Học thủy văn không có nghĩa đi đo mực nước!

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Nhiều sinh viên tốt nghiệp chia sẻ với tôi, học chuyên ngành Thủy văn khi đi làm càng thấy hay và đam mê” - PGS.TS Phạm Thị Hương Lan - Chủ nhiệm khoa Thủy văn và Tài nguyên nước, ĐH Thủy lợi cho biết.

Không như cách suy nghĩ của nhiều người rằng, sinh viên tốt nghiệp khoa Thủy văn và Tài nguyên nước khi ra trường sẽ chỉ làm việc ở ruộng đồng, PGS Lan còn khẳng định, các em có rất nhiều cơ hội việc làm ở những bộ, ngành liên quan đến ngành nghề mình học. Chẳng hạn, Bộ NN&PTNT,  Bộ Tài nguyên - Môi trường, Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải. Trước đây, nói đến thủy văn người ta thường nghĩ đi đo mực nước ở các trạm thủy văn, nhưng thực tế không phải vậy. Ở trường ĐH Thủy lợi, khi học thủy văn là bao gồm cả quản lý tài nguyên nước. Ngành nghề này vừa mang tính kỹ thuật, vừa mang tính khoa học. Do đó, trước hết, yêu cầu các em phải yêu ngành nghề. Tiếp đến là có năng lực, sức khỏe và ngoại ngữ giỏi thì khả năng học lên cao sẽ rất tốt. Trên thế giới, học bổng dành cho ngành tài nguyên nước bậc sau đại học rất nhiều, có năm ở khoa chúng tôi không có người để đi học. Nếu các em học giỏi và có ngoại ngữ cũng như phương pháp toán làm việc thì càng nhiều cơ hội xin việc hơn so với các ngành khác.

Không những thế, nhiều cựu sinh viên ngành này cho biết, càng đi làm thì càng thấy hay và đam mê. Các em sẽ khám phá ra nhiều vấn đề. Ví dụ, biến đổi khí hậu càng ngày càng khắc nghiệt hơn và người ta nghiên cứu về vấn đề này chưa bao giờ hết. Cụ thể là những yếu tố bất thường của thiên tai gây ra ảnh hưởng rất nhiều đến môi trường và cuộc sống của con người. Vấn đề khai thác thủy điện ảnh hưởng đến hạ du như thế nào. Ngành Thủy văn sẽ đánh giá ảnh hưởng của chế độ thủy văn, chế độ hoạt động khai thác của các công trình thủy điện đến chế độ dòng chảy trên lưu vực…

So với ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), ĐH Tài nguyên và môi trường, chương trình đào tạo của ĐH Thủy lợi thiên về đào tạo tự nhiên, ứng dụng phục vụ cho các ngành khác liên quan đến vấn đề về nước. Trong suốt khóa học, sinh viên được cung cấp kiến thức để hiểu về khoa học ngành thủy văn. Trong đó, gồm quy hoạch quản lý tài nguyên nước, quy hoạch chỉnh trị sông và bờ biển, quản lý tổng hợp lưu vực sông, các phương pháp luận nghiên cứu khoa học, quy hoạch quản lý các hệ thống công trình, biết sử dụng bộ công cụ mô hình toán, sử dụng các công cụ phân tích thống kê. Đặc biệt, sinh viên năm thứ ba và năm cuối có chuyên môn về ngoại ngữ sẽ được tiếp xúc và tham gia thực hiện một phần các đề tài cứu khoa học cấp Nhà nước, cấp Bộ, cấp trường. Năm 2015 này, khoa Thủy văn và Tài nguyên nước tuyển khoảng 90 chỉ tiêu, điểm trúng tuyển bằng điểm đầu vào của trường, khoảng 15 điểm. Cơ hội việc làm của các em sau 6 tháng tốt nghiệp được 50% (không tính các em học lên cao), sau 2 năm là gần 100%.