Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Học sinh loạn thần vì thi cử

Bài, ảnh: Mai Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều học sinh bị loạn thần vì áp lực thi cử đang được điều trị tại Bệnh viện (BV) Bạch Mai.

Theo thống kê, có đến 15% số các học sinh có các biểu hiện rối loạn về cảm xúc cần được tư vấn và điều trị. Vấn đề này được cảnh báo từ lâu, nhưng cứ mỗi mùa thi, tại các cơ sở y tế lại tiếp nhận thêm nhiều trường hợp bị loạn thần.

Ác mộng việc học

Đó là trường hợp của em Trương Quang Đ. (16 tuổi, ở Trần Phú, TP Bắc Giang). Sinh ra trong một gia đình có truyền thống về học tập, nhiều năm liền, Đ. là học sinh giỏi. Em là niềm tự hào của gia đình, cuộc sống cứ thế trôi đi, cũng không biết vì sao 2 năm trở lại đây, gia đình thấy em bỗng trở nên khác lạ. Đ. trở nên lơ là và sợ đi học, cứ mở sách ra là có cảm giác đau đầu, như có vật gì đè nặng lên ngực. Kết quả học tập những năm gần đây giảm sút. Gia đình thấy con có nhiều sự thay đổi rõ rệt như ăn kém, cơ thể gầy đi, giấc ngủ hay có ác mộng, thường giật mình vào ban đêm, tỉnh dậy cháu hay bàng hoàng, hoảng hốt, hay cáu giận vô cớ nên đưa con đi khám.

TS Nguyễn Văn Dũng khám, động viên bệnh nhân Đ. tại Viện Sức khỏe Tâm thần quốc gia.

Tại Viện Sức khỏe tâm thần, BV Bạch Mai, bệnh nhân Trương Quang Đ. được các bác sỹ chẩn đoán: Rối loạn cảm xúc của trẻ em, cần phải điều trị. Theo TS Nguyễn Văn Dũng - Phó viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần, ở trẻ em (dưới 22 tuổi) sự phát triển về cơ thể cũng như về tinh thần chưa được hoàn thiện. Các em rất dễ bị tác động về mặt tinh thần, nên cảm xúc và hành vi cũng thay đổi. Đ. là con một trong gia đình trí thức, nên từ nhỏ em đã được bố mẹ đặt rất nhiều kỳ vọng, và luôn cho rằng đó là động lực cho con mình cố gắng. Bố mẹ thường mong con mình phải học thật giỏi, đứng thứ hạng cao trong lớp, nhưng điều đó đã tạo cho các em một áp lực lớn.

Lê Ngọc Q. (20 tuổi, Thanh Hóa) cũng là một bệnh nhân đang được điều trị tại Viện Sức khỏe tâm thần. Trò chuyện với chúng tôi, em cho biết sau khi học xong phổ thông, em có nguyện vọng tu luyện ở nước ngoài. Do mong muốn của em quá mãnh liệt mà bản thân không đáp ứng được nên em đã bị rối loạn lo âu…

Đây chỉ là hai trong số nhiều trường hợp học sinh bị rối loạn cảm xúc hiện đang được điều trị tại Viện Sức khỏe tâm thần.

Có thể chữa khỏi

Theo TS Nguyễn Văn Dũng, những năm gần đây, đặc biệt là vào thời điểm gần mùa thi, số lượng trẻ đến khám và điều trị về các rối loạn cảm xúc do áp lực học và thi có chiều hướng tăng lên. Việc phải chịu nhiều áp lực từ bố mẹ, từ thầy cô, từ điểm số và thành tích… dẫn tới nhiều hệ lụy đến sức khỏe. Các em luôn trong trạng thái mệt mỏi, phải gồng mình lên để ứng phó với những áp lực học và thi. Bởi vậy, nhiều em bị rối loạn cảm xúc, ăn kém, ngủ ít, kiệt sức, lo lắng, mệt mỏi, đau đầu, hoa mắt chóng mặt, suy nhược cơ thể…

Đã có rất nhiều em học sinh vì không chịu được áp lực quá nặng nề, thiếu sự quan tâm từ gia đình đã phản ứng lại bằng những cách tiêu cực như nản chí, bỏ học, bỏ nhà đi lang thang để trốn tránh áp lực. Thậm chí đã từng có học sinh bị rối loạn cảm xúc rất nặng, như nữ sinh Thùy Tr. (THPT Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước) tự sát để lại 5 lá thư tuyệt mệnh khiến nhiều người đau xót. Nguyên nhân tự tử của Tr. xuất phát từ sự buồn chán, thất vọng vì em chỉ đạt học sinh trung bình. Kết quả học tập đó không đáp ứng được mong đợi của người thân.

Để điều trị cho những bệnh nhân bị rối loạn cảm xúc, theo TS Dũng, đầu tiên là phải tách các em khỏi những áp lực đó, có chế độ ăn uống và nghỉ ngơi hợp lý. Đối với cha mẹ, cần chú ý tới việc giáo dục nhân cách và nâng cao bản lĩnh cho các em để vững vàng đối mặt với những khó khăn, áp lực trong cuộc sống. Bên cạnh đó, phụ huynh cần trang bị cho con kỹ năng sống, giúp con thích ứng với stress. Cha mẹ cũng phải nhìn nhận đúng năng lực và sở trường của con em mình, từ đó động viên, khuyến khích các em học, tránh tạo áp lực căng thẳng, kỳ vọng quá mức với các em.

Theo TS Nguyễn Văn Dũng, rối loạn cảm xúc do áp lực thi cử, học hành hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm. Khi thấy con em mình có những biểu hiện bất thường, các bậc cha mẹ cần đưa các em đến ngay bác sĩ chuyên khoa tâm thần để được khám, tư vấn và có hướng điều trị kịp thời. Không tùy tiện tự ý mua thuốc bên ngoài để uống hoặc cúng bái, tin tưởng vào các đấng siêu nhiên.