Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hội LHPN TP Hà Nội hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới

Thuỷ Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 27/11, tại huyện Gia Lâm, Hội LHPN TP Hà Nội tổ chức lễ phát động hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2022.

Các đại biểu tham dự chương trình truyền tải thông điệp phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.
Các đại biểu tham dự chương trình truyền tải thông điệp phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.

Lễ phát động được tổ chức với chủ đề “Bảo đảm an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới”. Đây là hoạt động thiết thực, ý nghĩa hưởng ứng tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2022 và hưởng ứng Ngày quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với Phụ nữ 25/11 nhằm kêu gọi cán bộ, hội viên, phụ nữ Thành phố và cộng đồng chung tay hành động xây dựng Thành phố an toàn thân thiện, phòng chống bạo lực, xâm hại với phụ nữ và trẻ em.

Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ TP Hà Nội Lê Kim Anh phát biểu tại lễ phát động.
Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ TP Hà Nội Lê Kim Anh phát biểu tại lễ phát động.

Phát biểu tại lễ phát động, Chủ tịch Hội LHPN TP Hà Nội Lê Kim Anh nhấn mạnh, bảo đảm bình đẳng giới, xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh, phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Hà Nội với vị thế của Thủ đô, trái tim của cả nước, Thành ủy, HĐND, UBND TP đã luôn quan tâm chỉ đạo thúc đẩy bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ. Ban hành kế hoạch thực hiện chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030; Chương trình phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021-2025; Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em TP Hà Nội giai đoạn 2021-2030; Đề án phòng ngừa ứng phó với bạo lực xâm hại phụ nữ và trẻ em, Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, Tầm soát, phát hiện sớm ung thư vú, ung thư cổ tử cung cho phụ nữ trên địa bàn Thành phố....; Công tác cán bộ nữ được quan tâm, tỷ lệ tham gia các vị trí lãnh đạo, quản lý các cấp tăng qua các nhiệm kỳ.

Thời gian qua, các cấp Hội LHPN TP Hà Nội đã tích cực phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, đoàn thể, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ triển khai các hoạt động truyền thông, tập huấn nâng cao nhận thức của hội viên và nhân dân về phòng, chống bạo lực gia đình; phòng, chống xâm hại phụ nữ và trẻ em.

Trao tặng quà cho trẻ em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Trao tặng quà cho trẻ em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Nhiều mô hình thiết thực đã được các cấp Hội triển khai nhằm phòng ngừa bạo lực; vận động nam giới chia sẻ với phụ nữ; đề xuất giải quyết kịp thời các vụ bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em, như: Hội đồng Tư vấn tham gia giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ; các tổ tư vấn pháp luật, nhóm nòng cốt truyên truyền pháp luật; địa chỉ tin cậy tại cộng đồng; “Làng quê an toàn”, “Thành phố an toàn, thân thiện đối với phụ nữ và trẻ em gái”, “Nhà trọ an toàn”, “Chung cư an toàn”; các câu lạc bộ: “Nam giới lên tiếng”, “Nam giới đồng hành vì sự an toàn của phụ nữ và trẻ em”, “Gia đình nói không với bạo lực”...

Đồng thời, ký kết nhiều chương trình phối hợp với các cơ quan tố tụng, các sở, ban, ngành hỗ trợ phụ nữ nâng cao quyền năng kinh tế, phòng ngừa bạo lực, xâm hại và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho phụ nữ, trẻ em..., góp phần giúp chị em xây dựng gia đình hạnh phúc.

Chủ tịch Hội LHPN TP Hà Nội bày tỏ hy vọng, với những thông điệp từ chương trình này sẽ lan tỏa tới 30 quận, huyện, thị xã và 579 xã, phường, thị trấn để phụ nữ và trẻ em thành phố luôn được sống trong tình yêu thương, được chăm lo phát triển toàn diện, vì Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại.

Truyền thông bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới qua việc tổ chức phiên tòa giả định.
Truyền thông bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới qua việc tổ chức phiên tòa giả định.

Chủ tịch Hội LHPN TP Hà Nội cũng đề nghị các cấp Hội Phụ nữ TP quan tâm gắn hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới, phòng chống bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em với thực hiện Cuộc vận động xây dựng gia đình 5 không 3 sạch, mô hình 5 có 3 sạch, trong đó chú trọng tiêu chí gia đình không có bạo lực, có ngôi nhà an toàn, có sinh kế bền vững; Phong trào thi đua “Xây dựng người Phụ nữ Việt Nam thời đại mới”, “Xây dựng người phụ nữ Thủ đô “Trung hậu – Sáng tạo – Đảm đang – Thanh Lịch”.

Cùng với đó, xây dựng và nâng cao chất lượng hoạt động của các mô hình tăng cường quyền năng cho phụ nữ và trẻ em gái, xây dựng thành phố an toàn, thân thiện với phụ nữ và trẻ em, trong đó thu hút sự tham gia của nam giới và những người có uy tín trong cộng đồng, gia đình, nhà trường….  chủ động tham gia giám sát việc thực hiện luật pháp chính sách về bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình, quyền trẻ em. Kịp thời phát hiện, lên tiếng, đề xuất chính quyền, các ngành chức năng xử lý nghiêm các vụ việc bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em, hỗ trợ nạn nhân tiếp cận các dịch vụ trợ giúp, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, trẻ em.

Trong khuôn khổ buổi lễ phát động, hơn 300 cán bộ, hội viên huyện Gia Lâm đã có màn đồng diễn dân vũ sắc cam; 500 đại biểu viết thông điệp cam kết chung tay phòng ngừa bạo lực, xây dựng thành phố an toàn cho phụ nữ và trẻ em; trao tặng quà cho trẻ em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Nhân dịp này, Ban tổ chức đã xây dựng phiên tòa giả định xét xử về vụ việc xâm hại phụ nữ, qua đó cảnh báo răn đe đối với các hành vi vi phạm.

 

Theo số liệu thống kê, cả nước có gần 62,9% phụ nữ chịu ít nhất một hình thức bạo lực do chồng hoặc bạn tình gây ra; Có 70,8%  trẻ em dưới 15 tuổi đã từng phải chịu ít nhất một hình thức xử phạt bạo lực tâm lý hoặc thể xác bởi các thành viên gia đình; Theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, từ tháng 6/2019 đến tháng 6/2021, cả nước có hơn 4.009 trẻ em bị xâm hại, trong đó có hơn 3.600 trẻ em gái - chiếm 89,8%.

Trên địa bàn Hà Nội, trong 3 năm 2019-2021, theo báo cáo của Sở Văn hóa thể thao, toàn thành phố có 387 vụ bạo lực gia đình, trong đó nạn nhân chủ yếu là phụ nữ ; Theo báo cáo hàng năm của Tòa án nhân dân Thành phố, trong 3 năm 2019 -2021 và 6 tháng đầu năm 2022, tòa án đã thụ lý 283 vụ xâm hại tình dục trẻ em với 305 bị cáo, năm sau số vụ tăng hơn năm trước.