Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hội chứng đám đông từ một góc nhìn

Việt Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hội chứng đám đông là khái niệm không còn mấy xa lạ trong đời sống xã hội. Thường thì hội chứng đám đông hình thành theo kiểu tự phát, dẫn đến hậu quả có tác động tiêu cực đến đời sống văn hóa, xã hội, thậm chí gây thiệt hại về kinh tế cho cá nhân, cộng đồng.

Người tham gia giao thông vượt đèn đỏ tại nút giao Nguyễn Sơn - Nguyễn Văn Cừ,quận Long Biên. Ảnh: Công Hùng
Hội chứng đám đông ảnh hưởng tiêu cực đến việc xây dựng văn hóa giao thông. Biểu hiện dễ thấy nhất là tình trạng vượt đèn đỏ tập thể. Lẽ thường và theo luật, tại một điểm nút giao thông, mọi phương tiện đều dừng lại khi có đèn đỏ. Tuy nhiên, ở một vài nơi, vào thời điểm pha đèn đỏ được quãng 1/2 hoặc 1/3 thời gian, bỗng nhiên có một người đi xe máy vượt lên, rồi 2 - 3 người và cuối cùng là hầu hết người đi xe máy vượt đèn đỏ. Điều tệ hại của hiện tượng này là bản thân những người tôn trọng luật bị biến thành số ít, thậm chí còn bị khích bác, kì thị. Đôi lúc, bản thân họ, nếu không vững vàng, thiếu bản lĩnh cũng sẽ thấy dao động. Một trường hợp khác cũng xảy ra tương tự, đó là tệ đi xe máy trên vỉa hè. Đường đông, xe cộ ùn ứ. Một người đi xe máy lao lên vỉa hè. Rồi 2 - 3 người và cuối cùng là cả một dòng người đi xe máy ngang nhiên chiếm vỉa hè của người đi bộ.

Những trường hợp phạm luật giao thông bởi hội chứng đám đông có thể thấy ở nhiều lúc, nhiều nơi. Mới đây nhất, là chuyện xe máy đi ngược chiều tại công trường xây dựng đường trên cao Vành đai 2, đoạn qua điểm giao cắt ngã tư Trường Chinh - Lê Trọng Tấn - Tôn Thất Tùng. Để phục vụ việc thi công, cơ quan chức năng đã phân luồng tạm thời, các phương tiện đi theo chiều Ngã Tư Vọng đến Ngã Tư Sở hoặc từ đường Tôn Thất Tùng sang muốn qua điểm giao cắt phải vòng một đoạn rồi quay đầu để vào Lê Trọng Tấn. Tuy nhiên, để tiết kiệm thời gian, nhiều người điều khiển xe máy đã đi ngược chiều ở cả hai phía của đường Trường Chinh để rẽ vào Lê Trọng Tấn. Hội chứng đám đông trong trường hợp này tạo ra một dòng người và phương tiện vi phạm luật và tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn rất cao. Và thực tế đã có những vụ va chạm xảy ra. Đáng nói là lực lượng chức năng dường như không để ý đến tình trạng nguy hiểm này! Cái nguy hại của hội chứng đám đông là nó dẫn đến tình trạng mỗi cá nhân dần đánh mất mình, bằng lòng với cách sống theo đám đông, dù biết đó là hành vi sai trái.

Hội chứng đám đông ở lĩnh vực văn hóa giao thông dường như chưa được nhận diện một cách đầy đủ, mặc dù hệ lụy nó gây ra là không hề nhỏ. Rõ ràng, các cơ quan chức năng cần có biện pháp quyết liệt để ngăn chặn sự xuất hiện và lây lan của tình trạng đáng lo ngại này trong khi nó còn chưa gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Mặt khác, nhận diện hiện tượng tiêu cực này, đấu tranh với nó để xây dựng và thực thi văn hóa giao thông là việc mà mỗi người và cả cộng đồng cần quan tâm thực hiện!