Hội đồng Nhân dân phải có thực quyền

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 16/4, các ĐB Quốc hội và ĐB HĐND chuyên trách đã cho ý kiến vào những vấn đề lớn ...

Kinhtedothi - Ngày 16/4, các ĐB Quốc hội và ĐB HĐND chuyên trách đã cho ý kiến vào những vấn đề lớn của Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Trong đó, mô hình chính quyền địa phương và phân cấp, phân quyền là những nội dung được đặc biệt quan tâm.

Đề nghị giữ nguyên HĐND ở các cấp

Trong số 2 phương án được đưa ra để xin ý kiến các ĐB Quốc hội, phương án 1 (quy định tất cả các đơn vị hành chính đều tổ chức cấp chính quyền địa phương gồm HĐND và UBND) nhận được nhiều sự đồng tình. ĐB Nguyễn Đình Bích (Phó Chủ tịch HĐND Hải Phòng) nêu quan điểm: "Quyền lực Nhà nước trong một thiết chế dân chủ nằm trong tay Nhân dân chứ không phải nằm ở trên cao, không phải trên bổ xuống mà dưới ủy quyền lên qua bầu cử". Đồng thời nhấn mạnh, các nghị quyết của cấp ủy có giá trị thực hiện trước hết với các đảng viên, nhưng khi được HĐND thể chế thành Nghị quyết thì có tính hợp pháp rất cao để mọi người dân thực hiện. Do đó, việc vẫn tổ chức HĐND là quan trọng. Nếu không tổ chức HĐND phường, thì không thể nói chính quyền địa phương đó mà là chính quyền của quận đặt tại phường và những người được bổ nhiệm trước hết chịu trách nhiệm trước cấp trên, chứ không chịu trách nhiệm trước người ủy quyền cho mình.
Đại biểu Trần Du Lịch (Đoàn TP Hồ Chí Minh) phát biểu ý kiến.       Ảnh: TTXVN
Đại biểu Trần Du Lịch (Đoàn TP Hồ Chí Minh) phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN
ĐB Danh Út (Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc) cũng cho rằng: Phương án 2 (không tổ chức HĐND cấp phường) không có ưu điểm gì. Bỏ HĐND không mang lợi ích gì cho quốc gia, làm đảo lộn bộ máy hành chính, không đảm bảo quyền dân chủ của Nhân dân.

Ở góc độ khác, ĐB Nguyễn Thanh Thủy (đoàn ĐB Quốc hội Hậu Giang) cho rằng: Cả 2 phương án chưa có phương án nào hoàn hảo. Không thể nói bỏ đi HĐND cấp quận, phường sẽ đảm bảo bộ máy tinh gọn, hiệu quả hơn. Còn với phương án 1, nếu không khắc phục được bất cập, hạn chế hiện nay thì cũng không bảo đảm được phát huy hiệu lực, hiệu quả. Do đó, phải làm rõ điểm giống nhau, khác nhau của từng mô hình ở các địa bàn nông thôn, hải đảo, đô thị, đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt để chọn phương án phù hợp, nhằm phát huy hiệu lực, hiệu quả hoạt động HĐND trong thời gian tới.

ĐB Trần Du Lịch (đoàn TP Hồ Chí Minh) thẳng thắn: Nếu giữ nguyên mô hình như hiện nay thì việc bỏ hay giữ HĐND "đâu có tác dụng gì": Bộ máy hiện nay đang bị chồng chéo chức năng, không thể nâng cao chất lượng bộ máy hành chính, không thể tinh giản biên chế. Mô hình nào cho chính quyền địa phương đều phải đạt 2 chức năng: Một là hành pháp, làm bàn tay nối dài của Chính phủ. Đồng thời đại diện cho quyền làm chủ của Nhân dân địa phương. HĐND cũng phải có thực quyền, có dư địa để phát huy sáng tạo mà không vi phạm pháp luật, tránh hình thức.

Nhiều ý kiến đề nghị, cần có quy định để thu hút người thực sự có năng lực, đáp ứng được yêu cầu vào HĐND. Tránh tình trạng nhiều ĐB "vừa đá bóng vừa thổi còi", tức vừa ở cơ quan của UBND vừa tham gia đại biểu HĐND và chiếm tỷ lệ cao, dẫn đến hiệu quả hoạt động thấp.

Phân quyền, phân cấp chưa rõ
Chủ trương là thí điểm chính quyền đô thị, nhưng ĐB và Nhân dân không đủ thông tin để đánh giá, việc tiếp cận vẫn còn rất nhiều vấn đề. Đây là lý do khiến nhiều ý kiến lựa chọn phương án 1.
ĐB Tô Văn Tám 
Đoàn Kon Tum

Bày tỏ băn khoăn về quy định chính quyền địa phương được đảm bảo nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn đã được phân quyền, phân cấp theo quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm, ĐB Lê Thị Phương Hoa (Đoàn Vĩnh Phúc) cho rằng: Hiện nay, chúng ta chưa có khái niệm pháp lý, chưa có quy định về nguyên tắc phân cấp, phân quyền, nên chưa rõ ai được phân quyền, ai được phân cấp, điều kiện, mức độ, phạm vi phân quyền, phân cấp. Người phân quyền, phân cấp có tiếp tục được phân quyền, phân cấp nữa hay không? Dự Luật quy định nội dung về nhiệm vụ, quyền hạn của các chính quyền địa phương các cấp cũng chưa thể hiện rõ đâu là việc được phân quyền, phân cấp. Đây là vấn đề đặc biệt khó khăn trong kiểm soát tổ chức hoạt động của chính quyền địa phương, nếu không làm rõ sẽ dẫn đến tình trạng là không xác định rõ trách nhiệm, dồn việc, dồn trách nhiệm cho cấp dưới, quan liêu, buông lỏng quản lý, hoặc tình trạng tùy tiện can thiệp vào các công việc.

ĐB Trần Du Lịch cho rằng: Dự Luật đã nêu ra những nguyên tắc về phân cấp, phân quyền và ủy quyền giữa các cấp chính quyền từ T.Ư và địa phương; nhưng như vậy chưa đủ mà phải quy định rất cụ thể vào luật này, vì đây chính là chìa khóa quan trọng để chính quyền địa phương phát huy năng lực sáng tạo của mình trong chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. "Tôi đọc nhiều luật chuyên ngành khác thấy rất "mờ" - ĐB Trần Du Lịch nhấn mạnh. Nhiều ý kiến khác cũng đồng tình, nếu không phân định rõ thẩm quyền và sự phân cấp, phân quyền thì những cái vướng hiện nay không giải tỏa được.