Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Học sinh quận Thanh Xuân, Cầu Giấy thi tìm hiểu DVC mức độ 3, 4

Tin, ảnh: Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ dịch vụ công trực tuyến (DVC) mức độ 3, 4 của Sở GD&ĐT Hà Nội, học sinh có rất nhiều tiện ích trong các việc như xin cấp lại, sửa lại các văn bằng, chuyển trường, xin học, chỉnh sửa dữ liệu, nguyện vọng đăng ký thi THPT quốc gia… mà không phải mất thời gian đi lại, chờ đợi.

Sáng 17/10, Cụm trường THPT Thanh Xuân – Cầu Giấy tổ chức Khai mạc cuộc thi Tìm hiểu dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 tại trường THCS&THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm. Đến tham dự có Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Văn Đại, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hồ Xuân Hương.
 Học sinh quận Thanh Xuân, Cầu Giấy đang thi tìm hiểu DVD trực tuyến tại trường THCS&THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm
Phát biểu tại lễ khai mạc, Cụm trưởng trường Thanh Xuân – Cầu Giấy, thầy Đàm Tiến Nam - Hiệu trưởng trường THCS&THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm nhấn mạnh: Sự phát triển của khoa học công nghệ, của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 với những thành tựu, sản phẩm, dịch vụ gần gũi và thiết thực đang từng ngày từng giờ làm thay đổi cuộc sống của mỗi chúng ta, giúp cho chất lượng cuộc sống của con người không ngừng được nâng cao và tiết kiệm thời gian, công sức… DVC – dịch vụ cung cấp, giải quyết các thủ tục hành chính của cơ quan nhà nước qua môi trường internet là như vậy.
Thay vì phải đi lại nhiều lần đến các cơ quan để giải quyết các thủ tục thì với dịch vụ công mức độ 1, 2 chúng ta có thể vào mạng xem các văn bản, hướng dẫn và tải các mẫu phiếu về điền và đem đến cơ quan hành chính để nộp và chờ giải quyết.
Với DVC mức độ 3, 4 mà TP Hà Nội đang triển khai, chúng ta chỉ cần vào mạng để điền và nhận kết quả qua mạng hoặc đường bưu điện mà không phải trực tiếp đến các cơ quan hành chính.
 Học sinh quận Thanh Xuân, Cầu Giấy đang thi tìm hiểu DVD trực tuyến tại trường THCS&THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm
Và, ở bất kỳ nơi nào, vào bất kỳ khi nào chỉ cần có kết nối mạng chúng ta có thể sử dụng các DVC. Khi cần đăng ký khai sinh, chúng ta vào phần dịch vụ công của Sở Tư pháp. Học xong ngành du lịch cần đăng ký cấp thẻ hướng dẫn viên quốc tế, muốn tổ chức một chương trình nghệ thuật, chúng ta vào phần dịch vụ công của Sở VH-TT…
Học sinh cũng có thể sử dụng rất nhiều tiện ích từ dịch vụ công của Sở GD&ĐT Hà Nội để xin cấp lại, sửa lại các văn bằng, chuyển trường, xin học, chỉnh sửa dữ liệu, nguyện vọng đăng ký thi THPT quốc gia… mà không phải mất thời gian đi lại, chờ đợi.
Thầy Đàm Tiến Nam cho rằng, việc chúng ta đang hướng tới việc xây dựng Hà Nội thành TP thông minh, việc triển khai DVC chính là bước đi đầu tiên để xây dựng đô thị thông minh.
Tuy nhiên, trong những năm qua, do chưa được giới thiệu, thói quen, tâm lý hoặc do hạn chế về kỹ năng CNTT nên nhiều người vẫn chưa sử dụng dịch vụ công trực tuyến, vẫn đi đến các cơ quan để giải quyết thủ tục theo cách truyền thống vừa tốn thời gian và không tiện lợi.
Vì thế, cuộc thi Tìm hiểu DVC mức độ 3, 4 dành cho học sinh THPT năm 2018 là dịp để mỗi học sinh có những hiểu biết về dịch vụ này, qua đó xây dựng công dân thông minh cho TP thông minh. Cuộc thi có sự tham gia của 120 thí sinh đến từ 12 trường THPT, bao gồm: Cầu Giấy, Yên Hòa, Hà Nội – Amsterdam, Nguyễn Tất Thành, Lương Thế Vinh, Lý Thái Tổ, Nguyễn Siêu, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Đa Trí Tuệ, Nhân Chính, Trần Hưng Đạo, Hoàng Mai. Và hơn 1.000 học sinh đến từ các trường tham gia cổ vũ hội thi.
Hà Nội có hơn 1,1 triệu học sinh THCS và THPT, cụm Thanh Xuân – Cầu Giấy có 23 trường với hàng chục ngàn học sinh. Theo thầy Nam, nếu mỗi học sinh là một tình nguyện viên để đưa DVC đến với mọi người thì sẽ có hơn 1,1 triệu tình nguyện viên. Đó là những người hết sức trẻ trung, có năng lực, điều đó chắc chắn sẽ đưa DVC nhanh chóng đến gần hơn với mọi người.