Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp Hà Nội: Khơi dậy đam mê, sáng tạo

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp (GDNN) TP Hà Nội năm 2017 vừa kết thúc, nhưng những phương pháp dạy học tiên tiến sẽ được phát huy trong mỗi nhà trường để nâng cao chất lượng dạy nghề, đáp ứng nhu cầu xã hội.

Cơ hội học hỏi kinh nghiệm
Theo nhận xét của nhiều lãnh đạo trường cao đẳng (CĐ) và trung cấp (TC), Hội giảng nhà giáo GDNN có ý nghĩa hết sức thiết thực. Đây là dịp để các thầy cô trong khối dạy nghề của TP được giao lưu, học hỏi, trau dồi kiến thức. Đặc biệt là thể hiện những nội dung bài giảng theo ngành nghề của mình một cách thoải mái và đầy sáng tạo.

Là giảng viên trẻ, lần đầu tiên tham gia Hội giảng và đoạt giải Nhất, thầy Lê Văn Úy đến từ Khoa Công nghệ thông tin, trường Cao đẳng nghề (CĐN) Công nghiệp Hà Nội cho biết, tới đây sẽ áp dụng thêm một số phương pháp mới học được để bài giảng sinh động, thu hút nhiều hơn sự chú ý của học sinh, sinh viên (HS, SV). Đó là tinh thần tự tin khi đứng lớp; biết cách quan sát và lắng nghe học trò cũng như quan tâm đến các em trong lúc thực hành.

Sinh viên trường Cao đẳng Nghề Công nghiệp Hà Nội thực hành sửa chữa thiết bị di động tại xưởng. Ảnh: Thủy Trúc

Với những giảng viên đến từ khối trường CĐ và TC chuyên nghiệp mới được chuyển về Bộ LĐTB&XH quản lý, giảng dạy tích hợp là phương pháp mới. Vì thế, giảng viên trẻ Nguyễn Văn Linh đang công tác tại Khoa Điện tử - Điện lạnh, trường CĐ Điện tử - Điện lạnh Hà Nội - người đoạt giải Ba bộc bạch: “Tôi học được kinh nghiệm giảng bài tự tin, đặc biệt là bản lĩnh xử lý tình huống bất ngờ để biến sự cố thành điểm nhấn thu hút HS, SV vào bài giảng".

Nâng cao chất lượng dạy nghề

Hội giảng nhà giáo GDNN TP Hà Nội 2017 là cơ hội để mỗi trường đúc rút kinh nghiệm, đưa ra những phương pháp đào tạo nhằm nâng cao chất lượng dạy nghề cho HS, SV. Chia sẻ với phóng viên, Phó Hiệu trưởng trường CĐN Công nghiệp Hà Nội Bùi Chính Minh cho hay: “Với những bài giảng đoạt giải cao, nhà trường sẽ tổ chức cho các thầy cô trình giảng lại và mời giảng viên các khoa khác đến xem phương pháp, phong cách giảng dạy, xử lý tình huống để làm kinh nghiệm cho mình”.

Theo thầy Minh, Hội giảng là hoạt động dành cho giáo viên nhưng góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, thể hiện ở giờ giảng chất lượng hơn, hiệu quả truyền đạt kiến thức cũng như cảm hứng của HS, SV tham gia học tập tăng lên. Đây là xu thế buộc các thầy cô phải đổi mới, nhất là khi chúng ta đã tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Cách làm của trường nhiều năm nay đã góp phần nâng tỷ lệ HS, SV có việc làm ngay khi tốt nghiệp lên tới 80%. Thậm chí, một số nghề (Cơ khí, Hàn, Điện công nghiệp, Công nghệ ô tô, Kỹ thuật máy lạnh...) có tỷ lệ có việc lên tới 100%.

Hiệu trưởng trường TC nghề Nấu ăn và Nghiệp vụ khách sạn Hà Nội Nguyễn Xuân Hùng cho biết, những tâm huyết của các thầy cô đặt vào bài giảng thiết thực, gắn kết sát với thực tiễn góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nghề. "Tôi mong muốn không chỉ các trường dạy nghề mà có nhiều DN tham gia Hội giảng để chương trình đào tạo ngày một tốt hơn, đáp ứng yêu cầu của xã hội” – thầy Hùng đề nghị.

Tất cả giáo viên đoạt giải tại Hội giảng nhà giáo GDNN cấp TP hay quốc gia chính là những hạt nhân, nhân tố để đẩy mạnh phong trào dạy tốt, học tốt trong mỗi nhà trường. Những bài giảng đạt kết quả cao là thành phần cốt lõi giúp HS, SV học nghề với khả năng tốt nhất, kỹ năng tay nghề được rèn luyện thành thạo. Từ đó, nâng tỷ lệ HS, SV ra trường được các DN đón nhận.

Trưởng Ban tổ chức Hội giảng nhà giáo GDNN TP Hà Nội năm 2017

Nguyễn Thanh Nhàn