Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hội chợ Đặc sản vùng miền 2018: Kết nối cung cầu, đẩy mạnh xuất khẩu

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc tổ chức Hội chợ Đặc sản vùng miền và triển lãm “Mỗi làng một sản phẩm - OVOP” đã tạo điều kiện để DN quảng bá thương hiệu, đẩy mạnh xuất khẩu.

 Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư -Thương mại - Du lịch Hà Nội (HPA) Nguyễn Thị Mai Anh
Đó là khẳng định của Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư -Thương mại - Du lịch Hà Nội (HPA) Nguyễn Thị Mai Anh trong cuộc trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị về hội chợ Đặc sản vùng miền diễn ra từ 21 - 25/11, tại Trung tâm Thương mại Vincom Mega Mall, Royal City (Hà Nội).
Đây là lần thứ năm HPA tổ chức Hội chợ Đặc sản vùng miền, ngoài quảng bá sản phẩm của từng địa phương, hội chợ lần này đặt ra thêm những mục tiêu gì, thưa bà?

- Các tỉnh, thành của Việt Nam đều có sản phẩm đặc trưng nhưng tại một số địa phương, DN sản xuất chưa nhận thức đầy đủ tiềm năng phát triển nên “quên” xây dựng kế hoạch phát triển trên quan điểm xây dựng tiêu chí và thương hiệu cho sản phẩm. Điều này dẫn đến hiệu quả sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thấp, đặc biệt là xuất khẩu gặp nhiều khó khăn. Thậm chí, một số sản phẩm tiêu biểu, đặc sản của địa phương đang dần bị mai một.

Nhằm hỗ trợ DN khắc phục yếu điểm này, HPA tổ chức kết nối với các tỉnh, thành để giới thiệu, quảng bá đặc sản vùng miền, kết nối cung - cầu. Đặc biệt, thông qua chương trình này, các nhà quản lý sẽ cùng với DN tìm ra các giải pháp để đưa đặc sản vùng miền hàng Việt vào hệ thống bán lẻ hiện đại. Đồng thời kết nối giữa DN sản xuất với nhà bán lẻ quốc tế Nhật Bản, qua đó xuất khẩu sản phẩm tới thị trường này thông qua hệ thống siêu thị AEON. Có thể nói đây là một trong những chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm thực hiện liên kết Hà Nội với cả nước, hỗ trợ DN quảng bá sản phẩm đặc sản vùng, miền đến với thị trường Hà Nội, đẩy mạnh xuất khẩu.
Doanh nghiệp Sơn La giới thiệu đặc sản thịt bò gác bếp tại Hội chợ Đặc sản vùng miền 2017. Ảnh: Hoài Nam
Hội chợ lần này đã thu hút được bao nhiêu DN và tỉnh, thành tham gia?

- Nếu như trong kỳ tổ chức năm 2016 và 2017 hội chợ chỉ có quy mô 200 gian hàng thì trong kỳ tổ chức lần này quy mô lên tới gần 300 gian hàng với sự tham gia của hơn 200 DN Việt Nam. Đặc biệt, hội chợ lần này còn thu hút được DN, một số nước như Bungari, Pakistan, Sri Lanka, Slovakia, Indonesia, Nhật Bản... tham gia trưng bày sản phẩm, trình diễn nghệ thuật ẩm thực. Ngoài ra, Triển lãm “Mỗi làng một sản phẩm” quy tụ gần 100 gian hàng của trên 20 làng nghề tiêu biểu của TP Hà Nội.

Hội chợ được thiết kế, dàn dựng thể hiện hình ảnh các vùng miền, khu vực và tổ chức thành các khu chuyên biệt: Khu gian hàng đặc sản thương hiệu vùng miền, khu nghệ thuật thực phẩm, khu chợ quê, khu không gian chè và cà phê, khu giao thương của các DN... Các sản phẩm đặc trưng của các vùng, miền quy tụ tại chương trình lần này gồm: Thủy hải sản, bánh kẹo, chè, cà phê, hoa quả tươi, đồ uống, thực phẩm chế biến, nông sản, nhóm sản phẩm gia vị… Riêng Hà Nội sẽ giới thiệu một số sản phẩm đặc sản như: Cốm làng Vòng, bánh cốm, giò chả Ước Lễ, nem Phùng, mứt hạt sen trần, kẹo lạc (Sơn Tây), chè lam (Thạch Thất). Tại Triển lãm OVOP, các nghệ nhân Hà Nội sẽ trưng bày, giới thiệu các mặt hàng thủ công mỹ nghệ như: Gốm sứ của làng nghề Bát Tràng, Giang Cao, lụa Vạn Phúc, sơn mài Bối Khê, Duyên Thái...

Người tiêu dùng rất quan tâm đến VSATTP, xuất xứ nguồn gốc hàng hóa. Vấn đề này được Ban tổ chức triển khai như thế nào, thưa bà?

