Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Học sinh ở Hà Nội bị điện giật tử vong, Cục Trẻ em đề xuất giải pháp an toàn khi học trực tuyến

Oanh Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Khi biết tin em học sinh lớp 5 tử vong vì điện giật khi đang học trực tuyến sáng ngày 10/9, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐTB&XH Đăng Hoa Nam rất đau xót và đề xuất đưa ra những giải pháp phòng chống tai nạn thương tích và đảm bảo an toàn cho trẻ em khi học online dài ngày.

Trưa ngày 10/9, dư luận xã hội hết sức bàng hoàng và đau lòng khi năm học mới 2021 – 2022 bắt đầu chưa được một tuần tai nạn thương tâm xảy ra đối với một học sinh lớp 5 ở Hà Nội. Nạn nhân tử vong khi đang học trực tuyến tại nhà là cháu H.H.D., sinh năm 2011 có địa chỉ tại đường Nguyễn Trãi, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Cháu H.H.D. là học sinh lớp 5 trường Tiểu học Thái Thịnh, quận Đống Đa. Sáng ngày 10/9, D và em gái ở nhà, người bố đi ra ngoài thì xảy ra sự việc. Cháu D. đã dùng kéo chọc vào ổ cấp điện dẫn đến bị điện giật, tử vong.
Khi biết tin nam sinh lớp 5 tử vong vì điện giật khi học trực tuyến, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐTB&XH Đăng Hoa Nam rất đau xót. Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị chiều ngày 10/9,  Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam cho biết: Tôi ủng hộ chủ trương của Chính phủ, ngành GD&ĐT là giãn cách xã hội nhưng không dừng việc học tập thì lựa chọn học online.
 Hiện trường xảy ra vụ việc học sinh lớp 4 bị điện giật khi đang học trực tuyến. Ảnh: Người dân cung cấp.
Tuy nhiên, trẻ em học online có những hệ lụy không mong muốn vì thế phải phòng ngừa. Thứ nhất là hệ lụy liên quan đến mặt sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần. Khi trẻ em ngồi nhiều giờ trước màn hình máy tính sẽ ảnh hưởng đến hệ cơ xương, thị giác.
Một hệ lụy nữa được Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam nêu ra khi trẻ em học online là an toàn trong môi trường mạng, nguy cơ tiếp cận những thông tin xấu độc, bắt nạt trên môi trường mạng.
Tiếp đến là độ an toàn các thiết bị kết nối đầu cuối (máy tính, điện thoại) khi sử dụng để học online. Thực tế, đã có nhiều vụ tai nạn xảy ra đối với người dùng khi vừa sạc điện, vừa kết nối mạng, chơi game. Rồi, các loại điện thoại cũ thì không an toàn, nguy cơ cháy nổ rất cao. Trong khi đó, học sinh học online sẽ phải sử dụng các thiết bị đó trong nhiều giờ. Trong trường hợp, nếu thiết bị đó không tốt phải sạc điện khi học; nguy cơ tai nạn lại càng cao hơn.
Để đảm bảo an toàn cho trẻ em, Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam cho biết, Bộ LĐTB&XH đã triển khai các hoạt động như truyền thông giáo dục về phòng ngừa tai nạn thương tích cho trẻ em trong ngôi nhà của mình. Bộ LĐTB&XH đã ban hành bộ tiêu chí về Ngôi nhà an toàn, phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em.
Cục Trẻ em và các cơ quan có liên quan đã có những tài liệu truyền thông cảnh báo những nguy cơ trẻ em bị tai nạn thương tích trong ngôi nhà của mình (điện giật, cháy nổ, bỏng nước sôi, vật sắc nhọn đâm, ngộ độc các loại hóa chất, thuốc tẩy rửa, nguy cơ đuối nước trong chậu nước, bồn nước, giếng khơi).
Cục trưởng Đặng Hoa Nam cũng cho biết, tới đây, Bộ LĐTB&XH, Cục Trẻ em sẽ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành để triển khai một số các giải pháp để đảm bảo an toàn cho trẻ em trong ngôi nhà của mình khi học trực tuyến. Đó là tăng cường cảnh báo truyền thông cho các bậc cha mẹ về việc phải giám sát, kiểm tra độ an toàn của các trang thiết bị khi cho các con dùng và hướng dẫn các con tuân thủ những tiêu chuẩn về mặt kỹ thuật. Ví dụ, các con không được vừa sạc pin vừa dùng máy tính, không vừa sạc điện vừa sử dụng điện thoại.
Trong bối cảnh dạy học online, không có kênh nào để tiếp cận trẻ em tốt hơn giáo viên. Vì thế, Bộ GD&ĐT trang bị cho giáo viên kỹ năng để họ vừa là người truyền đạt kiến thức, tư vấn tâm lý và hướng dẫn, kiểm tra học sinh về độ an toàn. Ví dụ, trước khi vào giảng bài, giáo viên nhắc lại một số kỹ năng cho học sinh, đề nghị các em kiểm tra thiết bị máy tính sạc đầy điện.
Cục trưởng Đặng Hoa Nam đề nghị các chuyên gia, đặc biệt là chuyên gia Bộ TT&TT, Bộ KH&CN tăng cường tiêu chuẩn an toàn của thiết bị đầu cuối. Và có các biện pháp kiểm tra, thanh tra độ an toàn các thiết bị này trước khi được đưa ra thị trường và cho trẻ em sử dụng.
Về mặt truyền thông an toàn cho trẻ em cũng sẽ được thực hiện mạnh mẽ hơn. Bộ LĐTB&XH cũng sẽ phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ có những tiêu chuẩn, tài liệu để quảng bá rộng rãi các kiến thức, kỹ năng phổ cập nhất cho cha mẹ học sinh, giáo viên, học sinh khi sử dụng thiết bị đầu cuối. Qua đó, phòng tránh các vấn đề liên quan đến sức khỏe tinh thần, thị giác, hệ cơ xương, độ an toàn khi các em phải học online dài ngày.
Một giải pháp khá tốt đang được TP Hồ Chí Minh thực hiện đó là dạy học qua truyền hình. “Tôi đề nghị các địa phương khác triển khai tích cực hơn vì hạn chế được nguy cơ cháy nổ, xâm hại và bắt nạt trên môi trường mạng, tiếp cận thông tin xấu độc” – ông Đặng Hoa Nam nhấn mạnh. Đồng thời ông Nam khuyến nghị Bộ GD&ĐT nên thiết kế các chương trình học online ngắn gọn, không kéo dài thời gian quá, để tranh gây căng thẳng, mệt mỏi cho học sinh.