Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hội họp nhiều, người dân vẫn “dài cổ” chờ đợi

Hải Dương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không đạt yêu cầu, mục tiêu, chưa rõ trách nhiệm. Đó là ý kiến của các ĐB tại phiên thảo luận về cải cách tổ chức bộ máy Nhà nước, sáng 30/10.

Tinh giản ngay cấp phó
Đại biểu Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) lo ngại với bộ máy hành chính cồng kềnh, ngân sách dù có là “nồi cơm thạch sanh” cũng khó bao bọc nổi. Tuy nhiên, theo ông, không đơn thuần tăng đầu mối là tăng biên chế, hay nhập tổ chức sẽ giúp giảm người ăn lương. "Việc tách hay nhập phải phụ thuộc vào tình hình thực tế. Vấn đề là tính toán tổng thể để tinh giản biên chế, thu gọn bộ máy với tinh thần không khoan nhượng", ông nói.
 Quốc hội thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016. 
ĐB Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình), nhận định quy định pháp luật ở đây "vẫn còn kẽ hở". Vì vậy mới dẫn đến tình trạng hình thành một số chức danh không có trong quy định như "hàm Vụ trưởng", "hàm Vụ phó", hoặc là quy định các Bộ không có quá 4 Thứ trưởng nhưng thực tế đều nhiều hơn, có bộ đến 9 thứ trưởng... “Trung ương làm được, tỉnh làm được, tỉnh này làm được thì tỉnh kia làm được; tỉnh làm được thì xã, phường, huyện làm được… từ đó cấp phó tăng nhanh, không chỉ trong cơ quan Nhà nước, mà còn cơ quan Đảng, đoàn thể. Thực tế có phòng ban chỉ toàn lãnh đạo mà không có nhân viên, nhưng thời gian dài không ai bị nhắc nhở, phê bình”, ông Phương nêu thực tế và đề nghị việc cần làm ngay của bộ máy hành chính là "tinh giản cấp phó".
Đi vào phân tích nguyên nhân khiến công tác này thời gian qua còn thiếu hiệu quả, ĐB Nguyễn Hồng Vân (Phú Yên) cho rằng việc thực hiện kỷ luật hành chính chưa nghiêm. "Cử tri và nhiều cán bộ lão thành rất bức xúc việc khi Ủy ban Kiểm tra của Đảng và các cấp phát hiện và nêu ra các sai phạm của cán bộ, Đảng viên đều nói là “nghiêm trọng”, “rất nghiêm trọng”, xử lý kỷ luật về Đảng rồi nhưng về nhà nước thì chưa xem xét các mức độ sai phạm đó, truy cứu trách nhiệm với pháp luật như thế nào. Áp dụng hình thức cho “thôi” giữ chức vụ, nhưng đây đâu phải hình thức kỷ luật", ông Hồng Vân nói.

Bên cạnh đó, tình trạng đề bạt, bổ nhiệm cán bộ không đúng tiêu chuẩn, quy trình hoặc vượt quá số lượng. "Đâu đó vẫn còn hiện tượng “phạt cho tồn tại, y như trong quản lý xây dựng. Xây dựng sai phép thì phải cưỡng chế, dỡ bỏ, đây đề bạt cán bộ sai thì phạt cho tồn tại là không phù hợp’, ông Nguyễn Hồng Vân nói. Theo ĐB, cần xử lý cả người bổ nhiệm và người được bổ nhiệm để công bằng, nâng cao nhận thức về cải cách bộ máy hành chính.
Trách nhiệm của ai, phải chỉ rõ

Trong khi đó, trao đổi với báo chí bên hành lang sáng 30/10, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, việc phân cấp phân quyền chưa được như mong muốn. Trong khi, Chính phủ thực hiện phân cấp, phân quyền rất mạnh mẽ về vấn đề này nhưng các Bộ, ngành lại ngược lại, không mạnh dạn thực hiện phân cấp phân quyền.

“Theo tôi, không thể để tự Chính phủ, các Bộ, ngành tự thực hiện phân cấp, phân quyền kéo dài được mà Quốc hội phải có quyết định của mình theo quyền năng của Quốc hội theo yêu cầu của đồng bảo cử tri. Quốc hội phải giám sát và giám sát thấy thì phải có quyết định trong Nghị quyết”, bà Tâm nói.

ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm cũng đề cập đến việc giảm biên chế, hội họp nhiều gây lãng phí về thời gian, kinh phí và xử lý các việc chậm. Trong báo cáo giám sát có đề cập đến vấn đề đó nhưng báo cáo giám sát chưa xác định nguyên nhân vì sao, chưa phân tích sâu và chưa “điểm huyệt” được thực trạng.

Theo bà Tâm, việc hội họp, lãng phí gây ra nhiều, chậm xử lý công việc của dân là do bộ máy tổ chức, chức năng, nhiệm vụ còn dàn trải 4 cấp, từ Trung ương đến địa phương. Tất cả đều thực hiện chức năng, nhiệm vụ đó, một việc mà do cả 4 cấp đều làm đương nhiên phải họp và phải xin ý kiến cấp trên. Mỗi một cấp cứ nghiên cứu và để đấy như vậy không có chế định nào về việc này. Thiệt thòi trước hết thuộc về người dân, doanh nghiệp”. Chính điều đó đẻ ra vấn đề “chạy”, “né tránh” trách nhiệm.

Bởi vì chúng ta phân định không rõ, quá nhiều cấp, quá nhiều người đứng đầu chịu trách nhiệm thì ai chịu. Vì thế, hội họp nhiều là đúng rồi. “Báo cáo giám sát chưa chỉ ra một cách cụ thể vấn đề này, trách nhiệm của ai, sao để tình trạng đó kéo dài và vấn đề có được giải quyết khi Nghị quyết ra đời. Theo tôi phải đặt vấn đề trọng tâm và xử lý dứt điểm, nói đi đôi với làm. Và làm được mới chấm dứt tình trạng “ăn theo” vấn đề này là việc gì khó đẩy lên cấp trên. Cấp trên lại đẩy lên trên nữa. Người dân “dài cổ” chờ đợi giải quyết”, ĐB nói.