Đề án có mục tiêu ĐH Bách khoa Hà Nội phát triển thành trường đa ngành, đa lĩnh vực theo các chuẩn mực khu vực và quốc tế. Hoạt động tự chủ của trường gắn với trách nhiệm giải trình, bảo đảm các đối tượng chính sách, thuộc hộ nghèo có cơ hội học tập, nghiên cứu tại trường.
ĐH Bách khoa Hà Nội được tự chủ, tự chịu trách nhiệm với 6 nội dung về: thực hiện nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học (NCKH); tổ chức bộ máy, nhân sự; tài chính; chính sách học bổng, học phí; đầu tư, mua sắm; cơ chế giám sát. Về học phí, trường thực hiện cơ chế thu, quản lý theo Quy định của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP. Theo đó, mức thu học phí bình quân tối đa của chương trình đại trà, trình độ ĐH, chính quy là 14 triệu đồng/sinh viên/năm học áp dụng cho năm học 2016 – 2017; 16 triệu đồng/sinh viên/năm học 2017 – 2018 và 18 triệu đồng/sinh viên/năm học 2018 – 2019.Nhà trường quyết định mức trần học phí đối với trình độ đào tạo tiến sĩ bằng 2,5 lần; thạc sĩ bằng 1,5 lần mức học phí bình quân trên. Học phí đào tạo theo phương thức giáo dục thường xuyên không vượt quá 1,5 lần mức học phí chính quy cùng cấp học và cùng nhóm ngành nghề đào tạo. Mức học phí của chương trình chất lượng cao được xây dựng trên cơ sở tương xứng chất lượng đào tạo để trang trải chi phí đào tạo, công khai mức học phí cho người học biết trước khi tuyển sinh.Đối với các trường hợp đã nhập học trước ngày 6/10/2016 – thời điểm quyết định này có hiệu lực thi hành, trường thu học phí không vượt quá 20% mức trần học phí quy định đối với các chương trình đào tạo đại trà trình độ ĐH tại các cơ sở giáo dục công lập chưa bảo đảm kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư theo quy định tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP. Mức tăng tối đa năm sau không quá 30% của năm trước liền kề kể từ thời điểm quyến đình này có hiệu lực thi hành.