, lựa chọn. Đồng thời, học phí của cơ sở giáo dục công lập CLC được thu trên nguyên tắc tự nguyện, bảo đảm tương xứng với cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình, phương pháp giảng dạy. Các trường CLC tự chủ toàn bộ chi phí hoạt động, bảo đảm tương xứng giữa chất lượng giáo dục với học phí.