Học sinh mắc kẹt tại Hà Nội được tạo điều kiện học tập thế nào?

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Thực hiện Công văn của Bộ GD&ĐT về việc tiếp nhận, tạo điều kiện cho học sinh học tập tại nơi cư trú do dịch Covid-19; học sinh Hà Nội bị mắc kẹt ở quê hay học sinh các địa phương bị mắc kẹt tại Hà Nội do dịch bệnh Covid- 19 đều được tạo điều kiện tối đa để duy trì việc học.

Đến trường học trực tiếp tại địa phương vùng xanh
Dịch bệnh Covid- 19 có diễn biến phức tạp đã nảy sinh nhiều tình huống, trong đó có việc học sinh bị “mắc kẹt” tại quê, chưa thể trở về Hà Nội và ngược lại, học sinh ở Hà Nội bị “mắc kẹt” tại quê.
Có con sinh năm 2015, chị Lưu Thị Tố Nga, trú tại huyện Thanh Trì đã đăng ký trực tuyến cho con vào lớp 1 tại một trường công lập thuộc địa bàn huyện Thanh Trì, Hà Nội. Giữa tháng 7/2021, chị gửi con về ông bà ngoại ở Thanh Hóa. Từ ngày 24/7, Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ nên chị không đón con về Hà Nội được. Đầu tháng 9/2021, sau lễ khai giảng trực tuyến, chị Nga duy trì cho con học online 2 tuần theo chương trình lớp 1 tại Hà Nội nhưng sau đó, không thể dự báo được diễn biến tiếp theo của dịch bệnh, người mẹ này đã quyết định xin cho con học tạm trực tiếp tại quê. “Tôi đã làm đơn theo hướng dẫn và được tiếp nhận vào trường luôn. Hàng ngày đến lớp, dưới sự yêu thương, dạy bảo của cô giáo cùng việc được thỏa sức vui đùa, chạy nhảy cùng các bạn nên con tôi rất vui. Tôi thấy may mắn khi quê mình thuộc vùng xanh, vì vậy con có cơ hội đến lớp học tập trong điều kiện an toàn”, chị Nga chia sẻ.
 Học sinh chưa thể trở lại Hà Nội do dịch bệnh phức tạp được duy trì học tập tại quê
Khi học sinh Hà Nội bị mắc kẹt tại các địa phương vùng xanh, trẻ đến trường học tạm trực tiếp tại địa phương hay tiếp tục duy trì lịch học trực tuyến với lớp học tại Hà Nội; thậm chí vừa học trực tiếp, vừa học trực tuyến- là lựa chọn của phụ huynh. Anh Phạm Huy, trú tại quận Hoàng Mai cho biết, con anh năm nay lên lớp 2. Sau thời gian nghỉ hè kéo dài, cháu đọc và viết có phần chậm hơn trước nên khi mắc kẹt ở quê “vùng xanh”, anh đã làm đơn cho con học trực tiếp tại trường để được cô cầm tay uốn nắn, củng cố lại kiến thức. Tuy nhiên, do học chương trình Giáo dục phổ thông mới, bộ sách ở quê khác sách ở lớp các con học; ngoài ra lịch học tại trường con ở Hà Nội duy trì buổi tối nên song song với việc học trực tiếp 1 buổi/ngày với lớp ở quê, anh Huy còn cố gắng cho con học online với chương trình ở lớp để con theo được nhịp học cùng các bạn; tránh sau trở về Hà Nội lại mất thời gian làm quen chương trình từ đầu.
Cũng có trường hợp, học sinh mắc kẹt tại quê thuộc vùng xanh- có thể xin học tạm trực tiếp tại trường nhưng phụ huynh vẫn quyết định cho con học trực tuyến theo lớp trên Hà Nội. Chị Nguyễn Thu Hà, trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội kể: “Con tôi về quê nội ở Thái Bình đến nay đã tròn 3 tháng. Ban đầu, vợ chồng chỉ định cho con về ông bà chơi để có không gian chạy nhảy, vui đùa nhưng dịch bệnh phức tạp, Hà Nội thực hiện giãn cách nên từ đó đến nay, con chưa thể trở lại Hà Nội. Do không biết dịch kéo dài bao lâu nên tôi không xin cho con học trực tiếp tại quê mà duy trì lịch học online tại lớp cũ. Mọi hoạt động học tập của con vẫn được hoàn thành theo đúng yêu cầu của cô giáo; do vậy gia đình cũng tạm thời yên tâm”.
