Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Học sinh lo lắng chọn nhầm nghề, không đủ sức cạnh tranh với AI

Kinhtedothi – Lắng nghe chia sẻ của học sinh lớp 12 về công tác xét tuyển đại học 2025, nỗi lo chọn nhầm nghề hoặc chọn nghề có nguy cơ bị AI thay thế…., các chuyên gia tuyển sinh đến từ Bộ GD&ĐT và các cơ sở giáo dục đã đưa ra những lời khuyên hữu ích để các em vững tin vào bản thân trước thời điểm quan trọng của cuộc đời.

Nếu chọn nhầm ngành, phải làm sao?

Trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) vừa tổ chức thành công Ngày hội Tư vấn tuyển sinh và hướng nghiệp năm 2025. Buổi tư vấn đã giải đáp những thắc mắc của học sinh về công tác tuyển sinh năm 2025, cách thức chọn ngành, chọn nghề, ưu tiên xét tuyển… Tham dự ngày hội có hơn 40 đối tác là các cơ sở giáo dục đại học, công ty tư vấn du học đóng trên địa bàn TP Hà Nội.

Các chuyên gia tư vấn giải đáp thắc mắc của học sinh Trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành về công tác tuyển sinh đại học, chọn ngành, chọn nghề.

Chia sẻ những thắc mắc của học sinh lớp 12 về các phương thức xét tuyển và nguyên tắc đặt nguyện vọng, PGS.TS Nguyễn Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết, Quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT cho phép thí sinh được sử dụng nhiều phương thức trong xét tuyển đại học; tuy nhiên, việc sử dụng phương thức nào lại tùy thuộc vào các trường mà thí sinh đặt nguyện vọng.

Khi đăng ký xét tuyển trên hệ thống, thí sinh cần chuẩn bị hồ sơ có đầy đủ thông tin về minh chứng xét tuyển (các loại chứng chỉ, điểm thi….), trách nhiệm của nhà trường là sẽ tổng hợp, lựa chọn các điều kiện thí sinh có khả năng trúng tuyển cao nhất, bảo đảm tốt nhất quyền lợi của thí sinh.

Về nguyện vọng, theo nguyên tắc thì hệ thống chỉ cho phép thí sinh trúng tuyển vào nguyện vọng (NV) cao nhất theo thứ tự ưu tiên. Nếu thí sinh trúng tuyển NV1 sẽ không trúng tuyển NV2, do vậy, các em cần cân nhắc thứ tự ưu tiên khi đăng ký NV. Hãy đặt trường, ngành mình yêu thích nhất, mong muốn học nhất, phù hợp với năng lực của mình nhất là NV1.

Giải đáp câu hỏi của học sinh về các kỳ thi riêng (đánh giá năng lực, đánh giá tư duy) và mức độ cạnh tranh khi xét tuyển bằng kết quả các kỳ thi riêng với chứng chỉ SAT, PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng ban Đào tạo và Công tác sinh viên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: mỗi kỳ thi do một cơ sở giáo dục của Việt Nam hay nước ngoài tổ chức đều có mục tiêu riêng nhằm đánh giá phẩm chất, kỹ năng của học sinh. Đại học Quốc gia Hà Nội có bài thi đánh giá năng lực HSA. Số học sinh dự thi HSA ngày càng đông do đây là bài thi chuẩn hóa nhằm đánh giá năng lực học sinh phổ thông Việt Nam và phù hợp với học sinh trong nước. Hiện có 97 trường trên toàn quốc tin tưởng HSA và dùng kết quả HSA để tuyển sinh đại học.

Với câu hỏi “giả định em chọn nghề nhưng sau lại thấy không phù hợp nữa, vậy em phải làm gì?”, TS Phạm Sỹ Cường - Hiệu trưởng Trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành cho biết: nếu các em chọn nghề chưa ưng ý sau khi quyết định hoặc học vài năm thì có thể học bổ sung một/một vài ngành ngay trong trường đại học hoặc học cao học.

“Con người phải học suốt đời. Trường đại học lớn nhất là đại học cuộc sống nên chúng ta cần không ngừng học hỏi, thậm chí ngành mà các em coi là mình chọn đúng khi bước vào trường đại học thì sau 4 - 5 năm sau, khi tốt nghiệp cũng đã có nhiều thay đổi nên các em phải học để thích ứng với công việc, với cuộc sống” - TS Phạm Sỹ Cường nhắn nhủ.

Đừng “sợ” AI

Trí tuệ nhân tạo tác động như thế nào đến các khối ngành kinh tế? Học sinh nên chọn chuyên ngành nào để không bị AI thay thế trong tương lai? Đây là tâm tư của nhiều học sinh lớp 12 hiện nay. Với câu hỏi này, thạc sĩ Phạm Thị Thanh Hà - Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Quản lý Đào tạo, Trường Đại học Ngoại thương chia sẻ: AI đang làm rất tốt những công việc đơn giản mang tính chất lặp đi lặp lại. Tuy nhiên, có những thứ AI không làm hộ, làm thay con người được.

