70 năm giải phóng Thủ đô

Học sinh đùa bạn quá trớn tại Ứng Hòa: Siết công tác quản lý trường học

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Liên quan đến hành vi trêu bạn quá trớn xảy ra tại Trường THCS Hòa Nam (huyện Ứng Hòa), nhiều chuyên gia cho rằng, bên cạnh hình thức xử lý phù hợp với nhóm học sinh này thì cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát và siết chặt công tác quản lý của các nhà trường.

Xử lý nghiêm khắc nhóm học sinh gây lỗi

Chiều 28/11, Phòng GD&ĐT huyện Ứng Hòa cho biết đã nắm được thông tin xảy ra tại Trường THCS Hòa Nam; đồng thời yêu cầu nhà trường phối hợp với các cơ quan liên quan và gia đình học sinh xác minh để giải quyết dứt điểm.

Hình ảnh cắt từ clip
Hình ảnh cắt từ clip

Trước đó, mạng xã hội lan truyền clip khoảng 16 giây ghi lại cảnh một nhóm nam sinh phổ thông mặc đồng phục có hành động đùa nghịch thái quá với bạn học.

Cụ thể, một nhóm 5 học sinh cầm tay, kéo hai chân của nam sinh khác (đang nằm ngửa) khiến phần “nhạy cảm” của em đập mạnh vào cột cờ. Điều đáng lưu ý, nam sinh này đã cố gắng chống trả nhưng nhóm bạn không dừng lại mà tiếp tục thực hiện hành động phản cảm và nguy hiểm trên. Trong lúc đó, nhiều bạn học sinh khác đứng bên cạnh thay vì can ngăn thì lại reo hò, cổ vũ.

Sau khi nắm được hình ảnh ghi lại trong clip, các đơn vị chức năng đã vào cuộc xác minh và xác định: Sự việc xảy ra vào khoảng 9 giờ ngày 8/11/2023 (giờ ra chơi tiết 2) tại Trường THCS Hòa Nam, huyện Ứng Hòa. Một nhóm học sinh lớp 8 gồm 5 em đã trêu đùa, khiêng bạn là em Đ.V.S (học lớp 8C) ấn, dúi vào cột cờ.

Đến ngày 24/11, nhà trường mới biết được sự việc thông qua clip do phụ huynh của em Đ.V.S gửi giáo viên chủ nhiệm lớp 8C. Nhà trường đã triệu tập các học sinh liên quan đến làm việc, đồng thời báo cáo sự việc lên công an xã.

Cùng với đó, nhà trường cũng phối hợp với gia đình đưa học sinh Đ.V.S đi bệnh viện kiểm tra. Kết quả kiểm tra của bệnh viện kết luận em Đ.V.S sức khỏe ổn định, không bị ảnh hưởng gì. Hiện em đã đến trường và đi học bình thường, không xảy ra hiện tượng mất đoàn kết trọng lớp.

Trao đổi với báo chí, Hiệu trưởng Trường THCS Hòa Nam Đoàn Vũ Hải thông tin: Ngày 25/11, nhà trường đã thành lập Hội đồng kỷ luật các học sinh vi phạm. Căn cứ quy định của Bộ GD&ĐT, hội đồng kỷ luật nhà trường quyết định đình chỉ học 2 tuần đối với 1 học sinh; đình chỉ học 1 tuần đối với 5 học sinh.

Ngoài ra, hội đồng kỷ luật nhà trường cũng quyết định đình chỉ học với 1 học sinh quay clip sự việc. Thời gian áp dụng hình thức kỷ luật từ 27/11/2023. Nhà trường đã, đang tiến hành hòa giải để các học sinh nhận ra lỗi và sửa sai.

“Nhà trường sẽ nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc quản lý học sinh, đồng thời kiểm điểm nghiêm khắc các học sinh liên quan để không xảy ra sự việc tương tự”, Hiệu trưởng Trường THCS Hòa Nam cho biết.

