Học ứng xử xưa và nay

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cách đối nhân xử thế rất được trọng trong đời sống hàng ngày. Người xưa coi đó là thước đo hàng đầu của người thành đạt và xem đây là việc hiển nhiên. Những lời dạy ứng xử đó vẫn còn tác dụng với thời nay.

Ngày xưa chế độ phong kiến và nho giáo, việc người này đối xử, giao tiếp và đàm đạo với người kia luôn dùng các từ rất mỹ miều, xem đó như là văn hóa ứng của người xưa. Văn hóa đối nhân xử thế luôn được xem trọng trong gia đình, xã hội và cả trong môi trường dạy học. Các cuộc thi để chọn ra trạng nguyên làm quan đều đặt tiêu chí đối nhân xử thế lên hàng đầu rồi mới đến luận về văn chương. Đối nhân xử thế luôn phải đúng chuẩn mực và đặt nặng về tính nhân văn, cư xử khôn khéo.
Người xưa trọng lễ nghễ và nghi lễ, chào hỏi, cung phụng… Cách đối nhân xử thế của người xưa rất chú trọng cách ăn mặc, đi đứng, quan hệ gia đình, cho đến những giá trị của xã hội. Tiêu chí ứng xử là: Nhân - Lễ - Nghĩa -Trí - Tín. Nghĩa là dùng Nhân để đối đãi cư xử với người khác. Người này đối nhân và đàm đạo với người khác hiểu biết sâu sắc về xử thế là rất quan trọng. Người xưa cũng dùng Lễ để thể hiện sự tôn kính và thành khẩn.
Lễ tiết được xem là trật tự của tự nhiên, của trời đất và cũng là quy tắc của con người với con người trong cuộc sống. Thời cổ đại người ta dùng lễ để hạ mình tôn người, để biểu đạt lòng chung thành và cung kính của mình với người khác. Khổng Tử dạy: “Bất học lễ, vô dĩ lập”, ý nói không học lễ làm sao có thể đứng vững được. Điều này chứng tỏ người xưa vô cùng coi trọng việc học lễ và hành lễ.

Ngày nay, mỗi dịp gặp mặt, mỗi dịp lễ Tết, người ta thường chúc nhau phát tài để thể hiện tấm lòng đối với nhau. Người hiện đại coi trọng hiền tài, của cải như vậy thực sự là khác biệt so với quan niệm của người xưa. Người xưa cũng rất trọng nghĩa khí và luôn coi thường lợi. Ngoài ra, đối nhân xử thế của người xưa còn phải theo tu dưỡng trí và đặc biệt là trọng chữ tín. Xã hội là một cộng đồng những con người chung sống cùng nhau, giữa họ có rất nhiều mối quan hệ, nên nếu mỗi người chỉ biết xuất phát từ lợi ích của mình để đối xử với người khác mà không thấy được quyền lợi của người khác thì xã hội sẽ xảy ra bao thảm kịch.

Các cụ ta vẫn dạy, người ta chỉ cần hai năm để học nói, nhưng lại cần tới vài chục năm để biết cách ứng xử. Nói chuyện là nghệ thuật - quan niệm này vẫn đúng từ xưa cho đến nay. Chẳng hay bạn có chú ý hay không, chỉ một vài lời nói đơn giản thôi đã có thể khiến cho một người hoàn toàn phật ý, lại cũng có thể khiến một người vui vẻ đến tận mấy ngày.

Ngày nay, môi trường ứng xử của con người không chỉ bó hẹp ở không gian hẹp mà còn có môi trường ứng xử đời thực và môi trường ứng xử trên mạng xã hội. Dù ở bất kỳ môi trường nào thì con người cũng không thể bỏ qua những nguyên tắc đối nhân xử thế mà ông cha ta đã từng dạy.

Ngoài ra, để cập nhật với công nghệ mới, đối với ứng xử trên mạng xã hội có thể đúc kết một số nguyên tắc sau: Luôn cần có thái độ tôn trọng người khác, biết quan tâm, lắng nghe, chia sẻ, thông cảm. Mọi lời nhận xét, bình luận phải khách quan và tế nhị, tỏ thái độ, cảm xúc phù hợp, không nói xấu, kéo bè cánh nhằm hạ thấp danh dự, nhân phẩm của người khác. Biết cách chọn bạn và quản lý danh sách bạn bè, không nên quá nhiều bạn khiến cho việc kiểm soát thông tin khó khăn. Trước khi kết bạn với những người mới, cần tìm hiểu một cách kỹ lưỡng.

Suy nghĩ kỹ về những gì nói và đăng trên mạng, có trách nhiệm với lời nói, hành vi. Tìm hiểu kỹ các nguồn thông tin để kiểm chứng, không nên đưa ra những nhận xét, bình luận vội vàng, không đúng hoặc ác ý. Đưa hình ảnh phù hợp lên mạng, không đưa những hình ảnh hở hang, mang tính khiêu dâm hoặc bạo lực, ảnh selfie diễn ra ở những nơi không phù hợp (đám tang, tai nạn giao thông...). Đề phòng kẻ xấu có thể sử dụng những bức ảnh cho những mục đích không tốt đẹp.
Trước khi đăng tải những bức ảnh và các câu chuyện của bạn bè cần có lời xin phép và được sự đồng ý của họ. Có ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa ứng xử của dân tộc, giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt khi giao tiếp trên mạng xã hội. Không nên dùng từ ngữ tục tĩu hoặc từ lạ không có trong từ điển tiếng Việt, không nên dùng tiếng lóng, từ viết tắt hoặc ngôn ngữ pha tạp. Phản ứng thận trọng trước các vấn đề nảy sinh trên mạng xã hội.