Hối hả trên công trường sửa mặt cầu Thăng Long

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự án sửa mặt cầu Thăng Long chỉ còn cách vạch đích ít ngày nữa. Để đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình, hàng trăm kỹ sư, công nhân tại đây đã phải trải qua những khoảng thời gian làm việc “căng như dây đàn”.

Thi công cả cuối tuần, ngày nghỉ
Gặp phóng viên Kinh tế & Đô thị tại công trường, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) Vũ Hải Tùng vui mừng thông báo, với tiến độ như hiện tại, dự án sửa mặt cầu Thăng Long dự kiến sẽ về đích sớm hơn so với kế hoạch ban đầu. “Sau khi thảm bê tông nhựa xong, dự án coi như sắp sửa hoàn thành, chỉ còn một số hạng mục phụ để hoàn thiện dự án như đường bộ hành, kẻ sơn vạch... Dự kiến, ngày 8/1/2021 cầu Thăng Long sẽ chính thức thông xe. Tiến độ dự án đến thời điểm hiện tại hoàn toàn có thể yên tâm” – ông Vũ Hải Tùng chia sẻ.
 Toàn cảnh công trường sửa mặt cầu Thăng Long. Ảnh: Phạm Hùng
Theo hợp đồng giữa đại diện chủ đầu tư và nhà thầu, thời gian thi công dự án sửa mặt cầu Thăng Long là 150 ngày, bắt đầu từ 16/8/2020 và kết thúc vào ngày 12/1/2021. Nếu dự án hoàn thành vào ngày 8/1/2021 đúng như dự kiến thì vượt tiến độ 4 ngày. “Đây là thành quả rất đáng ghi nhận, bởi dự án được thực hiện vào thời điểm cuối năm, dưới điều kiện thời tiết không thuận lợi nhưng tất cả cán bộ, công nhân, kỹ sư... làm việc tại công trường đã rất nỗ lực để đảm bảo dự án về đích đúng tiến độ đề ra” – ông Vũ Hải Tùng nói. Đồng thời cho biết thêm, suốt từ khi dự án khởi công đến nay, ông cùng lãnh đạo Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng liên tục có mặt tại công trường để kiểm tra, giám sát và đôn đốc công tác thi công, bất kể ngày cuối tuần hay ngày nghỉ. “Thậm chí đêm hôm cũng phải có mặt, nhất là những hôm đổ bê tông hoặc thảm đêm. Đây là công tác phụ thuộc rất lớn vào thời tiết nên chỉ cần thời tiết thuận lợi là phải thực hiện ngay” – ông Tùng cho biết.

“Canh me” thời tiết cả ngày lẫn đêm

Theo quan sát của phóng viên, tại công trường, có hai người khá đặc biệt bởi họ luôn đứng gần máy thảm bê tông nhựa, quan sát tỉ mỉ từng chút một. Đó là hai chuyên gia đến từ tập đoàn TAIYU của Nhật Bản, đơn vị cung cấp keo dính bám Hyper Primer cũng như giám sát việc thi công bôi keo này tại dự án. Kỹ sư Vi Văn Hạnh – Trưởng phòng Kỹ thuật Công ty TNHH TAIYU Việt Nam cho biết, đối với dự án làm cầu, đường, công đoạn thảm bê tông nhựa là khó khăn nhất, không phải bởi sự phức tạp của công việc mà phụ thuộc rất lớn vào thời tiết. “Trước khi thảm lớp bê tông nhựa thì phải quét lớp kéo dính bám Hyper Primer (hoặc lớp nhũ tương như ở nhiều dự án cầu, đường khác – PV). Lớp keo có tác dụng dính bám giữa lớp bê tông nhựa không bị trơn trượt với lớp bê tông mặt cầu. Ngoài ra, lớp keo dính bám còn có khả năng chống thấm” – anh Hạnh nói. Hơn nữa, thời tiết phải đảm bảo tuyệt đối khô ráo, bề mặt bê tông trước khi quét lớp keo cũng phải khô ráo. Chính vì vậy, phải lựa chọn ngày thời tiết không có mưa gió thi công mới đạt được hiệu quả cao nhất.

Vào thời điểm cuối năm, mùa Đông lạnh, mưa gió thất thường nên đã ảnh hưởng khá nhiều đến công tác thi công, nhất là công đoạn bôi keo dính bám để thảm bê tông nhựa. Do đó, suốt từ khi bắt đầu công tác thảm bê tông nhựa đến nay, anh Hạnh cùng tất cả các chuyên gia, kỹ sư, công nhân đều luôn phải... canh thời tiết. “Bình thường, nếu nhiệt độ trên 30 độ thì chỉ sau một ngày, bề mặt sẽ cứng hóa và thi công lớp bê tông nhựa bên trên sẽ được ngay nhưng về mùa Đông, có những hôm thời tiết xuống dưới 20 độ thì sẽ phải cần đến 1,5 – 2 ngày. Vì vậy sau khi quét lớp siêu dính bám thì thời gian chờ đợi sẽ dài hơn so với bình thường. Điều này sẽ ảnh hưởng ít nhiều tới tiến độ dự án” – anh Hạnh phân tích.

"Cầu Thăng Long cũng như bất kỳ cây cầu nào khác, muốn đảm bảo tuổi thọ của công trình thì không được phép cho xe quá tải chạy qua. Cầu Thăng Long lâu nay luôn có lưu lượng xe qua lại rất lớn, tuy nhiên, nếu kiểm soát được tải trọng xe thì dù lưu lượng phương tiện có lớn cũng không có vấn đề gì đáng lo ngại. Lưu lượng nhỏ mà nhiều xe quá tải thì cầu, đường vẫn hư hỏng như thường." - Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng Vũ Hải Tùng


"Trước mắt, để kiểm soát tải trọng xe đảm bảo kết cấu mặt cầu sau khi đưa vào khai thác, Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ sử dụng cân di động, kết hợp với thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Đồng thời sẽ tăng cường tuyên truyền cho người dân, DN nghiêm chỉnh chấp hành việc chở đúng tải trọng theo quy định." - Giám đốc Ban Quản lý dự án 3 Nguyễn Xuân Trường

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần