Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Học sinh cuối cấp giảm gánh nặng thi cử bằng cách đặt mục tiêu

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Cả tuần kín lịch học, lịch thi và hầu như không có thời gian thư giãn, giải trí là tình trạng mà nhiều học sinh cuối cấp đang đối mặt. Không ít học sinh, phụ huynh than trời vì quá tải nhưng lại không dám buông vì các kỳ thi chính thức đã và đang đến rất gần.

Học chính, học thêm, thi thử, thi thật... là những lí do khiến học sinh bị stress
Học chính, học thêm, thi thử, thi thật... là những lí do khiến học sinh bị stress

Kín lịch vì học và thi

Tuần qua, Nguyễn Mai Anh, học sinh lớp 12 tại quận Cầu Giấy tham dự 2 kỳ thi có ý nghĩa rất quan trọng để lấy kết quả xét tuyển đại học. Ngày 10/3, Mai Anh thi đánh giá năng lực (đợt 1) của ĐHQGHN và ngày 11/3, em tiếp tục tham dự kỳ thi SAT.

Để có kiến thức và đủ tự tin để tham dự 2 kỳ thi này, Mai Anh đã có lịch trình ôn luyện cật lực và dày đặc với các phổ kiến thức rộng. Ngoài các buổi học chính khóa tại trường, Mai Anh học thêm buổi chiều, buổi tối và về tự ôn luyện xuyên đêm.

“Hơn nửa năm qua em không có ngày nghỉ. Em hủy nhiều buổi dự tiệc, ăn sinh nhật, du lịch, du xuân với gia đình, bạn bè và dành ưu tiên tối đa cho việc học. Nhiều khi cảm thấy rất oải, muốn có một buổi chiều để thư giãn cho thoải mái nhưng rồi vẫn là học và học…”- Mai Anh chia sẻ.

Được biết, thi xong 2 kỳ quan trọng nêu trên, nữ sinh này sẽ tiếp tục ôn luyện để đạt kết quả cao tại kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 và tới đây, em muốn thử sức với kỳ thi đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội.

Áp lực thi cử khiến nhiều học sinh cuối cấp bị quá tải
Áp lực thi cử khiến nhiều học sinh cuối cấp bị quá tải

Mới học lớp 5 nhưng có nguyện vọng đỗ vào trường THCS chất lượng cao có tiếng tại quận Cầu Giấy, Nguyễn Mạnh Sơn, học sinh một trường tiểu học tư thục thuộc quận Thanh Xuân được bố mẹ cho ôn luyện rất kỹ lưỡng và không bỏ sót kỳ thi nào.

Tuần học 5 buổi bán trú tại trường cộng 4 ca học thêm (Toán- Tiếng Việt- Tiếng Anh) kín 2 ngày cuối tuần, Sơn không có thời gian giải trí. Đó là chưa kể, hôm nào có buổi thi thử, thi thật của các trường tư thục hoặc các trung tâm dạy thêm, bố mẹ của Sơn đều đăng ký cho con tham dự để trải nghiệm và thử sức.

Còn với các sỹ tử chuẩn bị bước vào kỳ thi lớp 10 năm học 2023- 2024 cũng có nhiều trường hợp than thở vì lịch học quá tải. Nguyễn Thế Khôi, học sinh lớp 9 tại quận Hoàng Mai cho biết, sức học của em rất khó đỗ vào trường THPT công lập, em đề đạt nguyện vọng học tại trung tâm giáo dục thường xuyên nhưng bố mẹ em phản đối.

“Bố em bảo bạn bè giỏi thi chuyên, đăng ký trường tốp 1 còn em không giỏi thì cũng cố mà thi trường tốp 2, tốp 3 chứ không có chuyện chưa thi đã đầu hàng. Để bồi đắp kiến thức cho em, bố em thuê gia sư đến nhà kèm em 1-1 vào tất cả các buổi tối trong tuần và 2 ngày thứ Bảy, Chủ nhật. Em rất chán nản…”- Khôi nói.

Đặt mục tiêu để không quá tải

Đặt nhiều mục tiêu, đặt mục tiêu cao hơn năng lực hoặc không có mục tiêu là những nguyên nhân khiến học sinh rơi vào trạng thái stress tâm lý và bị quá tải trong chặng đường học tập, nhất là với học sinh cuối cấp.

Xác định mục tiêu là một trong những cách hiệu quả giúp giảm tải gánh nặng thi cử (Ảnh: VNU)
Xác định mục tiêu là cách hiệu quả giúp giảm tải gánh nặng thi cử (Ảnh: VNU)

Với nhiều phương thức để tuyển sinh đại học, không ít thí sinh vừa thi IELTS, vừa thi SAT lại thi liền 2-3 kỳ thi riêng do các trường đại học tổ chức.

“Đằng nào cũng mất công ôn thi thì đăng ký thi tất cả các kỳ để xem sức mình ở đâu, điều này giúp tăng cơ hội đỗ và lựa chọn các trường đại học. Khi sở hữu nhiều chứng chỉ quốc tế lại thêm kết quả của nhiều kỳ thi riêng thì em sẽ thoải mái lựa chọn trường nào, khoa nào em thích. Đây là lí do em đăng ký tham dự nhiều kỳ thi”- học sinh Nguyễn Thu An, quận Tây Hồ cho hay.

Với em Nguyễn Mạnh Sơn, ngoài học thêm kín tuần, em còn được bố mẹ cho tham dự thi đánh giá năng lực, thi thử do nhiều trường THCS tư thục, trung tâm dạy thêm tổ chức. Tuy nhiên, việc các kỳ thi này tổ chức nhiều vòng, lịch thi lại liên tiếp, dày đặc nhưng không phải là mục tiêu học tập của em nên nhiều lúc em và các thành viên trong gia đình cũng thấy nản.

Theo các chuyên gia giáo dục, giai đoạn cuối cấp, ngoài học và thi, học sinh rất cần thời gian nghỉ ngơi, thư giãn để tái tạo năng lượng. Nhiều em quá lao lực trong ôn tập dẫn đến hôm thi chính thức bị ốm, mệt và kết quả không như mong muốn. Ngoài kế hoạch học tập điều độ thì chế độ dinh dưỡng hợp lý cũng vô cùng quan trọng, giúp thí sinh có đủ sức khỏe để học tập hiệu quả hơn.

Xác định mục tiêu đúng cũng là việc mang lại nhiều ý nghĩa với thí sinh. Các em cần có mục tiêu chính và phương án dự phòng để chủ động trong mọi tình huống; tuy vậy cũng không nên ôm đồm và không nhất thiết tham dự quá nhiều kỳ thi. Ngược lại, các em chỉ cần ôn luyện kiến thức tốt nhất và xác định kỳ thi nào có vai trò quyết định với mình thì mới nên đăng ký. Điều này giúp thí sinh vừa ôn tập trọng tâm vừa có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn và tránh nguy cơ bị quá tải.