Học sinh trực tiếp được tư vấn, tìm hiểu thông tin của về các trường đại học mình quan tâm tại Ngày hội Tư vấn tuyển sinh và hướng nghiệp 2025 do Trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành tổ chức.

Lấy ví dụ về ngành kế toán, thạc sĩ Phạm Thị Thanh Hà cho biết, kế toán được đánh giá là một trong những ngành bị ảnh hưởng của AI nhiều nhất nhưng việc lên kế hoạch, lập chiến lược cụ thể cho doanh nghiệp thì AI không biết làm.

“AI không thể giám hộ con người. AI có IQ (trí thông minh) nhưng không có EQ (trí tuệ cảm xúc). Các công việc mang tính chiến lược, ra quyết định, AI không làm được thay con người. Như vậy, AI tác động nhiều đến cuộc sống nhưng không làm được những công việc thuộc về giao tiếp, đổi mới, ra chiến lược, ra quyết định” - thạc sĩ Phạm Thị Thanh Hà phân tích.

Cũng theo chuyên gia này, sáng tạo của con người và AI là khác nhau. Con người không cần sợ AI mà cần làm chủ AI thay vì ỷ lại, phụ thuộc vào nó. Và nếu có tinh thần học tập suốt đời, luôn nỗ lực để làm chủ công nghệ thì không có gì phải sợ AI.

Cùng chủ đề về AI, ông Mark Kramer – Viện Kinh doanh Quản trị, Trường Đại học Vinuni cho rằng, AI thực sự là công cụ và nếu biết cách sử dụng, tận dụng, AI sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho sinh viên và các em không nên quá lo sợ về nó. 

Vinuni sử dụng AI rất nhiều trong công tác đào tạo nhưng nhà trường không khuyến khích sinh viên sử dụng AI để suy nghĩ hoặc tạo ra ý tưởng thay người học. Khi đi tuyển dụng, các nhà tuyển dụng luôn mong muốn ý tưởng là của chính ứng viên. Nếu sử dụng AI để suy nghĩ, lên ý tưởng sẽ dẫn đến nhiều tiêu cực. 

Về việc học sinh giỏi có được ưu tiên khi xét tuyển đại học hay không, TS Trần Bá Trình - Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết, trường đại học nào cũng ưu tiên, mong muốn tuyển chọn được học sinh giỏi vào học và Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cũng vậy. Nếu học sinh có 3 năm học cấp THPT đạt học lực loạt Giỏi, các em được ưu tiên xét tuyển vào trường theo phương thức xét tuyển 2 - xét tuyển học sinh có năng lực vượt trội. Tuy nhiên, vì chỉ tiêu vào các ngành có hạn nên trường đưa ra một số tiêu chí khác cho phương thức này, như: đạt giải tại kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh/TP/kỳ thi học sinh giỏi/Olympic cấp đại học; chứng chỉ tiếng Anh. Một điểm mới của mùa xét tuyển đại học năm nay là không còn xét tuyển sớm mà các phương thức xét tuyển cùng lúc. Do đó, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội có bổ sung một tiêu chí nữa, đó là khuyến khích sự nỗ lực bền bỉ của học sinh bằng cách lấy điểm trung bình hai môn toán và ngữ văn tại kỳ thi tốt nghiệp THPT. Nhà trường xét tuyển từ trên xuống cho đến hết chỉ tiêu nên dù sở hữu nhiều tiêu chí nhưng để tăng sức cạnh tranh, học sinh vẫn cần nỗ lực đến phút cuối cùng bằng việc thi tốt nghiệp THPT có kết quả tốt nhất.

Trích dẫn
tuyển sinh
Học sinh hiện nay có nhiều nguồn thông tin hơn nên tỷ lệ chọn nhầm ngành là rất ít. Để chọn đúng ngành, các em nên lắng nghe, chủ động tìm hiểu và chọn ngành nghề phù hợp với năng lực, sở thích, nguyện vọng của mình thay vì theo sở thích của bố mẹ hay tác động của bạn bè. Cùng với đó, các trường đại học cần kết hợp chặt chẽ  hơn với các trường THPT thông qua các buổi tư vấn để cung cấp thông tin sâu, vì những nội dung trên website không chứa hết nội hàm nên không thể giúp phụ huynh, học sinh hiểu hết về ngành, về trường” - PGS.TS Nguyễn Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT)

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Để mọi trẻ em được đến trường

Để mọi trẻ em được đến trường

16 Apr, 05:45 AM

Kinhtedothi - Bộ GD&ĐT vừa công bố dự thảo Nghị quyết Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 3-5 tuổi để lấy ý kiến Nhân dân. Theo đó, Bộ này đề xuất chi trên 91.000 tỷ đồng để huy động trẻ 3 - 5 tuổi đến trường, áp dụng trên toàn quốc, mục tiêu là 100% tỉnh, thành đạt được vào năm 2030.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