Tiếp nhận, học tạm tại Hà Nội
Tương tự với trường học thuộc các địa phương trên cả nước, trường học Hà Nội cũng sẵn sàng tiếp nhận, tạo điều kiện cho học sinh tỉnh ngoài bị mắc kẹt tại đây được học trực tuyến.
Giữa tháng 8/2021, khu vực phường Văn Miếu và Văn Chương, quận Đống Đa bị phong tỏa do phát hiện nhiều ca dương tính với Covid- 19 dẫn đến việc một số học sinh tỉnh ngoài lên nhà người nhà chơi ở khu vực này bị mắc kẹt, chưa thể trở về quê. Năm học mới đến, trong khi các bạn ở quê được đến trường học trực tiếp, các học sinh thuộc diện này có nguyện vọng xin vào các trường tại Hà Nội để học trực tuyến tạm một thời gian.
Theo Hiệu trường Tiểu học Văn Chương Hoàng Thúy Nga thì trường hiện có 3 học sinh tỉnh ngoài học nhờ; trong đó có 2 học sinh khối 1 và 1 học sinh khối 4 thuộc các tỉnh: Nam Định và Phú Thọ- 2 địa phương vùng xanh. Khi nhận được nguyện vọng của gia đình, nhà trường đã hướng dẫn phụ huynh thực hiện các bước; sau đó tiếp nhận con vào lớp theo đúng lứa tuổi. Qua hơn 1 tháng học tập, giáo viên ghi nhận các con học hòa nhập, hào hứng, tương tác tốt.
 Học sinh trường tiểu học Yên Hòa hào hứng trong tiết học online
Còn cô Nguyễn Phương Lan - Hiệu trưởng Tiểu học Yên Hòa, quận Cầu Giấy cho hay: Thời gian qua, khi nhận được liên hệ của phụ huynh học sinh xin chuyển trường tạm thời cho con, trên cơ sở Công văn 2978/SGDĐT-QLT ngày 24/8/2021 của Sở GD&ĐT về việc tiếp nhận, tạo điều kiện cho học sinh học tập tại nơi cư trú do dịch Covid-19 và văn bản hướng dẫn của Phòng GD&ĐT quận, nhà trường đã bố trí bộ phận văn phòng hướng dẫn phụ huynh thực hiện đúng thủ tục quy định.
Theo đó, nhà trường gửi mẫu đơn xin chuyển trường tạm thời để phụ huynh kê khai, xin xác nhận của địa phương nơi học sinh cư trú; sau đó nhà trường tiến hành tiếp nhận, bố trí, xếp lớp cho học sinh học tập theo đúng đối tượng. Bên cạnh đó, trường rất quan tâm hỗ trợ học sinh về các điều kiện học tập cần thiết và tạo thuận lợi nhất cho các em học tập theo kế hoạch của nhà trường. “Sau khi hết thời gian giãn cách, nhà trường sẽ có bản xác nhận kết quả rèn luyện và học tập của học sinh được tiếp nhận để các em quay trở lại trường cũ học tập”- Hiệu trường trường Tiểu học Yên Hòa nêu rõ.
Ngày 8/10, Bộ GD&ĐT đã có Công văn số 4556/BGDĐT- GDTrH gửi các Sở GD&ĐT về việc tiếp nhận và tạo điều kiện học tập cho học sinh di chuyển về cư trú tại địa phương.
Công văn nêu: Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh sớm ổn định, tiếp tục học tập tại địa phương nơi cư trú, Bộ GD&ĐT đề nghị các Sở GD&ĐT tiếp tục thực hiện Công văn số 3508/BGDĐT-GDTrH ngày 17/8/2021 của Bộ GD&ĐT về việc tiếp nhận, tạo điều kiện cho học sinh học tập tại nơi cư trú do dịch Covid-19. Các Sở GD&ĐT chỉ đạo các nhà trường nơi học sinh chuyển đến chủ động, tạo điều kiện thuận lợi tiếp nhận học sinh vào học tập, đồng thời phối hợp với nhà trường nơi học sinh chuyển đi sớm hoàn thành thủ tục chuyển trường theo quy định; đồng thời chỉ đạo các nhà trường chủ động bố trí xếp lớp cho học sinh học tập theo đúng đối tượng; tổ chức ôn tập, củng cố kiến thức cho học sinh chuyển đến để kịp thời đáp ứng yêu cầu học tập theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.