Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Học sinh rối bời trước thay đổi của kỳ tuyển sinh Đại học 2022

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Những hạn chế của hình thức học tập online cộng nhiều thay đổi trong phương thức tuyển sinh đại học (ĐH) năm 2022 khiến nhiều phụ huynh, học sinh (HS) lớp 12 lo lắng, đứng ngồi không yên, đặc biệt là khi chỉ tiêu dành cho xét kết quả thi tốt nghiệp THPT tại một số trường ĐH giảm sâu chưa từng có.

Nắm chắc kiến thức cơ bản đã là “rất cố gắng”

Hình thức học trực tuyến kéo dài từ ngày 3/5/2021 đến nay do dịch bệnh, đồng nghĩa với HS lớp 12 năm nay phải học trực tuyến vắt qua 2 năm cuối cấp (lớp 11 và 12). Điều này trở thành điểm bất lợi đối với các em và càng tìm hiểu về phương thức tuyển sinh của các trường ĐH, HS cùng phụ huynh càng rối bời.

Qua tình hình học tập của HS lớp 12, hiệu trưởng một trường THPT trên địa bàn huyện Chương Mỹ cho biết, học trực tuyến chất lượng đuối hơn rất nhiều do giáo viên không kiểm soát được việc học của HS; không đo lường lượng kiến thức HS nắm được. Nếu HS không tự giác thì gần như không quản lý được. Việc kiểm tra, đánh giá trực tuyến cũng rất khó khăn vì dù có giám sát bằng hai camera nhưng nếu cố tình, các em vẫn có thể tìm người viện trợ và gian lận; bố mẹ thì đi làm không quản lý, để mắt được con.

Vài tháng nữa, học sinh lớp 12 sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022
Vài tháng nữa, học sinh lớp 12 sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022

Trong khi đó, cô Nguyễn Thị Hà- giáo viên dạy Ngữ văn tại một trường THPT ngoại thành chia sẻ, học online HS chểnh mảng nên rơi rụng kiến thức rất nhiều, nhất là với môn tự luận như Ngữ văn. Từ tháng 9 đến đầu tháng 12, các em học trực tuyến nhưng cuối kỳ 1 lại kiểm tra trực tiếp. Qua chấm một số bài, thấy chất lượng giảm sút rất nhiều. Chỉ còn một học kỳ nữa là kết thúc lớp 12 và thi tốt nghiệp nên giáo viên đều lo lắng.

“Khi học trực tuyến, việc “chạy” hết chương trình đã là cố gắng, thành công của cả thầy và trò. Mục tiêu là kỳ thi tốt nghiệp đã khó khăn thì tại kỳ tuyển sinh ĐH năm 2022, nhiều trường giảm mạnh chỉ tiêu xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT như: ĐH Kinh tế Quốc dân dành 10-15%, ĐH Bách khoa Hà Nội dành 10-20%. Điều này thực sự gây hoang mang cho lứa HS lớp 12 năm nay cũng như cho cả thầy cô giáo”- cô Hà nói.

Cùng với đó, hiện có gần 10 trường sẽ căn cứ kết quả thi Đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội và gần 50 trường sử dụng kết quả kỳ thi Đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội trong tuyển sinh lại gia tăng thử thách cho HS bởi cách thức, cấu trúc đề của hai kỳ thi này khác biệt và có độ khó, tính phân hóa cao hơn so với thi tốt nghiệp. Để tăng cơ hội, nhiều HS vừa “cày” kiến thức và dạng đề thi tốt nghiệp vừa tiếp cận, làm quen với cấu trúc đề của kỳ thi Đánh giá năng lực hoặc Đánh giá tư duy. Mỗi lớp có các định hướng khác nhau nên trong tiết học, thầy cô cũng chỉ đủ thời gian giảng dạy kiến thức cơ bản để hướng tới kỳ thi tốt nghiệp, thành ra HS rất vất vả trong việc ôn tập, ứng phó với các kỳ thi.

“Em thấy hoang mang với kỳ tuyển sinh sắp tới. Em muốn thi vào ĐH Kinh tế Quốc dân, vẫn dành tổng lực để ôn thi tốt nghiệp mà nay chỉ tiêu giảm như vậy, cơ hội của em sẽ ít đi rất nhiều. Em đành chuyển hướng sang ôn thêm kỳ thi Đánh giá năng lực nhưng do chưa tìm hiểu kỹ từ trước nên giờ rất lúng túng”.- Nguyễn Hà Linh, học sinh lớp 12 trường THPT Nguyễn Trãi, quận Ba Đình bộc bạch.