Đại diện Phòng GD&ĐT huyện Ứng Hòa cho hay: Chiều 28/11, lãnh đạo Phòng yêu cầu Trường THCS Hòa Nam tiếp tục có các biện pháp tuyên truyền, giáo dục học sinh, tuyệt đối không để xảy ra sự việc tương tự. Phòng sẽ triệu tập toàn bộ hiệu trưởng các trường học ở cả ba cấp học để quán triệt nội dung tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn trường học.

Siết chặt công tác quản lý, giám sát

Xem clip nêu trên, một số bạn đọc phẫn nộ cho rằng, đây là hành vi bạo hành, bạo lực nguy hiểm, cần phải xử lý nghiêm nếu không sẽ trở thành mối nguy không chỉ cho trường học mà còn cho xã hội.

Trường THCS Hòa Nam, huyện Ứng Hòa - nơi xảy ra sự việc (Ảnh: FBNT)
Trường THCS Hòa Nam, huyện Ứng Hòa - nơi xảy ra sự việc (Ảnh: FBNT)

Tuy nhiên, phần đông ý kiến nhìn nhận, hành vi của nhóm nam sinh có thể xuất phát từ một trò đùa của học sinh ở tuổi dậy thì, nhưng trò đùa này có phần ác ý và kém văn minh.

Hiệu trưởng nhà trường cũng xác nhận: “Không phải các em mâu thuẫn với nhau mà nguyên nhân ban đầu do các em đùa nghịch ở sân trường”.

Tuổi 14- 15, các học sinh đã có ý thức về giới tính, về các vùng nhạy cảm của cơ thể nhưng chưa lường hết mức độ nguy hiểm của hành vi mình gây nên đối với sức khỏe thể chất cũng như sức khỏe tinh thần của bạn học.

“Ngoài việc đưa ra hình thức kỷ luật phù hợp với nhóm nam sinh, vấn đề cần bàn ở đây là sự việc diễn ra ở sân trường, ngay cột cờ - khu vực trung tâm nhưng không thầy cô nào hay biết. Vậy vai trò của bộ phận giám sát, giám thị của trường ở đâu?”, bạn đọc Nguyễn Hải Anh nêu ý kiến.

Đồng tình với cách đặt vấn đề trên, TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam nêu quan điểm: Để xảy ra sự việc trên, trước hết nhà trường cần rút kinh nghiêm trong công tác quản lý nói chung và công tác giám sát nói riêng. 

Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, học sinh ở tuổi THCS rất hiếu động và tò mò, đôi khi có hành vi nghịch ngợm thái quá, dẫn đến xâm phạm thân thể người khác. Vì phạm vi trường học rất rộng, đối tượng học sinh đông nên các nhà trường cần tăng cường nhân lực cho bộ phận giám thị và lắp đặt camera ở các vị trí để giám sát chung mọi hoạt động xảy ra. Bộ phận trực phải quản lý sát sao khu vực sân trường, lớp học... để kịp thời phát hiện, xử lý nếu có bất cứ vấn đề gì xảy ra. 

Với học sinh có hành vi gây lỗi bị đình chỉ học, TS Nguyễn Tùng Lâm lưu ý viêc đình chỉ học nhằm mục đích giáo dục nên nhà trường, giáo viên cần liên hệ thường xuyên với các em; có thể yêu cầu các em hàng ngày đến trường và phối hợp các biện pháp giáo dục như lao động công ích, đọc sách… giúp các em nhận ra lỗi của mình, hướng đến việc học hỏi để có hành vi văn minh hơn.

Được biết, gia đình học sinh Đ.V.S đang tích cực phối hợp với nhà trường, công an và các phụ huynh có con em gây nên hành vi trên trong việc nhắc nhở, giáo dục các em. Gia đình học sinh S mong sự việc khép lại để S được bình yên, ổn định tâm lý và tập trung học tập.