Học trực tuyến: Nỗi lo rớt mạng

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc học trực tuyến của học sinh thông qua phần mềm Zoom đang gặp rất nhiều khó khăn do tình trạng rớt mạng xảy ra quá thường xuyên. Một trong những giải pháp là chuyển sang các phần mềm giáo dục khác, tuy ít phổ biến hơn nhưng chất lượng thì không hề thua kém.

Zoom: “Ác mộng” rớt mạng
Hôm qua (6/9) là thời điểm học sinh trên cả nước bắt đầu học trực tuyến. Và vấn đề rớt mạng đã thực sự trở thành cơn “ác mộng” đối với phụ huynh cũng như học sinh khi việc học tập liên tục bị gián đoạn. 
Nói về ngày đầu tiên con mình học online, anh Tuấn Quang (Long Biên) cho biết đó thực sự là một trải nghiệm tồi tệ. Theo lịch, 8 giờ 15 phút là thời điểm lớp học bắt đầu, trước đó 15 phút, anh Quang đã chuẩn bị sẵn sàng máy tính cũng như kiểm tra kỹ càng lại mạng internet để con mình có một buổi học suôn sẻ. Tuy nhiên những thứ diễn ra tiếp theo lại không hề dễ chịu.

 Việc học qua Zoom thường xuyên bị gián đoạn 
Đầu tiên phải kể đến quá trình đăng nhập vào phần mềm học trực tuyến Zoom vô cùng khó khăn, phải mất tới hơn 5 phút thoát ra vào lại liên tục thì mới có thể truy cập thành công. Trong quá trình học việc bị tự động bị thoát khỏi phòng, không nghe hoặc nhìn thấy hình ảnh của cô giáo cũng diễn ra khá thường xuyên. Thậm chí, để có chất lượng mạng tốt hơn, thay vì ngồi trong phòng, anh Quang đã phải mang máy tính của con ra ngồi cạnh cục phát Wifi nhằm tránh tình trạng rớt mạng.
Trên nhóm Zalo của lớp, trong suốt buổi học liên tục các tin nhắn của phụ huynh phản ánh “con rớt mạng cô duyệt lại cho con vào”, “sao màn hình của cô không hiện lên”, “tại sao con không nghe thấy tiếng gì” … Do đó, việc phụ huynh cùng cô giáo phối hợp để xử lý các sự cố này đã chiếm tới 2/3 thời gian của tiết học, anh Quang kể lại.
Được biết, tình trạng mà anh Tuấn Quang và con mình gặp phải không phải là cá biệt. Việc gián đoạn tiết học vì rớt mạng diễn ra khá phổ biến. Tuy nhiên, có thể nhận thấy phần lớn phàn nàn là đến từ những trường hợp học qua Zoom, phần mềm học trực tuyến được sử dụng rất phổ biến.
Theo chuyên gia công nghệ thông tin Nguyễn Đinh Hoàng, có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng thường xuyên rớt mạng khi học trực tuyến qua phần mềm Zoom. Không chỉ là ứng dụng được sử dụng để học trực tuyến  nhiều nhất tại Việt Nam, mà Zoom còn được nhiều doanh nghiệp trong nước dùng để làm việc online. Tuy nhiên hầu hết lại sử dụng miễn phí nên có nhiều hạn chế, chẳng hạn như với lớp học diễn ra khoảng 40 phút là sẽ tự động thoát, khi có quá đông người tham gia chất lượng hình ảnh sẽ không được đảm bảo ….
Bên cạnh đó, do việc giãn cách xã hội vì dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khiến nhu cầu học tập và làm việc tại nhà tăng mạnh, nhất là vào ngày 6/9 học sinh trên cả nước đồng loạt học online điều này dễ khiến hạ tầng mạng của các nhà cung cấp internet quá tải ở một số thời điểm. Đây cũng có thể là một trong những nguyên nhân khiến việc học trực tuyến không ổn định.
Đáng chú ý, vào ngày 4/9, tuyến cáp biển AAE-1 lần thứ 2 trong năm 2021 đã gặp sự cố, bên cạnh đó dung lượng của tuyến cáp AAG Việt Nam-Singapore vẫn chưa được khắc phục từ đầu tháng 8/2021 khiến kết nối từ Việt Nam đí quốc tế bị ảnh hưởng khoảng 20%. Và với việc các máy chủ của Zoom đặt ở nước ngoài nên chất lượng kết nối của phần mềm này sẽ bị giảm sút đáng kể. 
Để hạn chế sự cố khi dạy và học trên Zoom, chuyên gia Nguyễn Đinh Hoàng cũng đưa ra một vài giải pháp. Có thể kể đến như mua tài khoản tính phí nhằm loại bỏ giới hạn 40 phút tự động thoát, phân thành nhiều ca học với mỗi ca từ 20-30 học sinh. Sử dụng song song hoặc chuyển qua các phần mềm học trực tuyến khác có ít người dùng Việt Nam hơn như Microsoft Teams, Google Classroom … mà chất lượng không hề thua kém.
Phần mềm học trực tuyến thay thế
Có thể nhận thấy việc thường xuyên rớt mạng khi sử dụng Zoom để học trực tuyến một phần bắt nguồn từ việc có quá đông người sử dụng. Do đó, chuyển sang sử dụng một phần mềm khác có thể sẽ giúp mọi thứ trở nên suôn sẻ hơn. Theo khảo sát, hiện đang có một số phần mềm học trực tuyến được sử dụng ở Việt Nam tuy không phổ biến bằng Zoom nhưng việc bị ca thán về sự cố là rất ít.
Microsoft Teams: Với việc được tích hợp sẵn các công cụ như Word, Excel, PowerPoint … phần mềm này không chỉ hỗ trợ tốt cho học sinh trong quá trình học tập mà còn giúp giáo viên, giảm thiểu thời gian soạn bài qua đó khiến việc giảng dạy trở nên đơn giản và nhanh chóng hơn. Ngoài ra với việc sử dụng công nghệ đám mây, học sinh có thể nghe và xem lại bài giảng trước đó.

 VNPT E-Learning: Một trong những giải pháp học trực tuyến hàng đầu Việt Nam
Google Classroom: Là sản phẩm chuyên dành cho giáo dục đến từ gã khổng lổ công nghệ Google, ứng dụng này rất dễ sử dụng đối với người dùng, đặc biệt là các học sinh cấp 1. Giao bài tập, giao tiếp và lưu trữ là các tính năng  được đánh giá cao mà khó có phần mềm học trực tuyến nào có thể vượt qua được Google Classroom.
VNPT E-Learning: Là sản phẩm nổi bật trong hệ sinh thái giáo dục của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đang được sử dụng tại hơn 20.000 cơ sở giáo dục trên toàn quốc. Ứng dụng này không chỉ có nhiều tính năng phục vụ tốt cho việc học tập mà việc kết nối giữa giáo viên - học sinh - phụ huynh cũng được thực hiện toàn diện. Ngoài ra, người dùng VNPT E-Learning cũng có thể nhận được sự hỗ trợ 24/7 từ các kỹ sư trình độ cao của VNPT.
MobiEdu: Thêm một giải pháp học trực tuyến đến từ nhà mạng trong nước MobiFone. Nền tảng này đáp ứng được đầy đủ nhu cầu dạy và học thông qua các khóa học, kiểm tra, đánh giá năng lực có sẵn trên hệ thống. Chỉ mất 5 phút, thầy cô giáo có thể tạo thành công một lớp học trực tuyến với thương hiệu riêng và giao diện tùy chỉnh theo nhu cầu.