Bình tĩnh ôn luyện vì "cửa" vẫn sáng

Nhìn ở khía cạnh tích cực, thầy Hoàng Chí Sỹ - Hiệu trưởng trường THPT Hợp Thanh, huyện Mỹ Đức đánh giá: Về cơ bản HS lớp 12 năm nay xác định tinh thần học online không phải là “học tạm” nữa mà là học ổn định, lâu dài. Đầu tháng 12, các em lại được đến trường 3 buổi/tuần. Nếu được duy trì hình học như hiện nay thì kết quả sẽ khả quan, không có gì phải lo ngại. Theo hướng dẫn của Bộ và Sở, chương trình được giảm tải nhiều so với mọi năm nên đề thi chắc chắn sẽ nhẹ hơn; không ra vào các phần đã tinh giản. Trên cơ sở đó, kết quả tốt nghiệp sẽ ổn định bởi các em vẫn nắm được kiến thức cốt lõi.

Nắm chắc kiến thức cốt lõi cùng thái độ ôn tập bình tĩnh sẽ tạo cửa sáng cho thí sinh
Nắm chắc kiến thức cốt lõi cùng thái độ ôn tập bình tĩnh sẽ tạo cửa sáng cho thí sinh

Còn em Nguyễn Mai Huyền, HS lớp 12 quận Hai Bà Trưng cho rằng, việc các bạn HS hốt hoảng khi thấy có trường giảm chỉ tiêu thi tốt nghiệp; tăng cường xét tuyển kết quả kỳ thi Đánh giá năng lực, Đánh giá tư duy là “quá vội vàng”. Theo Mai Huyến, số ít trường công bố giảm chỉ tiêu thi tốt nghiệp thì đều thuộc hàng tốp cao; nhiều trường khác vẫn lấy 40-50% chỉ tiêu theo phương thức này; số còn lại chưa công bố. Phương án tuyển sinh rất đa dạng phương thức và cũng có rất nhiều trường để lựa chọn. Nếu không phù hợp với trường này có thể tìm hiểu và nộp hồ sơ trường khác để cơ hội của mình tăng lên. Vì vậy, thay vì lo lắng và mất tinh thần, các bạn hãy tự tin, bình tĩnh, dành thời gian để ôn luyện.

“Giáo viên sẽ lên kế hoạch ôn tập cho HS từ tháng 2. Các em đăng ký học theo khối và giáo viên sẽ có lớp ôn tập chuyên sâu. Vì kiến thức học rất rộng nên hiện tại trên lớp thầy cô sẽ đảm bảo nội dung dạy học đúng chương trình cho các em. Ngoài ra, trường cho HS tham gia các buổi tư vấn để tìm hiểu, xem xét và lĩnh hội về phương thức xét tuyển ĐH năm 2022. Và dù thi tốt nghiệp, thi Đánh giá tư duy hay Đánh giá năng lực thì đề thi vẫn dựa theo kiến thức chung nên trước mắt các em cần nắm chắc kiến thức cơ bản”- Hiệu trưởng trường THPT Lê Quý Đôn (Hà Đông) Nguyễn Gia Khánh chia sẻ.

Trước nhiều băn khoăn của giáo viên, HS, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD&ĐT) Nguyễn Xuân Thành cho hay, cách thi tốt nghiệp THPT với thi Đánh giá năng lực có thể khác nhau về hình thức thi, cấu trúc đề nhưng không có sự khác nhau đáng kể nào về nội dung, phạm vi kiến thức. Các bài kiểm tra, đánh giá, thi đối với HS nhìn chung đều phải dựa vào kiến thức, kỹ năng của chương trình mà HS đã học; trong đó yêu cầu các em phải huy động được những kiến thức, kỹ năng để giải quyết các vấn đề đặt ra theo các mức độ khác nhau. Bởi vậy, nếu HS nắm vững kiến thức, kỹ năng một cách có hệ thống; có năng lực huy động, vận dụng kiến thức, kỹ năng đã học theo các mức độ yêu cầu của chương trình thì dù đề kiểm tra, đánh giá được cấu trúc thế nào thì các em vẫn làm được tốt. Ngoài ra, HS cũng nên tham khảo, luyện tập theo đề thi minh họa tương ứng để đáp ứng được yêu cầu của các kỳ thi.