- Để nâng cao chất lượng, hiệu quả của hội chợ, HPA đặc biệt quan tâm đến vấn đề nguồn gốc hàng hóa, bảo đảm ATTP. Theo đó, HPA đã yêu cầu DN tham gia hội chợ phải có đầy đủ giấy tờ xác nhận là đặc sản của địa phương; Giấy đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP do Sở Công Thương các tỉnh, thành xác nhận; Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý, xuất xứ hàng hóa. Ngoài ra sản phẩm bày bán tại hội chợ phải được đóng gói kín hoặc đựng trong lọ/hộp có nắp đậy, có phương tiện che đậy, tránh bụi, côn trùng gây ô nhiễm thực phẩm. Hàng hóa phải niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, sản phẩm đóng gói phải ghi rõ định lượng, định tính...

Bên cạnh đó, HPA phối hợp với Cục Quản lý thị trường Hà Nội, Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm kiểm tra, ngăn chặn hiện tượng DN đưa vào hội chợ sản phẩm không rõ nguồn gốc sản xuất, hàng nhái nhãn mác. Nếu phát hiện vi phạm sẽ xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Hội chợ Đặc sản vùng miền là một trong những hoạt động trọng tâm của TP Hà Nội nhằm hỗ trợ DN quảng bá sản phẩm, kết nối cung cầu đẩy mạnh xuất khẩu. Vậy trong thời gian diễn ra hội chợ, hoạt động kết nối cung cầu sẽ được tổ chức như thế nào, thưa bà?

- Trong thời gian diễn ra hội chợ, HPA sẽ tổ chức Hội nghị “Giao thương kết nối cung cầu hàng hóa giữa Hà Nội và các tỉnh, TP năm 2018”. Đây là năm đầu tiên HPA tổ chức hội nghị Kết nối cung cầu kết hợp với hội chợ Đặc sản vùng miền.

Hội nghị nhằm tạo điều kiện cho các cơ sở, DN sản xuất, phân phối trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh, TP gặp gỡ, tìm hiểu thông tin thị trường, kết nối cung cầu hàng hóa, phát triển hệ thống phân phối, phục vụ nhu cầu tiêu dùng thị trường trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu. Hội nghị còn nhằm triển khai các chương trình hợp tác giữa Hà Nội và các tỉnh, thành trong cả nước về thương mại, nông nghiệp, tổng hợp các dữ liệu về tình hình hợp tác, cung ứng sản phẩm của các địa phương với Hà Nội. Trên cơ sở đó để định hướng các vùng sản xuất tập trung cung cấp hàng hóa giữa các địa phương với Hà Nội để Hà Nội trở thành trung tâm tiêu thụ và kết nối sản phẩm xuất khẩu cho các thị trường.

Nhằm hỗ trợ DN đẩy mạnh xuất khẩu, HPA đã liên tục tổ chức chương trình quảng bá sản phẩm tới thị trường quốc tế, tuy nhiên do mẫu mã sản phẩm chưa đáp ứng được yêu cầu nên việc xuất khẩu chưa đạt được kết quả như mong muốn. Vậy DN nên có giải pháp nào để đẩy mạnh xuất khẩu mở rộng thị trường tiêu thụ?

- Muốn đẩy mạnh xuất khẩu đặc sản vùng miền đòi hỏi DN cần nâng cao chất lượng sản phẩm theo hướng đầu tư hệ thống sản xuất hợp quy chuẩn theo quy định, được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý, xuất xứ hàng hóa. Đồng thời cải tiến chất lượng mẫu mã, bao bì theo từng nhóm đối tượng khách hàng cụ thể, có tính thẩm mỹ cao. Ngoài ra, DN cần tìm hiểu thị trường tiêu thụ, qua đó xây dựng kế hoạch quảng bá thương hiệu, sản phẩm, trước mắt tập trung xây dựng, phát triển thương hiệu tại thị trường nội địa. Sau khi đã có đầy đủ kinh nghiệm quảng bá, xây dựng được mối liên kết với các DN xuất khẩu mới đưa sản phẩm ra thị trường quốc tế.

Xin cảm ơn bà!

"Đã 4 lần DN tham gia hội chợ đặc sản vùng miền, chúng tôi thấy chất lượng hội chợ càng ngày càng được cải thiện. Thông qua hội chợ, DN kết nối với các nhà phân phối đưa sản phẩm của DN đến với người tiêu dùng Thủ đô. Chúng tôi mong muốn hội chợ được tổ chức thường xuyên hơn trong năm để tạo điều kiện cho DN quảng bá, tiêu thụ sản phẩm." - Tổng Giám đốc Công ty MTV Phạm Nghĩa T&N (Cần Thơ) Phạm Trọng Nghĩa