Học viện Ngoại giao dành 70% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển sớm

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Theo thông tin tuyển sinh Học viện Ngoại giao vừa công bố, năm 2023, đơn vị dự kiến tuyển 2.100 sinh viên với 4 phương thức xét tuyển, trong đó phương thức xét tuyển sớm tuyển gần 1.500 chỉ tiêu (chiếm 70%).

Sinh viên Học viện Ngoại giao (Ảnh: dav.edu)
Sinh viên Học viện Ngoại giao (Ảnh: dav.edu)

Chỉ tiêu mỗi ngành như sau: Quan hệ quốc tế (460), Truyền thông quốc tế (460), Kinh doanh quốc tế (260), Kinh tế quốc tế (260), Ngôn ngữ Anh (200), Luật quốc tế (200), Châu Á- Thái Bình Dương học (160), Luật thương mại quốc tế (100).

Phương thức tuyển sinh 1 của học viện là xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT, chiếm 3% chỉ tiêu.

Phương thức 2 là xét tuyển sớm dựa trên kết quả học tập THPT và điểm ưu tiên bao gồm điểm ưu tiên theo quy định của Bộ GD&ĐT (nếu có) và điểm ưu tiên theo quy định của Học viện (70%). Các thí sinh xét tuyển theo phương thức này phải thuộc một trong các đối tượng:

Thí sinh đủ điều kiện xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy định của Bộ GD&ĐT muốn đăng ký xét tuyển sớm theo quy định của Học viện.

Thí sinh đoạt giải Khuyến khích/tham gia kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, quốc tế hoặc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia, quốc tế do Bộ GD&ĐT tổ chức, cử tham gia; thời gian đoạt giải/tham gia không quá 3 năm tính tới thời điểm xét tuyển.

Thí sinh đoạt giải Nhất, Nhì, Ba trong Kỳ thi HSG cấp Tỉnh/Thành phố trực thuộc trung ương lớp 10, lớp 11 hoặc lớp 12.

Thí sinh là học sinh trường THPT chuyên theo Thông tư của Bộ GD&ĐT, hoặc trường THPT trọng điểm quốc gia chất lượng cao.

Thí sinh có một trong các Chứng chỉ quốc tế còn giá trị sử dụng tính đến ngày nộp hồ sơ xét tuyển gồm:

Tiếng Anh: IELTS Academic từ 6.0 trở lên, hoặc TOEFL iBT từ 60 trở lên, hoặc các Chứng chỉ Cambridge English Qualifications từ 169 điểm trở lên, hoặc SAT từ 1200 trở lên, hoặc ACT từ 25 điểm trở lên; Tiếng Pháp: từ DELF-B1 trở lên hoặc TCF từ 300 điểm trở lên; Tiếng Trung Quốc: từ HSK 4 (mức điểm từ 270) trở lên; Tiếng Hàn Quốc: từ Topik 3 trở lên; Tiếng Nhật Bản: từ N3 trở lên.

Phương thức 3: Học viện dành 2% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển dựa trên kết quả phỏng vấn và điểm ưu tiên bao gồm điểm ưu tiên theo quy định của Bộ GD&ĐT (nếu có) và điểm ưu tiên theo quy định của Học viện đối với thí sinh tốt nghiệp chương trình THPT của nước ngoài (đã được nước sở tại cho phép thực hiện, đạt trình độ tương đương trình độ THPT của Việt Nam) ở nước ngoài hoặc ở Việt Nam; hoặc có thời gian học tập ở nước ngoài và ở Việt Nam, tốt nghiệp chương trình THPT ở Việt Nam và có một trong các Chứng chỉ quốc tế còn giá trị sử dụng tính đến ngày nộp hồ sơ xét tuyển. 

Phương thức 4 là xét kết quả thi tốt nghiệp THPT 2023 (25%). Với phương thức này, học viện không sử dụng kết quả miễn thi môn ngoại ngữ, không sử dụng kết quả điểm thi được bảo lưu từ kỳ thi tốt nghiệp THPT các năm trước, không cộng điểm ưu tiên cho thí sinh có chứng chỉ nghề.

Bạn đọc xem thông tin tuyển sinh Học viện Ngoại giao 2023 TẠI ĐÂY