Sáng 15/9, Bộ LĐTB&XH và UBND TP Hà Nội tổ chức Lễ khai mạc Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp (GDNN) toàn quốc năm 2018. Đến dự Lễ khai mạc có Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung, Thứ trưởng Lê Quân, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý.
|
Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung và Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý trao cờ lưu niệm cho các đoàn tham gia. |
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Quân nhấn mạnh đến vai trò của người thầy. Nhất là trong thời đại sáng tạo tri thức, vai trò của người thầy càng trở nên quan trọng để phát triển năng lực người học, dẫn dắt định hướng nghề nghiệp và kết nối người học và DN. “Sứ mệnh và vị thế của người thầy trong thời đại mới đã có nhiều đổi thay so với quan niệm truyền thống. Mặc dù vai trò của người thầy truyền thống đang bị thách thức, đó là xu hướng chung nhưng sự truyền cảm hứng từ người thầy thông qua con đường giáo dục thì không một tiến bộ nào xóa bỏ được “ – Thứ trưởng Lê Quân khẳng định.
Và, trong GDNN, nếu như trước đây, người học thường tập trung vào tư duy đơn ngành, điêu luyện 1 nghề thì ngày nay hướng đến tư duy liên ngành cộng với tính chuyên nghiệp trong hành nghề. Do vậy, người thầy không có cách nào khác là phải thay đổi cách tiếp cận, liên tục nâng cao năng lực và luôn nỗ lực khẳng định mình. Vẫn biết sự thay đổi khiến các thầy cô vất vả hơn nhiều nhưng vẫn phải chấp nhận nếu như không muốn tự đánh mất vai trò của mình trong quá trình đào tạo nghề.
Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đội ngũ GDNN ngày càng được nâng cao về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Lê Quân, đứng trước yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN để đáp ứng nhu cầu DN và thị trường lao động thì yêu cầu đối với nhà giáo ngày một cao hơn. Nhà giáo phải thường xuyên học tập, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đổi mới phương pháp giảng dạy, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong thực tiễn nghề nghiệp qua từng tiết giảng. Hội giảng nhà giáo GDNN toàn quốc được tổ chức định kỳ 3 năm một lần là một trong những hoạt động để nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, đồng thời tôn vinh nhà giáo có nhiều đóng góp quý báu cho sự nghiệp GDNN.
Hội giảng nhà giáo GDNN toàn quốc năm nay được tổ chức tại TP Hà Nội với sự tham gia của gần 400 thầy cô, đại diện cho hơn 86 nghìn nhà giáo GDNN trên cả nước. Với sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng, chu đáo và tham gia nhiệt tình của các Bộ, Ngành, địa phương, đặc biệt là TP Hà Nội - địa phương đăng cai trong 3 năm vừa qua, Thứ trưởng Lê Quân tin rằng, Hội giảng nhà giáo GDNN toàn quốc năm 2018 sẽ thành công trên mọi phương diện từ công tác chuẩn bị đến tổ chức trình giảng, đảm bảo khách quan, công bằng và chất lượng các bài trình giảng.
Đặc biệt, Hội giảng năm nay không chỉ dừng lại ở những thành tích đạt được trong khuôn khổ Hội giảng mà cần phải tiếp tục được phát huy, nhân rộng các bài giảng điển hình, tạo sức lan toả trong toàn ngành, góp phần thực hiện thành công chủ trương “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”.
Trong bài phát biểu tại Lễ khai mạc, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý cho biết, thực hiện Kế hoạch được Bộ LĐTB&XH phê duyệt về việc tổ chức Hội giảng, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo Sở LĐTB&XH Hà Nội phối hợp với các sở, ngành liên quan chuẩn bị đầy đủ các điều kiện và cơ sở vất chất tốt nhất để công tác tổ chức Hội giảng nhà giáo GDNN toàn quốc năm 2018 được diễn ra thuận lợi nhất.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý khẳng định, Hội giảng nhà giáo GDNN toàn quốc năm 2018 sẽ là hoạt động thiết thực nhằm đẩy mạnh phong trào thi đua dạy tốt, động viên nhà giáo GDNN học tập, rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề, nghiệp vụ sư phạm, tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy phù hợp, hiệu quả. Đồng thời, qua Hội giảng sẽ đánh giá năng lực của đội ngũ nhà giáo GDNN, tạo điều kiện trao đổi kinh nghiệm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, nâng cao chất lượng dạy nghề của mỗi cơ sở GDNN.
Với thông điệp “Đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng đào tạo nghề nghiệp”, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý tin tưởng kết quả của Hội giảng sẽ góp phần thiết thực nâng cao chất lượng GDNN trên cả nước, giúp các em học sinh, sinh viên sau khi ra trường trang bị cho bản thân những kỹ năng mới, có trình độ kỹ thuật, tay nghề cao. Để từ đó, các em tự tin hòa nhập, có việc làm góp phần vào sự nghiệp CNH-HĐH của đất nước.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN Trương Anh Dũng – Trưởng Ban Tổ chức Hội giảng nhà giáo GDNN toàn quốc năm 2018 cho biết: Hội giảng có quy mô lớn nhất từ trước tới nay, với 373 nhà giáo dự thi ở 90 nghề, đến từ 244 cơ sở GDNN thuộc 56 địa phương trên cả nước. Các địa phương còn lại cử đoàn quan sát viên đến giao lưu, học hỏi kinh nghiệm. Dự kiến hội giảng sẽ thu hút hơn 1 ngàn nhà giáo, lãnh đạo, cán bộ, học sinh, sinh viên của các địa phương và các cơ sở GDNN trên toàn quốc về cổ vũ, động viên, học tập kinh nghiệm. |