Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Hỏi-đáp] Quyền và nghĩa vụ của các bên trong hòa giải ở cơ sở

Phó Trưởng phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật (Sở Tư pháp Hà Nội) Đỗ Như Quỳnh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - "Tôi dự định gửi đơn yêu cầu tổ hòa giải ở địa phương hòa giải vụ việc cho mình. Trong quá trình hòa giải, hòa giải viên có thể mời người tham gia hòa giải không và thời gian, địa điểm hòa giải ở đâu? Các bên trong hòa giải có các quyền và nghĩa vụ gì?" - Nguyễn Văn Bình, quận Hà Đông, Hà Nội

Trả lời

Điều 19 Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013 quy định: “Trong quá trình hòa giải, nếu thấy cần thiết, hòa giải viên và một trong các bên khi được sự đồng ý của bên kia có thể mời người có uy tín trong dòng họ, ở nơi sinh sống, nơi làm việc; người có trình độ pháp lý, có kiến thức xã hội; già làng, chức sắc tôn giáo, người biết rõ vụ, việc; đại diện của cơ quan, tổ chức hoặc người có uy tín khác tham gia hòa giải. Người được mời tham gia hòa giải phải tuân thủ các nguyên tắc hoạt động hòa giải ở cơ sở. Cơ quan, tổ chức có người được mời tham gia hòa giải có trách nhiệm tạo điều kiện để họ tham gia hòa giải”.

Cùng đó, Điều 20 Luật Hòa giải ở cơ sở quy định: “Địa điểm hòa giải là nơi xảy ra vụ, việc hoặc nơi do các bên hoặc hòa giải viên lựa chọn, bảo đảm thuận lợi cho các bên. Trong thời hạn 3 ngày, kể từ ngày được phân công, hòa giải viên bắt đầu tiến hành hòa giải, trừ trường hợp cần thiết phải hòa giải ngay khi chứng kiến vụ, việc hoặc các bên có thỏa thuận khác về thời gian hòa giải”.

Ngoài ra, Điều 17 Luật Hòa giải ở cơ sở quy định quyền và nghĩa vụ của các bên trong hòa giải: “Lựa chọn, đề xuất hòa giải viên, địa điểm, thời gian để tiến hành hòa giải. Đồng ý hoặc từ chối hòa giải; yêu cầu tạm dừng hoặc chấm dứt hòa giải. Yêu cầu việc hòa giải được tiến hành công khai hoặc không công khai. Được bày tỏ ý chí và quyết định về nội dung giải quyết hòa giải...”.

Như vậy, trong quá trình hòa giải ở cơ sở, nếu thấy cần thiết, hòa giải viên và một trong các bên khi được sự đồng ý của bên kia có thể mời người có uy tín trong dòng họ, ở nơi sinh sống, nơi làm việc; người có trình độ pháp lý, có kiến thức xã hội; già làng, chức sắc tôn giáo, người biết rõ vụ, việc; đại diện của cơ quan, tổ chức hoặc người có uy tín khác tham gia hòa giải. Địa điểm hòa giải có thể là nơi xảy ra vụ việc hoặc nơi do các bên hoặc hòa giải viên lựa chọn, bảo đảm thuận lợi cho các bên để đảm bảo hòa giải được thành công. Trong quá trình hòa giải, các bên có quyền và nghĩa vụ theo quy định như đã nêu tại Điều 17 Luật Hòa giải ở cơ sở.

Câu hỏi bạn đọc xin gửi về địa chỉ: Báo Kinh tế & Đô thị, số 21 Huỳnh Thúc Kháng, quận Đống Đa, Hà Nội; Email: bandoc@ktdt.com.vn