Hội Gióng đền Phù Đổng: Đào hào, bơm nước, hạn chế người dân cướp chiếu lộc

Hoàng Yến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để lễ hội Gióng đền Phù Đổng (Gia Lâm) diễn ra an toàn, BTC đã có phương án hạn chế tình trạng chen lấn, giằng co trong lúc cướp chiếu lộc.

Ngày 16/5, Đoàn kiểm tra liên ngành của UBND TP Hà Nội đã kiểm tra công tác tổ chức lễ hội Gióng đền Phù Đổng (huyện Gia Lâm) và lễ hội truyền thống Chử Đồng Tử - Tiên Dung (xã Tự Nhiên, huyện Thường Tín).

Lễ hội Gióng đền Phù Đổng (huyện Gia Lâm). Ảnh tư liệu.
Lễ hội Gióng đền Phù Đổng (huyện Gia Lâm). Ảnh tư liệu.

Theo kế hoạch, Lễ hội Gióng đền Phù Đổng năm 2023 diễn ra trong 3 ngày, từ 25 - 27/5/2023 (mùng 7 – 9/4 Âm lịch). Trong đó, lễ khai mạc sẽ diễn ra vào 19 giờ ngày 25/5 (ngày 7/4 Âm lịch) tại Đền Thượng, Khu di tích Đền Phù Đổng (huyện Gia Lâm, Hà Nội).

Theo Trưởng phòng VH&TT huyện Gia Lâm Phạm Thị Hoài Hương: Hiện nay, BTC đã mời 300 đại biểu. Cùng với sự tham gia của người dân, dự kiến lễ hội sẽ có hàng nghìn người tham gia.

Liên quan đến tình trạng người dân chen nhau cướp chiếu để cầu may mắn diễn ra những năm trước đây, trao đổi với phóng viên KT&ĐT, bà Phạm Thị Hoài Hương cho biết: “Bãi đất rộng thực hiện nghi lễ được xây dựng cao hơn trước. Chúng tôi cũng đã đào một hệ thống hào sâu, rộng 4 – 5 mét. Đến ngày đánh trận, chúng tôi  sẽ bơm nước đầy hào để dân ở bên ngoài, bên trong chỉ có BTC. Khi cướp chiếu, bát, người dân chỉ xem. Chính những người trong đoàn rước lễ sẽ thực hành nghi thức”. 

Đề Phù Đổng (Gia Lâm, Hà Nội). Ảnh: Hoàng Yến
Đề Phù Đổng (Gia Lâm, Hà Nội). Ảnh: Hoàng Yến

Chia sẻ thêm về nghi lễ này, ông Nguyễn Quang Hiển - Quản lý đền Phù Đổng chia sẻ: “Từ lâu, để hạn chế tình trạng giằng co, các chiếu đã được phân chia rõ. Chiếu thứ nhất dành cho gia nhân các ông Hiệu, chiếu thứ 2 dành cho phù giá, chiếu thứ 3 cho người dân. Đệ hạn chế giằng co, chiếu thứ 3 đã được làm cho kém chất lượng đi để mọi người giằng là đứt.  

Hiện nay, hệ thông hào nước xung quanh cũng giúp cho dân đỡ tràn sang. Chỉ có một lượng vừa phải, lợi dụng đi cùng với gia nhân của các ông Hiệu vào để cướp, sau đó họ chia cho bà con”.

Về việc bảo đảm an ninh trật tự cho lễ hội, công an huyện đã xây dựng phương án ứng trực, tổ chức hơn 400 ca trực để phân luồng giao thông, trông giữ phương tiện. “Cùng với đó, công an sẽ xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng lễ hội để trục lợi, tổ chức các trò chơi cá cược, bói toán, hoạt động mê tín dị đoan. Đồng thời, lực lượng chức năng sẽ xử lý nghiêm người điều khiển phương tiện vi phạm về nồng độ cồn” – bà Phạm Thị Hoài Hương cho hay.

Quang cảnh khu di tích đình Hạ, đình Thượng. Ảnh: Hoàng Yến.
Quang cảnh khu di tích đình Hạ, đình Thượng. Ảnh: Hoàng Yến.

Lễ hội truyền thống Chử Đồng Tử - Tiên Dung sẽ diễn ra từ ngày 17 – 20/5 (tức 28/3 đến 2/4 Âm lịch) tại khu di tích đình Hạ, đình Thượng (xã Tự Nhiên, huyện Thường Tín).

. Theo Chủ tịch UBND xã Tự Nhiên Nguyễn Xuân Phiến cho biết đã huy động khoảng 600 người tham gia. “Hiện nay công tác chuẩn bị đã hoàn thành 90%, còn lại phụ thuộc vào thời tiết” – ông Nguyễn Xuân Phiến cho hay.

Tuy nhiên, tại buổi làm việc, đoàn kiểm tra đề nghị lãnh đạo UBND xã Tự Nhiên điều chỉnh các nội quy do địa phương xây dựng.

Công tác chuẩn bị lễ hội đã cơ bản hoàn tất. Ảnh: Hoàng Yến
Công tác chuẩn bị lễ hội đã cơ bản hoàn tất. Ảnh: Hoàng Yến

Trong đó điều 3, với nội dung “Các dịch vụ về kinh doanh bán hàng phục vụ lễ hội pham tham gió đóng góp lệ phí để phục vụ công tác vệ sinh môi trường, ANTT… khi đến lễ hội kinh doanh bán hàng phải vào gặp BTC lễ hội để nộp lệ phí theo quy định của BTC” cần phải xem xét kỹ lưỡng, điều chỉnh phù hợp, tránh thương mại hoá lễ hội.

Tiếp thu ý kiến trên, Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản đề nghị UBND xã Tự nhiên điều chỉnh các nội quy không phù hợp, không tuỳ tiện đặt ra các loại phí, lệ phí. Đồng thời, tuyên truyền, nhắc nhở, cấm người dân đốt vàng mã. BTC huy động xe cứu thương, PCCC sẵn sàng ứng trực trong điều kiện nắng nóng hiện nay.