Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Học sinh đi xe máy không bằng lái: Phụ huynh chịu trách nhiệm pháp lý

Ngọc Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian gần đây có nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) đặc biệt nghiêm trọng do học sinh điều khiển phương tiện gây ra. Để hạn chế tình trạng này, cần kiên quyết xử lý người giao xe cho học sinh sử dụng, đặc biệt là các bậc phụ huynh.

Thực tế báo động

Ngày 21/2/2024, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai đã hoàn tất cáo trạng, truy tố ra trước tòa đối với bị cáo Rơ Mah Pil (sinh năm 1986, trú tại làng Tu, xã Ia Lâu, huyện Chư Prông) về tội "Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ”.

Trước đó, bị cáo Pil mua xe máy 110 phân khối, giao xe cho con trai là Rơ Mah Tinh (sinh năm 2006, chưa có bằng lái xe) đi lại hằng ngày. Ngày 25/10/2023, Rơ Mah Tinh trong người đã có hơi men, điều khiển xe máy, chở 2 bạn phía sau.

Do không chú ý quan sát, không làm chủ tốc độ nên đã tông vào xe mô tô đi ngược chiều. Hậu quả, 4 nạn nhân trong vụ va chạm đều tử vong. Kết luận giám định cho thấy, nồng độ cồn trong máu của Rơ Mah Tinh là 170mg/100ml.

Đây chỉ là một điển hình trong số các vụ TNGT do học sinh gây ra. Học sinh chưa đủ tuổi đi mô tô, xe máy đến trường, thậm chí có nhiều người chưa đủ tuổi còn được phụ huynh cho lái mô tô phân khối lớn, ô tô… không còn là chuyện hiếm.

Dễ dàng bắt gặp hình ảnh học sinh điều khiển xe máy trên 50 phân khối, vi phạm luật ATGT tại các khu vực cổng trường.
Dễ dàng bắt gặp hình ảnh học sinh điều khiển xe máy trên 50 phân khối, vi phạm luật ATGT tại các khu vực cổng trường.

Ông Đặng Hoàng Sương (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: “Tôi thấy rất nhiều học sinh còn mặc nguyên đồng phục mà đi xe máy, phóng vèo vèo ngoài đường, rất nguy hiểm. Phụ huynh cho phép con chưa đủ tuổi đi xe máy, ô tô… ngoài đường vừa coi thường pháp luật, vừa hại con, và ảnh hưởng đến cả những người xung quanh”.

Tại khoản 9, 10 của Điều 8 Luật Giao thông đường bộ năm 2018, các hành vi như điều khiển xe cơ giới không có giấy phép lái xe theo quy định; giao xe cơ giới, xe máy chuyên dùng cho người không đủ điều kiện để điều khiển xe tham gia giao thông đường bộ bị nghiêm cấm rất cụ thể. 

Hành vi giao xe cho đối tượng trẻ vị thành niên, chưa có bằng lái xe, nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể xử lý theo điều 264 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Theo đó, người phạm tội có thể chịu mức phạt thấp nhất là phạt tiền từ 10.000.000 đồng và cao nhất là 7 năm tù giam. 

Chị Hoàng Thị Lý (Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ: “Các con còn ở độ tuổi chưa được đào tạo, sát hạch để cấp giấy phép lái xe nên những kỹ năng đảm bảo an toàn cũng như hiểu biết về Luật Giao thông đường bộ gần như không có. Tuy nhiên vì gia đình không đủ khả năng đưa đón con đi học nên cũng phải chấp nhận giao xe dưới 50 phân khối để con chủ động di chuyển. Dù luôn nhắc nhở nhưng tôi vẫn rất lo lắng”.

Cha mẹ làm gương 

Theo số liệu của Ủy ban ATGT quốc gia, trung bình mỗi năm có tới 2.000 thanh thiếu niên thiệt mạng vì TNGT trên cả nước. Học sinh THPT có liên quan tới 90% tổng số vụ TNGT kể trên. Tỷ lệ tử vong do TNGT của nhóm này có xu hướng gia tăng. Đồng thời, hiện tượng học sinh chưa đủ 18 tuổi sử dụng xe máy trên 50 phân khối cũng ngày càng tăng. 

Mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch về tăng cường công tác bảo đảm trật tự ATGT cho học sinh trong tình hình mới trên địa bàn thành phố. Trong đó, nội dung xử lý các hành vi giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện gây tai nạn được nhấn mạnh.

Cùng với đó, đối với các TNGT liên quan đến học sinh, phải khẩn trương điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật; và xác định cụ thể nguyên nhân gây tai nạn, đưa ra các giải pháp phòng ngừa.

Phó Chánh Văn phòng Ban ATGT thành phố Hà Nội Tạ Đức Giang cho rằng: “Để giảm thiểu tình trạng TNGT ở lứa tuổi thanh thiếu niên, gia đình cần kiên quyết hơn, không giao xe cho con em mình khi chưa đủ điều kiện sử dụng. Khi trẻ vi phạm, gia đình phải đồng hành, cùng các em chịu trách nhiệm cho hành vi ấy, chứ không phải bao che, dung túng hay nhắc nhở qua loa rồi bỏ đó”.

Khi học sinh vi phạm luật ATGT, gia đình phải nghiêm khắc dạy bảo, cùng các em chịu trách nhiệm cho hành vi đó.
Khi học sinh vi phạm luật ATGT, gia đình phải nghiêm khắc dạy bảo, cùng các em chịu trách nhiệm cho hành vi đó.

Nhiều phụ huynh cho con sử dụng xe máy với lý do nhà xa trường, không thể đưa đón con đi học, đi xe buýt thì sợ trễ giờ, đi xe công nghệ tốn tiền... Tuy nhiên trên thị trường hiện có nhiều loại xe gắn máy, xe đạp điện có thể cho phép học sinh dưới 18 tuổi sử dụng, phụ huynh nên tham khảo để thực hiện theo đúng pháp luật.

Chị Nguyễn Thu Huệ (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Đường Hà Nội thì tắc, giao thông luôn trong tình trạng đông đúc nên tôi nghĩ phụ huynh không nên giao xe máy trên 50 phân khối cho con sử dụng. Các loại xe được phép thì cũng cần nhắc nhở và quản lý nghiêm để con di chuyển an toàn. Đôi khi nuông chiều chính là hại con và cả những người xung quanh”.

Để giảm thiểu những vụ TNGT đáng tiếc xảy ra do người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện, việc nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, đặc biệt với phụ huynh học sinh là rất cần thiết. Không chỉ kiểm tra, nhắc nhở, yêu cầu cam kết đối với học sinh, các phụ huynh cũng cần chịu trách nhiệm chính khi giao xe cho con chưa đủ 18 tuổi điều khiển.